Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Chiến tranh năng lượng hay những điểm nóng trong kỷ nguyên địa - năng lượng? (Kỳ 4)


Theo công ty năng lượng khổng lồ British Petroleum hay BP, khu lòng chảo Caspian có một trữ lượng dầu lên đến 48 tỉ thùng (phần lớn dưới lòng đất Azerbaijan và Kazakhstan) và 449 nghìn tỉ cubic feet hơi đốt thiên nhiên (với số trữ lượng lớn nhất thuộc Turkmenistan). Do đó, vùng lòng chảo Caspian đã vượt qua Bắc và Nam Mỹ về trữ lượng hơi đốt và châu Á về trữ lượng dầu.

Vùng lòng chảo Caspian
Lòng chảo Caspian là một vịnh nhỏ bao quanh bởi Liên Bang Nga, Iran, và ba Cộng hòa trong USSR trước đây (Azerbaijan, Kazakhstan, và Turkmenistan).
Trong cùng khu vực còn có các nước Cộng hòa Xô Viết cũ như: Armenia, Georgia, Kyrgystan, và Tajikistan.
Tất cả các Cộng hòa Xô Viết nói trên, tuy khác nhau về trình độ, luôn tìm cách xác định chủ quyền tối thượng của mình đối với Điện Cremlin (Nga) và thiết lập những quan hệ độc lập đối với Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu, Iran, Turkey, và Tung Quốc.
Tất cả đều đang phải đối đầu với chia rẽ nội bộ hay tranh chấp biên giới với các nước láng giềng. Vì vây, toàn khu vực, luôn ở trong tình trạng một thùng thuốc nổ với tiềm năng bộc phá, ngay cả trước đây, khi chưa phải là một trong những vùng có trữ lượng dầu và hơi đốt lớn lao chưa được khai thác đầy đủ để tình hình có thể dễ dàng sôi bỏng.
Trong thực tế, đây không phải lần đầu vùng lòng chảo Caspian được xem như khu vực có trữ lượng dầu quan trọng, và vì vậy, tiềm năng xung đột cao.
Vào cuối thế kỷ 19, khu vực chung quanh thành phố Baku - lúc đó một phần của đế quốc Nga, hiện nay thuộc Azerbaijan là một vùng dầu lửa phong phú, và vì vậy, một "phần thưởng chiến lược" quan trọng. Theo đó, Nhà độc tài Xô Viết tương lai, Joseph Stalin, khởi đầu đã gầy dựng được thanh thế như một lãnh tụ các công nhân dầu lửa đấu tranh; và Hitler đã tìm cách chinh phục trong cuộc xâm lăng Liên Bang Xô Viết bất thành năm 1941.
Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, khu vực này đã không còn quan trọng như một khu vực giàu năng lượng, khi các khu dầu Baku trên đất liền đã cạn kiệt.
Ngày nay, nhiều trữ lượng mới và quan trọng đã được khám phá ngoài khơi vùng biển Caspian và trong nhiều khu vực thuộc Kazakhstan và Turkmenistan, trước đây chưa được khai thác.
Theo công ty năng lượng khổng lồ British Petroleum hay BP, khu lòng chảo Caspian có một trữ lượng dầu lên đến 48 tỉ thùng (phần lớn dưới lòng đất Azerbaijan và Kazakhstan) và 449 nghìn tỉ cubic feet hơi đốt thiên nhiên (với số trữ lượng lớn nhất thuộc Turkmenistan). Do đó, vùng lòng chảo Caspian đã vượt qua Bắc và Nam Mỹ về trữ lượng hơi đốt và châu Á về trữ lượng dầu.
Tuy nhiên, khai thác toàn bộ số trữ lượng này và vận chuyển đến các thị trường nước ngoài đã là một công cuộc vĩ đại. Hạ tầng cơ sở năng lượng trong vùng hết sức hiếm hoi và vùng vịnh Caspian cũng chẳng có hải cảng, do đó, dầu và hơi đốt phải được vận chuyển bằng hệ thống ống dẫn dầu.
Liên Bang Nga, từ lâu là đại cường áp đảo trong vùng, đang tìm cách kiểm soát các hệ thống ống dẫn dầu và hơi đốt từ vùng lòng chảo Caspian đến các thị trường tiêu thụ. Nga đang nâng cấp hệ thống ống dẫn dầu thời Xô Viết kết nối các Cộng hòa Xô Viết trước đây với Liên Bang Nga, thiết lập các tuyến dẫn dầu mới, và gần như hoàn toàn nắm độc quyền khâu phân phối toàn bộ số năng lượng từ Vịnh Caspian, qua mạng lưới ngoại giao truyền thống, các chiến thuật mạnh tay, hoặc công khai hối lộ giới lãnh đạo trong khu vực (đa số một thời đã phục vụ trong guồng máy hành chính Liên Xô), buộc phải chuyên chở năng lượng qua Liên Bang Nga.
Theo Michael Klare, tác giả cuốn Rising Powers, Shrinking Planet, Hoa Kỳ đã tìm cách ngăn ngừa các nỗ lực trên, thông qua việc bảo trợ xây cất các hệ thống ống dẫn dầu thay thế, tránh đi qua lãnh thổ Nga, băng qua Azerbaijan, Georgia, và Turkey đến Địa Trung Hải (nhất là hệ thống BTC, hay Baku-Tbilisi-Ceyhan pipeline).
Trong khi đó, Bắc Kinh đang xây hệ thống ống dẫn dầu riêng của mình nối liền vùng Caspian với miền Tây Trung Quốc.
Tất cả các hệ thống ống dẫn dầu trên đây đều đi ngang qua những khu vực sắc tộc thiếu an ninh và gần nhiều vùng đang tranh chấp như: Chechnya bạo loạn và South Ossetia ly khai. Vì vậy, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều phải phối hợp cơ chế vận hành hệ thống ống dẫn dầu với viện trợ quân sự cho các quốc gia dọc lộ trình.
Lo ngại sự hiện diện của Hoa Kỳ, cả về quân sự lẫn kinh tế, trong các lãnh thổ thuộc Liên Xô trước đây, Liên Bang Nga đã đáp lại với những thao tác quân sự của riêng mình, kể cả cuộc chiến ngắn ngũi với Georgia trong năm 2008, dọc theo tuyến đường BTC.
Với kích cỡ các trữ lượng dầu và hơi đốt của vùng lòng chảo Caspian, nhiều xí nghiệp năng lượng đang hoạch định các thao tác sản xuất cùng với các ống dẫn dầu cần thiết để chuyển tải dầu và hơi đốt đến thị trường. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu hy vọng sẽ xây một tuyến ống dẫn hơi đốt thiên nhiên mới, với tên gọi Nabuco từ Azerbaijan xuyên qua Turkey đến Austria. Và Liên Bang Nga đã đề nghị dự án một hệ thống cạnh tranh - South Stream.
Tất cả các nỗ lực trên đây đều liên quan đến các quyền lợi địa - chính trị của các đại cường, do đó, chắc sẽ luôn là nguồn cội của nhiều khủng hoảng và xung đột quốc tế.
Trong kỷ nguyên địa năng lượng mới, Eo Bể Hormuz, Biển Nam Hải, và Vùng Lòng Chảo Caspian không hề đứng riêng lẻ như những điểm nóng tiềm tàng. Biển Đông Hải, nơi Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp những khu dự trữ hơi đốt thiên nhiên, là một điểm nóng khác, cũng như vùng bể chung quanh Falkland Islands, nơi Anh Quốc và Argentina đang tranh giành các trữ lượng dầu dưới lòng đất; và vùng Bắc Cực với hiện tượng hâm nóng toàn cầu và các tài nguyên năng lượng nhiều quốc gia đang tranh chấp.
Trong mọi trường hợp, một điều chắc chắn: bất cứ ở đâu có nhiều tài nguyên năng lượng, ở đó nguy cơ chiến tranh luôn cận kề.
Vietsciences.free.fr
>> Kỳ cuối: Năng lượng và chiến lược mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét