Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

IAEA: tốc độ tăng trưởng điện hạt nhân là không thể đảo ngược



Phuchoiacquy - “Tốc độ tăng trưởng điện hạt nhân có thể chậm lại, hoặc trì hoãn, nhưng không thể đảo ngược đà phát triển của điện hạt nhân” trên thế giới trong những thập kỷ tới, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định trong báo cáo mới nhất của mình.
Điện hạt nhân vẫn là lựa chọn của tương lai
Hiệu ứng nặng nề từ tai nạn ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi hồi tháng 3 năm ngoái đã làm lung lay sự ủng hộ của nhân loại với điện hạt nhân và thậm chí một số nước như Đức, Bỉ, Thụy Sỹ đã quyết định loại bỏ năng lượng hạt nhân ra khỏi cơ cấu năng lượng của mình. Những tưởng tương lai của điện hạt nhân sẽ bị đe dọa nhưng mới đây Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano đã khẳng định tại Hội nghị lần thứ 56 của IAEA ở Vienna mới đây rằng: Năng lượng nguyên tử vẫn sẽ là một sự lựa chọn quan trọng đối với nhiều quốc gia trong 20 năm tới và các nước đang phát triển sẽ tiếp tục quan tâm đến loại năng lượng này.
Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima của năm 2012 vẫn đang dọn dẹp sau thảm họa hồi tháng 3/2011
Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima của năm 2012 
vẫn đang dọn dẹp sau thảm họa hồi tháng 3/2011

“Năng lượng hạt nhân vẫn là lựa chọn của nhiều quốc gia vì những lợi ích năng lượng hạt nhân mang lại: Củng cố an ninh năng lượng, giảm tác động bất ổn của giá năng lượng hóa thạch, làm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm tăng trưởng kinh tế… Bài học từ Fukushima là cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Với những nỗ lực của tất cả mọi thành viên IAEA, chúng ta có thể vượt qua được những thách thức trong tương lai”.
Trích phát biểu của Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano tại Hội nghị lần thứ 56 của IAEA ở Vienna

Trong báo cáo mới công bố của mình, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ước tính rằng, việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu đã thải 30,6 giga tấn CO2 vào bầu khí quyển trái đất trong năm 2010. Đây là mức tăng khủng khiếp nếu so với con số 1,6 giga tấn CO2 của năm 2009 và đặt vào bối cảnh kinh tế toàn cầu lâm vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong 80 năm qua. Sự phát thải khí nhà kính cao nhất này sẽ được ghi vào lịch sử loài người và đồng nghĩa với việc thế giới gần như không có khả năng đạt được các mục tiêu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, mà theo đó, hạn chế gia tăng nhiệt độ không quá 2 độ C và cắt giảm phát thải CO2 xuống dưới nồng độ 450 ppm. Có thể khẳng định rằng, những mục tiêu trên không thể đạt được nếu không có điện hạt nhân.
Báo cáo của IAEA cũng tái khẳng định vai trò của điện hạt nhân trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu vào thời kỳ cuối của thời đại nhiên liệu hydrocarbon. Báo cáo tóm gọn lại bằng câu: “Năng lượng hạt nhân là công nghệ phải được tăng tốc, thúc đẩy và trông cậy nếu thế giới muốn ổn định lượng khí thải CO2 ở mức độ chấp nhận được”.
Bên cạnh đó, các nhà máy điện hạt nhân, với chi phí phát điện ổn định và có khả năng dự báo trước nhờ vào chi phí nhiên liệu thấp, sẽ góp phần thúc đẩy đảm bảo phát triển kinh tế. Hiển nhiên, không phải mỗi nước đều đủ sức xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì nó đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Nhưng ngay cả những nước nghèo nhất cũng cố gắng có điện hạt nhân, dù xuất phát từ lý do an ninh quốc gia và triển vọng đi lên của quốc gia. Một ví dụ điển hình là Nhật Bản - nước đang thấm thía hơn cả hậu quả nặng nề của thảm họa hạt nhân Fukushima mới đây cũng nhùng nhằng chưa phê duyệt được kế hoạch từ bỏ điện hạt nhân và cũng không có kế hoạch đình chỉ việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đã được chính phủ phê duyệt.
2 kịch bản phát triển năng lượng hạt nhân toàn cầu
Báo cáo có tên đầy đủ “Năng lượng, điện và điện hạt nhân ước tính cho giai đoạn đến năm 2050” đã dự báo 2 kịch bản phát triển năng lượng hạt nhân toàn cầu dựa trên xu hướng phát triển kinh tế - chính trị trên thế giới trong những năm tới. “Kịch bản tối thiểu” giả định thế giới sẽ tiếp tục xu hướng “bảo thủ nhưng chính đáng” với năng lượng hạt nhân trong khi “kịch bản tối đa” giả định cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay sẽ được khắc phục “tương đối sớm” và thế giới lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và nhu cầu điện năng, đặc biệt là ở vùng Đông Á. Theo đó, đến năm 2030, công suất điện hạt nhân trên thế giới dự đoán sẽ tăng tối thiểu là 25% và tối đa là 100%. Như vậy, đến năm 2030, công suất điện hạt nhân sẽ đạt từ 456GW-740GW, tăng so với mức 370GW của năm 2011.
Đông Á sẽ là nơi có tốc độ tăng trưởng điện hạt nhân mạnh mẽ nhất thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Công suất điện hạt nhân ở khu vực này đến năm 2030 dự báo sẽ tăng từ mức 80GW vào cuối năm 2011 lên 153GW trong “kịch bản tối thiểu” và 274GW trong “kịch bản tối đa”. Sự tăng trưởng cũng được dự báo ở các khu vực khác trên toàn cầu trong “kịch bản tối đa”, mặc dù tổng công suất điện hạt nhân ở khu vực Tây Âu có thể giảm từ 115GW của năm 2011 xuống còn 70GW vào năm 2030 trong “kịch bản tối thiểu”. Ngoài ra, ở kịch bản này, công suất điện hạt nhân ở Bắc Mỹ cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ, từ mức 114GW vào cuối năm 2011 xuống còn 111GW trong năm 2030. Trong khi đó, “kịch bản tối đa” lại dự đoán tăng trưởng ở khu vực này sẽ lên tới 148GW.
Theo chuyên gia Oleg Dvoinikov - Trưởng biên tập Tạp chí Chiến lược hạt nhân: “Trung Quốc có chương trình đồ sộ nhất về xây dựng các lò phản ứng hạt nhân. Ngoài ra có những chương trình lớn ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Đông. Cách đây chưa lâu đã bắt đầu xây dựng nhà máy cả trong vùng giàu tài nguyên thiên nhiên của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Sau đó dần dần sẽ kết nối Nam Mỹ và thậm chí cả châu Phi vào tiến trình này, mặc dù ở đó, nền kinh tế còn nhiều khó khăn”. Tuy nhiên, ông Dvoinikov cũng nhấn mạnh rằng, không thể xây dựng những nhà máy điện hạt nhân mới ở bất cứ nơi đâu theo ý muốn chủ quan, mà không tính đến những biến động của tình hình chính trị tại mỗi nước và cần lưu ý tới nguy cơ công nghệ tiên tiến rơi vào tay những phần tử cực đoan. Bên cạnh đó, trong bất kỳ trường hợp nào, công việc với điện hạt nhân cần được đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của cơ quan quốc tế chuyên trách IAEA - trung tâm duy nhất trên thế giới điều phối các vấn đề an ninh hạt nhân.
Đương nhiên, khó nói sẽ có hình thái nào của sự phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình trong một thế giới biến đổi nhanh chóng nhưng thế giới chắc chắn cũng sẽ khó nói lời chia tay với năng lượng hạt nhân.

Đến thời điểm này, trên toàn cầu có 435 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động ở 31 quốc gia với công suất lắp đặt là 370GW. Ngoài ra, có 62 tổ máy điện hạt nhân đang được xây dựng và 2 tổ máy mới (Shin-Wolsong-1 và Shin-Kori-2) của Hàn Quốc vừa được hòa vào lưới điện đầu năm 2012 này.
Đặc biệt sau sự cố điện hạt nhân Fukushima (tháng 3/2011), Iran đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành thử (tháng 9-2011), UAE đổ mẻ bê tông xây dựng nhà máy đầu tiên, Belorus ký Hiệp định liên chính phủ vào tháng 10/2011 và Hợp đồng EPC vào tháng 7/2012 xây dựng nhà máy đầu tiên của mình. Việt Nam cũng được kể đến như là nước đã ký Hiệp định tín dụng cho nhà máy ở Ninh Thuận vào tháng 12/2011.
Và ngày 1/10, Tập đoàn Phát triển Điện lực Nhật Bản quyết định nối lại việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Aomori - nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Nhật Bản được cấp phép nối lại hoạt động xây dựng kể từ sau khi xảy ra sự cố Fukushima.

Theo PTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét