Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Tương lai nào cho ngành năng lượng Nhật Bản?



Nhật Bản dường như đang rất lúng túng, chưa biết phải làm gì và như thế nào để đưa đất nước thoát khỏi sự lệ thuộc vào năng lượng hạt nhân. Vấn đề chính của Chính phủ Nhật Bản là làm sao để vừa xoa dịu dư luận chống năng lượng hạt nhân đang lên cao kể từ sau tai nạn Fukushima, vừa có thể trấn an được giới doanh nghiệp đang rất lo lắng về tương lai năng lượng của đất nước rất nghèo tài nguyên thiên nhiên.

Dù rất nỗ lực nhưng vào thời điểm hiện tại, Nhật Bản chưa thể đoạn tuyệt hẳn với năng lượng hạt nhân và chắc chắn sẽ phải đối mặt với một tương lai bất ổn xung quanh vấn đề tìm con đường hợp lý để phát triển ngành năng lượng của nước mình.
Hiện tại “bất định”...
Ngày 19-9, Chính phủ Nhật Bản đã tạm hoãn việc “nói không với điện hạt nhân” được đề cập trong toàn văn Chiến lược năng lượng môi trường mới ban hành. Nghĩa là đình chỉ việc thực hiện mục tiêu đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân vào thập kỷ 30 của thế kỷ này.
Rõ ràng là Chính phủ Nhật Bản đang thật sự bối rối trước quyết định nói “có” hay “không” với điện hạt nhân.
Nếu như ngày 14-9-2012, Chính phủ Nhật Bản đưa ra chủ trương loại bỏ năng lượng hạt nhân thì ngay ngày hôm sau (15-9-2012) họ lại tuyên bố không có kế hoạch đình chỉ việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.
Những quyết định bất nhất như vậy rõ ràng là kết quả của sức ép rất lớn từ giới doanh nghiệp và chính quyền các địa phương có nhà máy điện hạt nhân. Tuyên bố mới nhất vào ngày 19-9 có thể coi là một chiến thắng quan trọng của giới doanh nghiệp, cho dù chắc chắn rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ phải đối mặt với làn sóng biểu tình chống điện hạt nhân lan rộng trên cả nước.
Tương lai “bất ổn”... Khác với nước Đức, tiến trình loại bỏ điện hạt nhân của Nhật Bản khó có thể diễn ra thuận lợi, vì từ trước đến nay Nhật Bản chỉ tập trung phát triển năng lượng hạt nhân mà khá “thờ ơ ” với năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Sau sự cố Fukushima, đặc biệt là ngay sau khi lò phản ứng hạt nhân, Nhà máy Điện hạt nhân Ohi được phép khởi động trở lại, Chính phủ Nhật Bản mới bắt đầu đưa ra một dự thảo chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, hiện những ngành năng lượng tái tạo của nước này đang tồn tại nhiều khó khăn và bất ổn.
Về năng lượng mặt trời, Nhật Bản đã khởi phát nguồn năng lượng này từ khoảng những năm 1980, nhưng sau đó vì mải tập trung cho điện hạt nhân nên Nhật Bản đã tụt hậu khá xa so với châu Âu. Tính theo công suất điện mặt trời trên đầu người thì Nhật Bản chỉ đứng một thứ hạng thấp trên thế giới.
Việc phát triển điện gió, Nhật Bản cũng gặp không ít khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, hạn chế của lưới điện, và suy giảm kinh tế. Tại Nhật, các vùng có tiềm năng về điện gió là Tohoku và Hokkaido phía Bắc đất nước và Kyushu phía Nam trong khi nhu cầu năng lượng lớn nhất lại tập trung vùng Chubu - miền Trung Nhật Bản, nơi có những trung tâm công nghiệp khổng lồ quanh các đại đô thị Tokyo, Osaka và Nagoya. Khoảng cách xa, vượt qua nhiều vùng biển rộng cùng một số lý do khác đã hạn chế sự phát triển ngành năng lượng gió Nhật Bản.
Đặt cược vào địa nhiệt
Bù lại, Nhật Bản có tiềm năng địa nhiệt đứng thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Indonesia. Nhưng để chuyển hóa nguồn địa nhiệt thành năng lượng, Nhật Bản chỉ đứng thứ 8. Nếu các nhà máy điện địa nhiệt được xây dựng và hoạt động, Nhật Bản sẽ có được nguồn năng lượng rẻ, ít ô nhiễm nhưng đổi lại, chi phí đầu tư cho địa nhiệt là rất lớn. Thêm vào đó, nhiều người lo ngại rằng việc khoan các giếng sâu vào vỏ trái đất ở những nơi cho nhiều địa nhiệt sẽ tạo ra bất ổn về địa chất.
Người dân sống trong vùng có tiềm năng địa nhiệt cũng là nơi có nguy cơ động đất cao, không muốn các mũi khoan thăm dò trên khu vực địa phương mình. Kể từ sau thảm họa Fukushima, Nhật Bản bắt đầu có ý quay lại với địa nhiệt, coi đó như một biện pháp tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng trong nước, tăng cường an ninh năng lượng quốc gia và rời bỏ nguồn năng lượng hạt nhân.
Dù rất nỗ lực nhưng vào thời điểm hiện tại, Nhật Bản chưa thể đoạn tuyệt hẳn với năng lượng hạt nhân và chắc chắn sẽ phải đối mặt với một tương lai bất ổn xung quanh vấn đề tìm con đường hợp lý để phát triển ngành năng lượng của nước mình.
Thesaigontimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét