Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Xăng sinh học mòn mỏi tìm đầu ra



Sau gần năm năm triển khai Đề án 177 của Chính phủ về “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2010”, đến nay xăng E5 vẫn đang loay hoay tìm đầu ra.
Người dân ngồi trên đống sắn mà khóc
Tại buổi hội thảo “Phát triển nhiên liệu sinh học bền vững” do Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức ngày 24/10, ông Hoàng Công Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ đã chậm tiến độ gần 1 năm so với dự kiến.
“Theo cam kết giữa tỉnh và chủ đầu tư, dự án khởi công xây dựng từ tháng 6/2009 dự kiến đưa vào sản xuất cuối năm 2011 nhưng gần hết năm 2012 mới chỉ triển khai được 80%”, ông Thủy nói.
Ông Thủy cũng cho hay, tỉnh Phú Thọ đã triển khai quy hoạch 8.000 ha đất vùng nguyên liệu tại 3 huyện đặc biệt khó khăn với kỳ vọng tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên, việc chậm tiến độ khiến sắn trồng ra không có nơi tiêu thụ, người dân rơi vào tình cảnh “ngồi trên đống sắn mà khóc”.
Điều này không chỉ ảnh hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội chung của Phú Thọ mà còn gây “mất niềm tin lớn cho người dân, đặc biệt là những khu vực bị thu hồi đất làm dự án và người dân trồng sắn”, ông Thủy chia sẻ.
Nguyên nhân sự chậm trễ này, theo ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng Thành viên tập đoàn PVN là do: Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được khiến nhà đầu tư không dám đầu tư tiếp.
“Ai mua mà bán? Bán trong nước cũng không được, xuất ra ngoài thì giá rẻ, càng làm thì càng chịu lỗ”, ông Thực trăn trở.
Theo PVN, trong 9 tháng đầu năm nay, ba trong số 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu kinh doanh xăng E5 gồm PV Oil, Petec và SaigonPetro chỉ tiêu thụ được 15.000 m3 xăng E5, tương ứng khoảng 750 m3 ethanol trên sản lượng khoảng 200 ngàn tấn sản xuất ra. Lượng tiêu thụ trong nước còn rất thấp vì vậy các nhà máy sản xuất ethanol phải chấp nhận xuất khẩu sang một số nước lân cận như Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc với mức giá 13.000 đồng/lít trong khi giá thành sản xuất là 15 – 18.000 đồng/lít.
Cần ban hành lộ trình sử dụng bắt buộc
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó Vụ khoa học Công nghệ, nhiên liệu sinh học đang được sử dụng rộng rãi ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ với chính sách bắt buộc.
Trong khi đó ở Việt Nam vẫn chưa có lộ trình phát triển nhiên liệu sinh học cụ thể, bắt buộc. Vì vậy cần sớm ban hành lộ trình này, trong đó, quy định rõ về đối tượng áp dụng cũng như tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.
Theo dự thảo của Bộ Công Thương, lộ trình bắt buộc dự kiến như sau: đến ngày 1/12/2014 bắt buộc sử dụng xăng E5 cho các phương tiện cơ giới đường bộ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đến ngày 1/12/2015 bắt buộc sử dụng xăng E5 trên toàn quốc. Giai đoạn 2016 – 2017 sẽ tiến tới bắt buộc sủ dụng xăng E10.
Để phát triển bền vững nhiên liệu sinh học, theo ông Phùng Đình Thực, Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ về thuế cho chủ đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ cũng như chính sách hỗ trợ cho nông dân vùng nguyên liệu.
Đồng thuận với ý kiến này, ông Võ Tấn Nhơn, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Công nghệ Môi trường của Quốc hội, đề xuất, cần sửa đổi Nghị định 84 của Chính phủ về quản lý xăng dầu, cho phép các cây xăng được phép làm đại lý tiêu thụ của nhiều đầu mối. Đồng thời, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người nông dân vùng nguyên liệu để Đề án 177 phát triển bền vững.
Toquoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét