Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

An ninh năng lượng và vấn đề bảo vệ môi trường của Hàn Quốc (Kỳ 2)



Nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Hàn Quốc đã tăng lên cao trong giai đoạn 1980 - 1997, từ 1,7 x 1024 Btu lên 7,4 x 1024 Btu (Btu đơn vị nhiệt lượng Anh). Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra năm 1997 - 1998 đã tác động mạnh đến nền kinh tế Hàn Quốc, và như vậy nó cũng gián tiếp tác động tới nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nước này.  Kết quả là, tổng năng lượng tiêu thụ năm 1998 đã giảm xuống còn 6,8 x 1024 Btu. Nhưng mức giảm này chỉ duy trì trong một thời gian ngắn, sau đó lại tăng lên 8,1 x 1024 Btu năm 2001.

>> An ninh năng lượng và vấn đề bảo vệ môi trường của Hàn Quốc (Kỳ 1)

 Thủ đô Seoul
Sử dụng năng lượng - thủ phạm của ô nhiễm môi trường không khí
Người ta có thể mô tả mức tiêu thụ năng lượng của Hàn Quốc thông qua biểu đồ, hay bằng số liệu minh hoạ. Hình thức tiêu thụ năng lượng được đề cập đến ở đây có liên quan chặt chẽ với tổng lượng cacbon phát thải. Theo tính toán của các nhà khoa học, tổng mức tiêu thụ năng lượng của Hàn Quốc năm 1980 là 35,1 triệu m3 , đến năm 1997 mức này đã tăng đến 117,9 triệu m3 . Tuy nhiên, do khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra vào cuối năm 1997 kéo theo giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch khiến mức tiêu thụ năng lượng ở Hàn Quốc năm 1998 chỉ còn 100,6 triệu m3
Điều cần lưu ý là, mức phát thải các bon đã tăng lên đáng kể cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế cũng như tiêu thụ năng lượng. Theo thống kê của Bộ Môi trường Hàn Quốc, tổng lượng các bon phát thải đã tăng từ mức 104,8 triệu tấn năm 1999 lên 120,8 triệu tấn năm 2001 và Hàn Quốc trở thành quốc gia phát thải lớn, đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng về phát thải cacbon trên thế giới.
Quá trình công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng ở Hàn Quốc trong mấy thập kỷ vừa qua đã làm tăng mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành công nghiệp. Thống kê cho thấy, mức tăng này khá ngoạn mục >300%, từ 1,0 x 1024 Btu năm 1985 lên 4,2 x 1024 Btu năm 1996. Thêm vào đó, đây cũng là khoảng thời gian Hàn Quốc bùng nổ phương tiện giao thông, bao gồm phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng.
Điều này đã góp phần làm tăng mức tiêu thụ năng lượng và phát thải các bon ở hòn đảo này. Theo ước tính, ngành công nghiệp tiêu thụ khoảng 56% tổng mức tiêu thụ năng lượng, giao thông 20%, truyền thông và quảng cáo 15%, và hộ gia đình 9%.
Để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng, Hàn Quốc đã phải nhập khẩu một khối lượng lớn khí đốt, dầu mỏ, than đá từ các nước. Trong đó, dầu mỏ là loại nhiên liệu được nhập khẩu và tiêu dùng nhiều nhất. Tiếp theo, than đá là loại nhiên liệu phổ biến thứ hai. Mặc dù việc tiêu dùng than đá ở Hàn Quốc vẫn giữ ở một mức độ nhất định trong nhiều năm qua. Điều đáng lưu ý ở đây là, việc tiêu thụ các loại khí tự nhiên “thân thiện” với môi trường và việc sử dụng năng lượng điện hạt nhân đang ngày càng được người dân Hàn Quốc quan tâm. Hiện nay, Hàn Quốc có khoảng trên 20 nhà máy điện hạt nhân. Nguồn năng lượng có thể tái tạo được duy nhất Hàn Quốc có được là thuỷ điện và nó đang dần là mối quan tâm của các nhà hoạch định chiến lược sử dụng năng lượng ở quốc gia này.
Không phải ngạc nhiên khi người Hàn Quốc tiêu thụ năng lượng nhiều đến như vậy. Và hậu quả là, lượng các bon phát thải đã tăng lên một cách nhanh chóng trong suốt một thập kỷ qua. Mặc dù, tính trung bình lượng các bon phát thải từ dầu lửa đã giảm xuống, năm 1990 là 59% đến năm 2001 chỉ còn 55%. Cũng tương tự, lượng các bon phát thải từ than đá đã giảm xuống, năm 1990 mức trung bình là 38% thì năm 2001 chỉ còn 35%.
Trong suốt những năm 1990, Hàn Quốc đã tăng cường sử dụng năng lượng từ khí tự nhiên. Cho nên, lượng khí thải từ quá trình sử dụng nguồn năng lượng này cũng tăng lên một cách đáng kể, năm 1990 chỉ ở mức 3% đến năm 2001 đã là 10%. Hiện nay, chính phủ Hàn Quốc thực thi kế hoạch tăng cường sử dụng khí tự nhiên, vì vậy tỉ lệ 10% này sẽ tăng lên trong một vài thập kỷ tới.
Một điều “may mắn” là, đến cuối năm 2001, Hàn Quốc vẫn là quốc gia không bị ràng buộc bởi cam kết cắt giảm khí nhà kính, nói cách khác Hàn Quốc còn nằm ngoài vòng kiểm soát của nghị định thư Kyoto nên Hàn Quốc chưa phải cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, nước này cũng đã có kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng năng lượng trong vòng 15 năm tới. Cuối năm 2002, Hàn Quốc đã chính thức kí vào nghị định thư Kyoto.
Giống như những quốc gia đang phát triển khác, vào những năm 1980, 1990 quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra ở Hàn Quốc rất mạnh mẽ. Biểu hiện rõ nét nhất là tổng thu nhập quốc nội (GDP) tăng lên một cách nhanh chóng, thậm chí tăng cao hơn so với mức tiêu thụ năng lượng. Cường độ sử dụng năng lượng (tính bằng mức tiêu dùng năng lượng/đô la) đã tăng từ 11.054 Btu/đôla năm 1980 lên 13.606 Btu/đôla năm 2001 (đồng đô la được tính theo giá trị của nó năm 1995). Trong khi đó, cường độ sử dụng năng lượng năm ở Phillipin là 13.748 Btu, ở New Zealand là 11.893 Btu, Đài Loan là 12.229 Btu, ở Nhật Bản chỉ là 3.879 Btu. Như vậy, mức tiêu thụ năng lượng ở Hàn Quốc gấp gần 4 lần ở Nhật Bản vào cùng thời điểm.
Có thể nói, trong suốt 2 thập kỷ qua, cường độ sử dụng năng lượng ở Hàn Quốc liên tục tăng trong khi cường độ các bon phát thải luôn giữ được mức ổn định, thậm chí còn giảm. Năm 2001, toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc tạo ra 0,19 m3 cacbon/1000 USD (tính theo tỉ giá đô la năm 1995), giảm 0,24 m3 so với năm 1980.
Theo các nhà phân tích, cường độ phát thải cacbon giảm xuất phát từ xu hướng chuyển đổi các nguồn nhiên liệu sử dụng trong công nghiệp và sinh hoạt.
Hàn Quốc có nhiều chính sách ưu tiên việc sử dụng các nguồn năng lượng khí tự nhiên, dầu mỏ thay thế cho nhiên liệu hoá thạch là than đá. Năm 1990, than đá cung cấp khoảng 24,2% tổng năng lượng, đến năm 2001 con số này đã giảm còn 21 %. Ngược lại, khí tự nhiên tăng từ 3,2% lên 10,3%. Cũng trong thời điểm này, cường độ phát thải khí cacbon ở Hàn Quốc lại thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng ở châu Á, gấp gần 3 lần so với Hồng Kông (0,10m3/1000 USD) và gấp hơn 3 lần so với Nhật Bản (0,06 m3/USD).
Hai thập kỷ trôi qua, tiêu thụ năng lượng và phát thải cacbon bình quân trên người ở Hàn Quốc đã liên tục tăng. Theo các nhà thống kê, tiêu thụ năng lượng bình quân trên người đã tăng gần 4 lần, từ 44,0 triệu Btu/người năm 1980 lên 170,2 triệu Btu/người năm 2001. So với các “con hổ”ở châu Á, tiêu thụ năng lượng/người ở Hàn Quốc cao gấp nhiều lần, chỉ thấp hơn so với Singapo (399 triệu Btu/người) và gần bằng Nhật Bản (172,2 triệu Btu/người). Tuy nhiên, hiện nay Nhật Bản đang có nhiều chính sách nhằm, tiết kiệm bảo tồn nguồn năng lượng nên việc Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản là điều không thể tránh khỏi.
Điều đáng lưu ý là, bình quân lượng cacbon phát thải/người ở Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể từ những năm 1980. Theo tính toán, năm 1980 trung bình 1 người tạo ra 0,9 m3 cacbon thấp hơn so với Nhật Bản 2,2 m3/người, nhưng sau đó nó đã tăng lên một cách nhanh chóng và đạt mức 2,6 m3/người vào năm 1997. Đến năm 2001 thì con số này còn cao hơn nhiều. So với Nhật Bản, năm 2001 trung bình 1 người tạo ra 2,5 m3cacbon tăng 13,7% so với năm 1980, trong khi đó ở Hàn Quốc mức tăng này là 189%.
Inas.gov.vn
>> Kỳ 3: Lối thoát cho ô nhiễm môi trường không khí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét