Hiển thị các bài đăng có nhãn điện. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn điện. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Cần đầu tư thêm lưới điện đấu nối vào hệ thống 500kV





Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề sự cố gây mất điện của các tỉnh phía Nam mới đây, và có giải pháp gì để phòng những trường hợp tương tự như thế? Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Đây là một sự cố nghiêm trọng, ngay sau khi xảy ra sự cố, Chính phủ đã yêu cầu giải quyết ngay tức thì, đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan có báo cáo cụ thể về vấn đề liên quan.


Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: Ngay sau khi xảy ra sự cố, Chính phủ đã yêu cầu giải quyết ngay tức thì, đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan có báo cáo cụ thể về vấn đề liên quan.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, không chỉ 22 tỉnh, thành miền Nam mất điện mà ở Campuchia cũng bị mất theo. Ngay khi sự cố xảy ra, Chính phủ cũng nhận được ý kiến từ phía Campuchia là thủ đô Phnom Penh mất điện.
Đây là sự cố nghiêm trọng, ngành điện dùng thuật ngữ là “rã lưới”, để khắc phục không phải đơn giản, không phải mất một cái là có thể đóng lại được ngay. Hậu quả đến bây giờ chưa tính toán được chính xác, nhưng rất lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội.
Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết ngay tức thì, đồng thời đương nhiên sau mỗi sự cố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, trong trường hợp này là Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo về vấn đề này.
Đây là một sự cố lớn chưa từng có nên Thủ tướng Chính phủ đã nghe ý kiến của Bộ Công Thương, yêu cầu Bộ Công Thương xem xét một cách rất nghiêm túc tất cả mọi mặt để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm.
Chúng ta đã có Luật để bảo đảm an toàn các công trình, trong đó có các công trình điện, đặc biệt có công trình hành lang lưới điện cao áp.
Trường hợp này quy định đã có, vậy trách nhiệm của ngành, cấp liên quan tới việc thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hành lang đã nghiêm túc chưa. Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện xem xét nghiêm túc.
Bên cạnh đó, cũng yêu cầu ngành điện xem xét lại toàn diện các vấn đề để đảm bảo không xảy ra các sự cố lặp lại, như vậy và các sự cố có tính nghiêm trọng tương tự.
Theo Bộ trưởng, ngoài lý do mang tính sự cố, đây cũng còn lý do mang tính kỹ thuật, đất nước của chúng ta trải dài, lưới điện chằng chịt, các đầu nối dẫn vào hệ thống 500 kV còn ít. Nếu đúng ra, với một mạng lưới mạng nhện chằng chịt lớn như vậy, chúng ta phải có nhiều đầu dẫn vào hệ thống, có nghĩa là, tới đây chúng ta phải tăng cường đầu tư thêm các đầu dẫn nối vào đường dây 500kV, cũng như đầu tư thêm một số nguồn phát điện được phân bổ hợp lý.
Liên quan đến vấn đề giá điện, Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ kiên trì lộ trình điều hành giá điện từng bước tiến tới thị trường. Ngoài việc đảm bảo yêu cầu về giá cho công nghiệp và cho đời sống của nhân dân, còn yêu cầu rất quan trọng nữa là phải có mặt bằng giá hợp lý để thị trường không bị méo mó, theo đúng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cũng là tạo sự hấp dẫn để huy động được các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đầu tư không chỉ phát triển nguồn điện mà kể cả các công trình cần thiết trong mạng lưới điện.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang: Qua sự cố vừa rồi, Bộ Công Thương nhận thấy tính dễ tổn thương của đường dây truyền tải 500kV. Do vậy, chúng ta sẽ phải tìm mọi cách đẩy nhanh dự án nguồn điện ở khu vực phía Nam. Bởi hiện nay, khu vực phía Nam có nhu cầu về tiêu dùng điện rất cao.
Một khó khăn được Thứ trưởng đưa ra hiện nay là, các địa phương chưa nhiệt tình trong việc dành đất để triển khai những công trình đường dây 500kV.
Về trách nhiệm tham gia bảo vệ lưới điện, Thứ trưởng cho rằng, hàng chục nghìn km đường dây điện nên lực lượng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam khó bảo vệ một cách tuyệt đối an toàn, nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương. Nghị định 106 năm 2005 của Chính phủ cũng nêu rõ trách nhiệm của các địa phương. Các địa phương cũng phải vào cuộc và đặc biệt là sự vào cuộc của người dân.
Thứ trưởng Lê Dương Quang khẳng định: Sự cố vừa rồi rất hy hữu, nếu người dân và các tổ chức, đơn vị tại khu vực đường dây đi qua có trách nhiệm bảo vệ thì nguy cơ xảy ra sự cố sẽ ít hơn rất nhiều.
Sự cố do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực Thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500kV
Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, ngày 26/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương chỉ đạo, sớm phê duyệt đưa hệ thống đường dây truyền tải điện 500kV vào danh mục các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành điện trong việc bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
NangluongVietnam

“Sống trong sợ hãi” chờ giá điện tăng


Dù đến thời điểm này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa tính đến phương án tăng giá điện; tuy nhiên, giá than bán cho điện đã tăng cộng với các yếu tố về nhiên liệu đầu vào, cơ cấu sản lượng điện, chênh lệch tỉ giá... sẽ kéo giá điện tăng. Hơn thế, theo lộ trình giá thị trường đã định sẵn, năm 2013 giá điện sẽ điều chỉnh ít nhất 1-2 lần trong mức độ cho phép. Việc tăng giá không trước thì sau đã đặt DN và người dân luôn “sống trong sợ hãi”.
 
Giá than đẩy giá điện
Ông Nguyễn Văn Biên- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)- cho biết, từ ngày 20.4.2013, Thủ tướng đã cho phép giá than bán cho điện tăng bằng 100% giá thành sản xuất than năm 2011 và tương đương với 84% giá thành sản xuất than năm 2013.
Với việc giá bán than cho điện tăng lên bằng 100% giá năm 2011, Vinacomin vẫn tiếp tục phải bù lỗ, nhưng đã giảm đi rất nhiều. “Ước tính với giá bán mới, trong năm 2013, Vinacomin sẽ thu thêm khoảng 2.000 tỉ đồng từ việc bán than cho điện”- ông Biên cho biết.
Trong khi đó, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), than chiếm khoảng 70% giá thành nhiệt điện than. Hiện, nguồn huy động nhiệt điện than xấp xỉ hơn 100 triệu kWh/ngày. Tỉ lệ nhiệt điện than chiếm khoảng 1/4 tổng cơ cấu nguồn điện phát, nên nếu giá than tăng lên sẽ tác động đến giá điện.
Ông Đinh Quang Tri- Phó Tổng giám đốc EVN- cho biết, EVN vẫn chưa tính toán cụ thể việc điều chỉnh giá điện sau khi giá than tăng.
Theo ông Tri, giá điện không chỉ căn cứ vào giá than mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: Giá nhiên liệu đầu vào khác, cơ cấu sản lượng điện, chênh lệch tỉ giá... cũng như định kỳ tính hằng tháng theo Quyết định 24 của Thủ tướng và thông tư 31 của Bộ Công Thương.
“Sau khi EVN tính toán, nếu thấy cần điều chỉnh sẽ báo cáo cụ thể với bộ, còn thời điểm này EVN chưa có kế hoạch gì về giá”- ông Tri nói.
Trong khi đó, theo ông Đặng Huy Cường- Cục trưởng Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương)- hiện Bộ Công Thương đang yêu cầu EVN tính toán, cân đối lại chi phí phát sinh sau khi giá than bán cho điện tăng. Căn cứ vào mức độ ảnh hưởng của giá than đối với giá thành sản xuất điện cũng như thực tế vận hành tháng vừa qua, lúc đó mới có lộ trình, kế hoạch điều chỉnh giá điện.
“Hiện, bộ đang đợi báo cáo từ EVN. Khi có báo cáo, bộ sẽ xem xét cụ thể về việc tăng giá điện”- ông Cường nói.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tuyên bố trên đây của EVN và nhà quản lý để trấn an dư luận, đồng thời cũng đánh động thử phản ứng tăng giá điện. Bởi ai cũng biết, nếu căn cứ theo quy định, các yếu tố đầu vào và nhu cầu điện đang tang, ắt giá sẽ tăng… Đó là tất yếu, không trước thì sau. Giá cả, lạm phát đang ổn thì giá điện càng dễ tăng.
Doanh nghiệp tiếp tục bị dồn ép
Một số chuyên gia kinh tế cho biết, việc điện tăng giá không chỉ tác động đến đời sống người dân mà càng khiến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.

Tổng giám đốc một Cty thép tại phía bắc cho biết, ngành thép hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi giá dầu madút (FO) dùng để sản xuất thép tăng lên 807 đồng/kg nhưng chưa được giảm, nên nếu điện tiếp tục tăng giá sẽ khiến các doanh nghiệp thép lâm vào tình cảnh “sống dở chết dở”.
Theo vị tổng giám đốc này, hiện giá điện chiếm khoảng 6% cơ cấu giá thành phôi thép, còn các thép thành phẩm khác chiếm gần 1%. “Trung bình 1 tấn thép cần khoảng 600kWh điện. Do đó, giá điện tăng bao nhiêu giá thành thép sẽ tăng bấy nhiêu. Chỉ cần giá điện tăng thêm 2% là doanh nghiệp đã chết chắc”- vị tổng giám đốc nói.
Theo Hiệp hội Ximăng Việt Nam, điện cho sản xuất ximăng có giá bình quân 2.300 đồng/kWh. Một tấn ximăng dùng khoảng 100kWh điện, nên tính ra hết khoảng 230 nghìn đồng/tấn. Nếu điện tăng thêm 5%, một tấn ximăng tăng thêm chi phí khoảng 13-15 nghìn đồng/tấn. Do vậy, việc tăng giá điện sẽ gây thêm áp lực lên các doanh nghiệp ximăng, bởi nhu cầu ximăng đang giảm nên không thể tăng giá bán.
Hơn nữa, với việc than tăng giá bán cho điện thêm khoảng 2.000 tỉ đồng, sẽ là cớ để EVN có lý do tăng giá điện. Trên thực tế, nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng cơ cấu nguồn điện, nên việc tăng giá than không thể là lý do chính để dẫn tới điện tăng giá.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, EVN đã tuyên bố nhiều yếu tố bất lợi cho giá điện (tình hình khô hạn diễn biến phức tạp, dự kiến sản lượng thủy điện thiếu hụt khoảng 1,2 tỉ kWh so với năm 2012; nguy cơ phải bù lại bằng điện chạy dầu và tăng tỉ lệ huy động nhiệt điện than...) nên EVN sẽ phải điều chỉnh tăng giá.
Ngoài ra, trong trường hợp tình hình khô hạn ở miền Trung kéo dài và khả năng thiếu khí, có thể EVN sẽ phải huy động 1,8-2,4 tỉ kWh điện chạy dầu để đảm bảo nhu cầu điện cho miền Nam. Nếu điều này xảy ra, theo tính toán, EVN sẽ phải bù khoảng 10.000 tỉ đồng và khoản lỗ này sẽ được phân bổ vào giá thành điện trong những lần tăng tiếp theo. Đó là chưa kể EVN vẫn còn khoản lỗ treo hơn 8.000 tỉ đồng của năm 2010 cộng với 26.000 tỉ đồng lỗ chênh lệch tỉ giá, đã được cho chủ trương bù đắp dần vào giá điện cho tới năm 2015.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, với quy định hiện hành, khi có biến động giá đến 5%, EVN sẽ được phép điều chỉnh giá điện. Nếu các yếu tố như tỉ lệ huy động nhiệt điện than, điện chạy dầu cao diễn ra cùng thời điểm với việc điều chỉnh giá than bán cho ngành điện, yếu tố đầu vào chắc chắn sẽ vượt trên 5%, lúc đó EVN hoàn toàn được phép tăng giá điện.
. Theo VNN

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Pakistan và chính sách tiết kiệm điện 'độc nhất vô nhị'



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Pakistan hiện đang thi hành chính sách “độc nhất vô nhị” trong cuộc chiến thiếu điện năng trầm trọng bằng cách tắt máy điều hòa trong các cơ quan nhà nước và cấm nhân viên đi bít tất. Giải pháp “bất thường” của chính phủ Pakistan nhằm giúp tiết kiệm nguồn điện năng eo hẹp trong bối cảnh nhiều khu vực tại quốc gia này vẫn chìm trong bóng tối vì cắt điện.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu điện là do các nhà máy điện đã quá lỗi thời,
công suất bị sụt giảm mạnh cùng với việc chính phủ không đủ khả năng trả tiền mua điện.
Giới công chức tại Pakistan đều nhận được một biên bản thông báo về mẫu trang phục mới, bắt đầu có hiệu lực từ tuần trước. Theo đó, mọi nhân viên văn phòng sẽ đi xăng đan hoặc giày lười đi làm nhưng không được đi bít tất.
“Tất cả thiết bị điều hòa trong văn phòng công sở sẽ không được sử dụng cho tới khi tình hình cung cấp điện năng được cải thiện. Quy định trang phục bắt buộc gồm áo trắng hay sáng màu (cộc tay hoặc dài tay) cùng quần dài sáng màu, hoặc trang phục truyền thống shalwar kameez với áo gi-lê và giày lười, hoặc xăng đan không kèm bít tất. Công chức sẽ có 7 ngày để chuẩn bị trang phục và thực hiện theo quy định mới”, một quan chức chính phủ Pakistan nói.
Giải pháp “bất thường” của chính phủ Pakistan nhằm giúp tiết kiệm nguồn điện năng eo hẹp trong bối cảnh nhiều khu vực tại quốc gia này vẫn chìm trong bóng tối vì cắt điện.
Theo thống kê, các công ty điện tại Pakistan mới chỉ cung cấp 2/3 tổng điện năng yêu cầu. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu điện là do các nhà máy điện đã quá lỗi thời, công suất bị sụt giảm mạnh cùng với việc chính phủ không đủ khả năng trả tiền mua điện cho các công ty.
Phần lớn các nhà máy điện tại Pakistan đều được xây dựng vào những năm 1960 và tình trạng hạn hán cũng đang đe dọa tới nguồn cung cấp nước phục vụ hoạt động tại nhà máy.

Tại khu vực phía tây bắc sát biên giới với Afghanistan,
tình hình còn tồi tệ hơn khi nguồn điện cung cấp chỉ từ 5 - 6 giờ/ngày.
Bộ trưởng Nước và Điện Pakistan - Musadik Malik cho rằng chính sự thờ ơ trong việc phối hợp hợp tác của Bộ Dầu mỏ và Tài chính đã khiến tình trạng thiếu điện có cơ hội hoành hành.
Tình trạng mất điện trên diện rộng kéo dài suốt 20 giờ đồng hồ từng được ghi nhận tại thành phố Faisalabad và Gujranwala, thậm chí thủ đô Islamabad cũng không là ngoại lệ.
Tại thành phố Peshawar, việc cắt điện thường xuyên kéo dài tới 14 giờ đồng hồ. Đặc biệt, khu vực phía tây bắc sát biên giới với Afghanistan, tình hình còn tồi tệ hơn khi nguồn điện cung cấp chỉ từ 5 - 6 giờ/ngày.
Thậm chí, tình trạng cắt điện liên miên đã hủy hoại cả nền công nghiệp của thành phố Punjab. Còn tại Lahore - thành phố lớn thứ 2 tại Pakistan, người dân chịu cảnh sống dưới cái nắng thiêu đốt 40 độ C trong khi nguồn cung cấp điện bị cắt từ 12 - 14 giờ/ngày.
Trang phục công sở mới của Pakistan yêu cầu các công chức không đi bít tất
Trong buổi họp báo tại thành phố Lahore hôm 20/5, bộ trưởng Malik và Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên và Dầu mỏ - Sohail Wajahat Siddiqui khẳng định “chưa có giải pháp cho cuộc khủng hoảng điện hiện nay”. Tờ Daily Times dẫn lời các bộ trưởng cho biết: “Dựa trên bối cảnh hiện tại, chúng tôi sẽ thực hiện chính sách tăng giá điện và gas trên mọi lĩnh vực”.
Nguồn: Infonet

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

"Nga sẽ xây nhà máy điện hạt nhân an toàn nhất cho Việt Nam"



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Theo Tiếng nói nước Nga, tại cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, người đứng đầu Tập đoàn Rosatom (đơn vị trực tiếp tư vấn, xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận) - Sergey Kiriyenko khẳng định, Nga sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam an toàn nhất và tiên tiến nhất.

Ông Sergey Kiriyenko
Trước đó, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Chúng tôi đồng ý với nhau rằng sẽ tích cực hợp tác trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, để dự án phát triển theo đúng lịch trình đã định, với việc sử dụng công nghệ tiên tiến nhất bảo đảm an toàn mức cao nhất cho nhà máy".
Thủ tướng Medvedev cũng bày tỏ hy vọng Việt Nam và Nga có thể hợp tác không chỉ trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, mà còn trong việc hình thành cơ sở hạ tầng tương ứng.
Mới đây, để chuẩn bị nhân lực cho việc thi công nhà máy điện hạt nhân, Tổng công ty Sông Đà, đã đưa đoàn kỹ sư và công nhân của Tổng công ty sang thực tập trên công trường nhà máy điện hạt nhân Rostov, thuộc thành phố Volgadonsk, LB Nga.
Đợt thực tập thuộc chương trình hợp tác đào tạo giữa Tổng công ty Sông Đà và Công ty CP NIAEP, là kết quả của Biên bản thỏa thuận khung được ký giữa Tổng công ty Sông Đà với Công ty CP Niaep thuộc Tập đoàn Rosatom Liên bang Nga ngày 25/4/2012.
Nhà máy điện hạt nhân Rostov là một trong những dự án năng lượng lớn của miền nam nước Nga, có công nghệ tiên tiến, được thiết kế 4 tổ máy với công suất là 4.000MW.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ xây dựng 13 tổ máy điện hạt nhân.
Dự kiến đến năm 2020, sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành với công suất 1.000 MW, tổ máy 2 vận hành vào năm 2021.
Đồng thời, khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và tiến hành công tác chuẩn bị địa điểm cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo.
Kế hoạch là đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW và sẽ tăng lên 15.000 MW vào năm 2030 (chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện).
NangluongVietnam

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Lộ trình triển khai lưới điện thông minh của EVN SPC



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Phát triển lưới điện thông minh (LĐTM) với công nghệ hiện đại sẽ nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong công tác quản lý sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển nguồn và lưới điện, tăng cường khả năng khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Căn cứ nguồn lực và chiến lược tự động hóa lưới điện, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã xây dựng kế hoạch triển khai LĐTM theo 3 giai đoạn: 2012 - 2016; 2017 - 2022 và sau 2022. Cụ thể như sau:
Chương trình đo ghi thông số công tơ từ xa
EVN SPC đang tích cực hiện đại hóa hệ thống đo đếm phục vụ kinh doanh điện năng bằng việc thay thế công tơ điện cơ kiểu cảm ứng, bằng công tơ điện tử và các hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa.
Hiện nay, đã lắp đặt trên lưới khoảng 150.000 công tơ điện tử 1 pha. Đến năm 2014 sẽ hoàn thiện hệ thống đọc từ xa các công tơ ranh giới (bao gồm 86 vị trí đo).
Từ nay, đến năm 2016 lắp đặt hệ thống đo ghi từ xa công tơ khách hàng trạm chuyên dùng cho hơn 29.400 khách hàng. Giai đoạn 2012 - 2016 sẽ hoàn thiện xây dựng hệ thống đo ghi từ xa thu thập dữ liệu công tơ tổng trạm công cộng phục vụ công tác giảm tổn thất điện năng. Giai đoạn 2012-2016, sẽ lắp công tơ đo ghi từ xa sau trạm công cộng, gồm: 1.430.000 công tơ đối với khách hàng khu vực thành phố, thị xã, thị trấn; 704.000 công tơ đối với khách hàng khu vực nông thôn.
Chương trình tăng cường hiệu quả vận hành hệ thống điện
Giai đoạn 2013 - 2016 triển khai xây dựng hệ thống SCADA và TBA 110kV không người trực. Hệ thống SCADA sẽ làm nhiệm vụ điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu toàn bộ các trạm 110kV và các Recloser trung thế trên địa bàn quản lý.
Trung tâm điều khiển chính đặt tại văn phòng EVN SPC; Trung tâm điều khiển dự phòng được đặt tại Công ty Lưới điện cao thế miền Nam; 42 phòng điều khiển xa (remote console) tại 21 tỉnh/ thành phố thuộc địa bàn quản lý để giám sát điều khiển trạm 110kV và các recloser trên các tuyến trung thế. Các Recloser trung thế sẽ do các phòng điều khiển tại các Công ty Điện lực thực hiện. Trong quý 2/2013, sẽ hoàn tất hệ thống giám sát vận hành lưới điện 110kV trên cơ sở khai thác tối đa hệ thống SCADA của A0, A2.
Trong giai đoạn này cũng sẽ triển khai ứng dụng kết quả tính toán lưới điện bằng phần mềm PSS/ADEPT vào phân tích tổn thất, phân giao chỉ tiêu tổn thất điện năng. Quản lý cơ sở dữ liệu và tính toán SAIDI, SAIFI thông qua chương trình mô hình hóa lưới điện trung áp. Ứng dụng GIS vào công tác quản lý lưới điện 110kV, lưới điện trung thế 22kV phục vụ quản lý vận hành lưới.
Hoàn thiện hệ thống viễn thông chuyên ngành để kết nối từ Tổng công ty đến tất cả các Công ty Điện lực, các TBA tại 21 tỉnh/thành. Trong năm 2013 thiết lập mạng truyền dẫn đường trục liên tỉnh với 480km cáp quang, truyền dẫn công nghệ Ethernet với giao thức TCP/IP, đường truyền tốc độ 1Gbps. Xây dựng tuyến cáp quang nội tỉnh dài 3.697km trên trụ trung, hạ thế, kết nối Công ty Điện lực - Điện lực, Công ty Điện lực - Chi nhánh điện cao thế, Điện lực, Chi nhánh điện cao thế - TBA.
Giai đoạn 2017-2022, mở rộng SCADA đến các đến các thiết bị trên lưới trung thế như LBS, trạm compact, trạm bù, các nhà máy điện nhỏ. Nâng cao hơn nữa độ tin cậy cung cấp điện nhờ phối hợp tốt hơn với dò tìm, cách ly sự cố và tái cấu trúc lưới điện. Sẽ phát triển, liên kết với các phần mềm hiện có (hoặc xây dựng thêm) để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng như hỗ trợ các service center, call center, các trung tâm cung cấp thông tin, việc tổ chức vận hành sửa chữa điện… Triển khai TBA 110kV không người trực (giảm số người trực tại các trạm xuống còn 3-5 người/trạm). Liên kết GIS, hệ thống SCADA, CMIS và các hệ thống quản lý đo đếm, Trung tâm chăm sóc khách hàng. Hoàn thiện chương trình thu thập cơ sở dữ liệu mất điện đến từng khách hàng, tự động hóa tính toán độ tin cậy và lập kế hoạch bảo trì, sửa chữa nâng cao độ tin cậy cung cấp điện
Phát triển các phần mềm phục vụ khách hàng điện, tạo kênh thông tin giao tiếp 2 chiều giữa đơn vị điện lực và khách hàng, tạo thêm nhiều tiện ích, đặc biệt các dịch vụ hỗ trợ khách hàng trên website. Khi được trang bị cơ sở hạ tầng đo đếm tiên tiến AMI, khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin về việc sử dụng điện của mình để điều chỉnh hành vi sử dụng điện vào giờ thấp điểm để giảm chi phí, khách hàng được cung cấp các dịch vụ online trên môi trường Internet và nhiều tiện ích khác. Nói cách khác khách hàng có thể kiểm soát toàn bộ quá trình sử dụng điện của mình.
Nguồn: EVNSPC

Tổng quan lợi ích và ảnh hưởng của công trình thủy điện (Kỳ 1)



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Phát triển thủy điện sẽ góp phần mang lại nhiều lợi ích như: Thúc đẩy các khả năng kinh tế, bảo tồn các hệ sinh thái, cung cấp một nguồn năng lượng sạch, góp phần vào phát triển bền vững, sử dụng nước đa mục tiêu, phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện công bằng xã hội… tuy nhiên, việc xây dựng thủy điện cũng mang lại nhiều bất cập.
GVC.TS. PHẠM THỊ THU HÀTrường Đại học Bách khoa Hà Nội
Bất cứ một công trình xây dựng nào của con người đều tác động đến thiên nhiên, không nhiều thì ít, từ một tòa nhà, một con đường, cây cầu, một cái đập nước... Vì vậy, bổn phận của người xây dựng, cũng như cơ quan chức năng khi cấp giấy phép xây dựng, cần cân nhắc hai phương diện đối nghịch với nhau: (i) sự cần thiết và lợi ích mang lại cho con người của công trình sẽ được xây dựng, và (ii) tác hại trước mắt cũng như lâu dài của công trình đó.
Sự cân nhắc tính toán này phải được thực hiện đầy đủ và khoa học, trên cơ sở quyền lợi chung của cộng đồng, quốc gia và sử dụng các phương pháp phân tích tiên tiến nhất. Xây dựng một cái đập trên một con sông cũng giống như xây một xa lộ qua một vùng hoang dã, nó sẽ chia cắt môi trường thiên nhiên thành hai không gian khác nhau. Trong trường hợp đập có hồ chứa để điều hòa dòng nước thì dòng chảy tự nhiên của con sông sẽ thay đổi. Sự thay đổi sẽ nhiều hay ít tùy theo hồ chứa được vận hành như thế nào. Khi dòng chảy tự nhiên của một con sông thay đổi, thì hệ sinh thái trong lưu vực con sông đó cũng bị ảnh hưởng và có thể mất một thời gian khá lâu mới tìm được sự cân bằng mới, hoặc thậm chí không tìm lại được lại cân bằng ban đầu.
Các dự án thủy điện thường nằm ở những vùng rừng núi nên khi xây dựng cần phải khai quang một diện tích lớn để xây các công trình như: đường sá, đập, nhà máy, đường dây dẫn điện... Phần lòng hồ sẽ bị ngập nước cũng phải được khai quang, và dân cư trong vùng phải được dời đi chỗ khác. Những hoạt động này sẽ ảnh hưởng lên môi trường thiên nhiên đã có sẵn trước đó và tác động lên hệ sinh thái của khu vực. Đời sống của dân cư trong vùng cũng như các giá trị văn hóa lịch sử của khu vực dự án cũng sẽ bị thay đổi hoặc biến mất hoàn toàn. Để có thể đánh giá đúng đắn lợi ích của một dự án thủy điện, tất cả các yếu tố nêu trên cần được phân tích đầy đủ, kể cả những thiệt hại hay lợi ích không thể hoặc rất khó định lượng theo các chỉ tiêu giá trị.
Lợi ích của thủy điện
Thủy điện xuất hiện cách đây trên 70 năm và trở thành niềm hy vọng của nhân loại trên nhiều phương diện, đặc biệt là cung cấp nguồn năng lượng tái tạo và tương đối sạch.
Thúc đẩy các khả năng kinh tế
Thông thường các công trình thuỷ điện có vốn đầu tư lớn, thời gian xây dựng kéo dài, song hiệu quả cao và tuổi thọ đến 100 năm hoặc hơn. Về lâu dài mà nói thì không có công nghệ năng lượng nào rẻ bằng thuỷ điện. Các chi phí vận hành và bảo dưỡng hàng năm là rất thấp, so với vốn đầu tư và thấp hơn nhiều các nhà máy điện khác.
Các dự án nhỏ và phân tán sẽ đóng vai trò quan trọng trong chương trình điện khí hoá nông thôn trên khắp thế giới.
Khai phóng tiềm năng thủy điện sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho địa phương và cả nước. Thông qua việc phát triển thủy điện, kết cấu hạ tầng khu vực cũng sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ, và hiện đại với tốc độ rất nhanh.
Bảo tồn các hệ sinh thái
Thuỷ điện sử dụng năng lượng của dòng nước để phát điện, mà không làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng không làm biến đổi các đặc tính của nước sau khi chảy qua tuabin.
Linh hoạt
Trong cung cấp điện năng, thủy điện là nguồn cung ứng linh hoạt, bởi khả năng điều chỉnh công suất. Nhờ công suất phủ đỉnh của thủy điện, có thể tối ưu hóa biểu đồ phụ tải chạy nền bởi các nguồn kém linh hoạt hơn (như các nhà máy nhiệt điện hoặc điện hạt nhân).
Nhà máy thủy điện tích năng làm việc như acquy, trữ khổng lồ bằng cách tích và xả năng lượng theo nhu cầu hệ thống điện.
Một ưu điểm của thủy điện là có thể khởi động và phát đến công suất tối đa chỉ trong vòng vài phút, trong khi nhiệt điện (trừ tuốc bin khí - gas turbine) phải mất vài giờ hay nhiều hơn trong trường hợp điện nguyên tử. Do đó, thủy điện thường dùng để đáp ứng phần đỉnh là phần có yêu cầu cao về tính linh hoạt mang tải.
Vận hành hiệu quả
Nguyên tắc vận hành một nhà máy thủy điện với mục tiêu tối đa hóa lượng điện phát ra, được thể hiện trong ba tiêu chuẩn: (i) giữ mực nước hồ càng cao càng tốt để tối đa hóa thế năng của nước; (ii) duy trì lượng nước chạy máy càng nhiều càng tốt, hay nói cách khác là giảm thiểu lượng nước xả thừa; và (iii) chạy tuốc bin ở điểm có năng suất cao nhất.
Tiêu chuẩn (i) và (ii) mâu thuẫn với nhau vì khi mực nước hồ cao thì xác suất xả thừa cũng sẽ cao.
Tiêu chuẩn (iii) có thể mâu thuẫn với tiêu chuẩn (ii) khi nước có quá nhiều, cần phát tối đa là điểm mà năng suất của tuốc bin không phải là cao nhất.
Trong một thị trường mua bán điện tự do với giá điện theo thị trường, có thể thay đổi từng giờ thì bài toán trở thành tối đa hóa lợi nhuận từ bán điện chứ không phải tối đa hóa lượng điện phát ra. Cộng thêm yếu tố bất định từ dự báo giá điện, bài toán tối ưu vận hành nhà máy hay hệ thống thủy điện càng trở nên phức tạp hơn. Dự báo dài hạn lượng nước vào hồ, do đó trở nên cần thiết để có thể sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả nhất cũng như giảm thiểu những tác động xấu khi hạn hán hay lũ lụt.
Tương đối sạch
So với nhiệt điện, thủy điện cung cấp một nguồn năng lượng sạch, hầu như không phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Góp phần vào phát triển bền vững
Về khía cạnh bền vững, thuỷ năng có tiềm năng rất lớn về bảo tồn hệ sinh thái, cải thiện khả năng kinh tế và tăng cường sự công bằng xã hội.
Giảm phát thải
Bằng cách sử dụng nguồn nước thay vì các loại nhiên liệu hoá thạch (đặc biệt là than), thuỷ điện giảm bớt ô nhiễm môi trường, giảm bớt các trận mưa axít, giảm axit hoá đất và các hệ thống thủy sinh. Thuỷ điện thải ra rất ít khí hiệu ứng nhà kính so với các phương án phát điện quy mô lớn khác, do vậy làm giảm sự nóng lên của trái đất.
Lượng khí nhà kính mà thuỷ điện thải ra nhỏ hơn 10 lần so với các nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp và nhỏ hơn 25 lần so với các nhà máy nhiệt điện than. Nếu tiềm năng thuỷ năng thực tế còn lại mà được sử dụng thay cho các nhà máy nhiệt điện đốt nhiên liệu hoá thạch thì hằng năm còn có thể tránh được 7 tỷ tấn khí thải nữa. Điều này tương đương với việc mỗi năm tránh được một phần ba các chất khí do con người thải ra hiện nay, hoặc ba lần các khí thải của xe hơi trên hành tinh.
Sử dụng nước đa mục tiêu
Thuỷ điện không tiêu thụ lượng nước mà nó đã dùng để phát điện, mà xả lại nguồn nước quan trọng này để sử dụng vào những việc khác.
Hơn nữa, các dự án thuỷ điện còn sử dụng nước đa mục tiêu. Trên thực tế, hầu hết các đập và hồ chứa đều có nhiều chức năng như: cung cấp nước cho sản xuất lương thực. Hồ chứa còn có thể cải thiện các điều kiện nuôi trông thủy sản và vận tải thủy.
Tuy nhiên, lợi ích cục bộ của một nhà máy thủy điện đôi lúc mâu thuẫn với chức năng căn bản của một hồ chứa. Ví dụ, trong mùa khô hạn, nhà máy có thể quyết định ngưng phát điện trong một thời gian nào đó (nghĩa là không xả nước về hạ lưu) vì nhiều lý do khác nhau (ví dụ để sửa chữa tuốc bin). Tương tự trong mùa lũ, nhà máy có thể giữ mực nước hồ cao (để tăng công suất phát điện) do đó làm giảm khả năng điều tiết lũ của hồ chứa.
Để phát huy được tối đa tài nguyên nước, các cơ quan chức năng với vai trò là người quản lý tài nguyên và điều hòa lợi ích chung cho cả khu vực - cần có những quy định hợp lý trong việc vận hành các nhà máy thủy điện để bảo đảm tài nguyên nước được sử dụng một cách công bằng và hiệu quả cho toàn xã hội.
Lưu lượng tối thiểu được quy định dựa trên nhu cầu và lợi ích của hạ lưu, được cân bằng với thiệt hại của nhà máy điện, làm sao để đảm bảo lợi ích chung của xã hội. Lưu lượng tối thiểu được xác định qua các nghiên cứu về môi trường và nhu cầu khác nhau của hạ lưu, và có thể thay đổi tùy theo lượng mưa trên lưu vực của hồ chứa. Quy định về lưu lượng tối thiểu của dòng sông đặc biệt quan trọng khi nhà máy thủy điện (là nơi xả nước về hạ lưu) không nằm cùng dòng sông với hồ chứa (chuyển nước) (như trường hợp nhà máy thủy điện Đa Nhim). Trong trường hợp này hồ chứa phải xả nước thường xuyên qua đường hầm ở chân đập để duy trì lưu lượng tối thiểu trong sông ở phía hạ lưu của hồ chứa.
Vai trò năng lượng của thủy điện
Hiện nay, thủy điện là nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện quốc gia. Đến nay, các công trình thuỷ điện đã khai thác được khoảng 4.238 MW, chiếm hơn 40% tổng công suất lắp máy của toàn hệ thống điện quốc gia (khoảng 10.445 MW). Lượng nước sử dụng để phát điện từ dung tích hữu ích của các hồ chứa thuỷ điện khoảng 13,6 tỉ m3.
Theo quy hoạch thuỷ điện trên 9 lưu vực sông chính, dự kiến thuỷ điện sẽ cung cấp khoảng 16.200MW, chiếm 62% trong tổng số 26.000MW cần bổ sung đến năm 2020. Trong giai đoạn sau đó, tỷ trọng, khi tiềm năng thủy điện đã cơ bản được sử dụng, thì tỷ trọng thủy điện sẽ giảm xuống.
Góp phần phát triển cơ sở hạ tầng
Ngoài ra, thu nhập nhờ bán điện còn cho phép tài trợ cho các nhu cầu hạ tầng cơ sở cơ bản khác, cũng như để xoá đói giảm nghèo cho những người dân bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng thuỷ điện, và cộng đồng dân cư nói chung.
Cải thiện công bằng xã hội
Thuỷ điện có tiềm năng rất lớn trong việc cải thiện công bằng xã hội trong suốt thời gian dự án được triển khai và quản lý theo cách thức đẩy mạnh sự công bằng giữa các thế hệ hiện tại và tương lai, giữa các cộng đồng bản địa và trong khu vực, giữa các nhóm bị thiệt hại và toàn xã hội nói chung.
Do chi phí đầu tư ban đầu cao cho các nhà máy thủy điện đã được các thế hệ hiện tại trang trải, nên các thế hệ tương lai sẽ nhận được nguồn điện trong thời gian dài với chi phí bảo trì rất thấp.
Doanh thu của các nhà máy thủy điện thường “gánh thêm” phần chí phí cho các ngành sử dụng nước khác như: nước sinh hoạt, tưới và chống lũ, do vậy nó trở thành công cụ để chia sẻ nguồn tài nguyên chung một cách công bằng.
Các dự án thuỷ điện còn có thể là một công cụ để thúc đẩy sự công bằng giữa các nhóm người bị thiệt hại và toàn xã hội nói chung, khi thực hiện cả những chương trình di dân và tái định cư được quản lý tốt dẫn đến một sự chia sẻ lợi nhuận để bảo đảm rằng những người bị thiệt hại sẽ có cuộc sống tốt hơn sau khi dự án hoàn thành so với trước kia.
Thủy điện và cơ chế phát triển sạch (CDM): Vai trò của thuỷ điện trong việc đáp ứng các nghĩa vụ Kyoto
Cơ chế của dự án Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) của Nghị định thư Kyoto dựa trên các dự án được xây dựng tại các nước đang phát triển. Lượng cắt giảm phát thải tiềm năng chủ yếu nhờ vào các công trình thủy điện. Lượng lớn CO2 cắt giảm nhờ sản xuất 1 MWh năng lượng tái tạo đối với mỗi lưới điện là rất khác nhau, từ mức thấp là 0,25 tấn CO2/MWh ở Braxin (cơ cấu sản xuất điện chủ yếu từ thuỷ điện) đến mức cao là 1,1 tấn CO2/MWh ở Nam Phi (chủ yếu từ than). Cho đến nay, thuỷ điện là loại nhà máy cắt giảm phát thải thành công nhất trong CDM. Ở Việt Nam con số này là 0,5408 tấn CO2/MWh. (nguồnTài liệu của Cục KTTVBDKH - Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Kinh tế dự án thuỷ điện
Đối với bất kỳ việc đầu tư nào đó vào năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển có thể có hai dòng thu nhập: dòng thu nhập truyền thống (bán điện) và giá trị về môi trường của việc đầu tư (ví dụ tín dụng cácbon).
Kỳ 2: Những ảnh hưởng của thủy điện đến môi trường
NangluongVietnam

Miền Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện



PDF.InEmail
Phuchoiacquy – Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới khu vực miền Nam sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp điện. Vì vậy, việc tuyên truyền, thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện cần tiếp tục được thực hiện.
Đánh giá chung về khả năng cung ứng điện trong tháng 5/2013, Bộ Công Thương cho biết, các nhà máy thuỷ điện được huy động theo tình hình thuỷ văn thực tế và kế hoạch tích nước cho phát điện đến cuối mùa khô năm 2013. Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí cũng được huy động tối đa.
Đặc biệt, các nhà máy nhiệt điện chạy dầu có thể được huy động để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục trong trường hợp nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao hoặc tình hình thủy văn diễn biến tiếp tục bất lợi hay xảy ra sự cố các nhà máy điện.
Miền Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong cung ứng điện (Ảnh minh họa: VnMedia)
Riêng về việc cung ứng điện tháng 5 của toàn hệ thống điện quốc gia, Bộ Công Thương cũng cho biết, về cơ bản được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có các diễn biến quá bất thường xảy ra (sự cố lớn ở các nhà máy điện, sự cố lưới điện 500-220kV, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao đột biến…). Tuy nhiên, việc cung ứng điện cho khu vực miền Nam sẽ có một số khó khăn nhất định.
Vì vậy, để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, việc tuyên truyền, thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả cần thiết tiếp tục đẩy mạnh trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại khu vực miền Nam.
Riêng về vận hành thị trường điện, trong tháng 5 giá điện năng thị trường vẫn sẽ tiếp tục xu hướng đạt mức cao theo quy luật cung cầu khách quan. Với việc khuyến khích bằng động lực kinh tế của các nhà máy điện, sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì độ khả dụng cao để phát điện, góp phần hạn chế việc phải phát các tổ máy phát điện chạy dầu đắt tiền.
VnMedia

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Hệ thống năng lượng và vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam (Kỳ 1)


Phuchoiacquy - Hệ thống năng lượng (HTNL) Việt Nam bao gồm các phân ngành năng lượng là điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân… trong đó ba phân ngành có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế quốc dân là điện, than, dầu khí. Bài viết sau đây sẽ trình bày một số kết quả nghiên cứu bước đầu về nhận diện những mối đe dọa ANNL và đề xuất một số vấn đề cần nghiên cứu giải quyết, nhằm đưa ra các giải pháp tăng cường ANNL của Việt Nam giai đoạn 2015- 2030.

Nguyễn Bình Khánh, Ngô Tuấn KiệtViện Khoa học năng lượng - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, HTNL đã có những bước phát triển không ngừng, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế đất nước.
Ngoài các đặc điểm chung như: các hệ thống năng lượng khác, những yếu tố đặc thù về địa lý, lãnh thổ và sự phân bố tài nguyên năng lượng cũng như trung tâm tiêu thụ năng lượng của HTNL Việt Nam có tác động lớn đến việc giải bài toán tối ưu phát triển HTNL và ANNL Việt Nam.
I. Hệ thống năng lượng Việt Nam
1. 1 Cân đối nguồn năng lượng sơ cấp
Việt Nam có tiềm năng khá đa dạng về nguồn năng lượng sơ cấp, với đầy đủ các nguồn than, dầu khí, thủy điện, năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt, biomass…), năng lượng hạt nhân, năng lượng biển… Nhiều nguồn năng lượng sơ cấp đã được đầu tư khai thác phục vụ nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng ở nước ta.
Tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2009, tăng trung bình 6,54%/năm và đạt 57 triệu TOE vào năm 2009 (trong đó, tiêu thụ than tăng trung bình 12,12%/năm, xăng dầu tăng 8,74%/năm, khí tăng 22,53%/năm, điện tăng 14,33%/năm, đạt 74,23 tỷ kWh năm 2009). Dự báo nhu cầu năng lượng cuối cùng của Việt Nam năm 2015 đạt 72,77 triệu TOE, các năm 2020, 2025 và 2030 tương ứng là 80,9; 103,1 và 131,16 triệu TOE.
Bảng 1: Cân bằng nhu cầu nguồn năng lượng sơ cấp giai đoạn 2015-2030
1.2 Hiện trạng và quy hoạch phát triển nguồn than
Nguồn than chủ yếu của Việt Nam là than Antraxit thuộc bể than Đông Bắc, nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, một phần thuộc tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Than Antraxit của Bể than Đông Bắc có chất lượng tốt (nhiệt trị 4.600-8.200 kcal/kg). Ngoài ra, vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ đã phát hiện bể than nâu được dự báo có trữ lượng khoảng 210 tỷ tấn. Kết quả thăm dò và khảo sát tới cuối năm 2010 của ngành than cho thấy, tổng trữ lượng than của Việt Nam ước khoảng 48,7.109 tấn (bao gồm than bể than Đông Bắc, khối nâng Khoái Châu của bể than đồng bằng Sông Hồng và các mỏ khác).
Bảng 2: Tài nguyên và trữ lượng nguồn than
(Nguồn: Quy hoạch phát ngành than Việt Nam đến 2020, xét đến 2030)
Theo quy hoạch phát ngành than Việt Nam đến 2020, xét đến 2030 thì đến năm 2015 nhu cầu than toàn bộ nện kinh tế là 63,330.106 tấn/năm (trong đó nhu cầu than cho điện là 31,8.106 tấn/năm) và sau năm 2015 lượng than nhập khẩu sẽ tăng nhanh.
Bảng 3: Dự kiến nhu cầu, khối lượng xuất, nhập khẩu than
(Nguồn: Quy hoạch phát ngành than Việt Nam đến 2020, xét đến 2030)
Ngành than đã đặt vấn đề khai thác nguồn than nâu của khu vực đồng bằng sông Hồng từ năm 2020. Tuy nhiên, việc khai thác bể than đồng bằng Sông Hồng vẫn còn nhiều vấn đề cần được làm rõ trước khi triển khai như: công nghệ và hiệu quả khai thác, tác động tiêu cực đến môi trường và giải pháp giảm thiểu...
1.3 Hiện trạng và quy hoạch phát triển nguồn khí
Theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến 2025, tổng trữ lượng dầu khí của Việt nam được đánh giá đạt khoảng (3,8 ÷4,2).109 tấn dầu quy đổi, trong đó khoảng (1,4÷1,5).109 dầu khí ngưng tụ và (2,4:2,7).1012 m3 khí thiên nhiên. Tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại tập chung chủ yếu ở vùng sâu, xa bờ như: bể Phú Khánh, vùng Tư Chính - Vũng Mây và các vùng chồng lần khác.
Tổng nguồn khai thác năm 2010 lên 14,6.109m3 năm 2015 và (14÷15,6).109 m3 năm 2020. Trong đó, khoảng (63÷68)% lượng khí nằm ở thềm lục địa phía Đông, chủ yếu ở các vùng Nam Côn Sơn và một phần đáng kể khí đồng hành ở bể Cửu Long.
Cho đến nay, tổng lượng khí có thể khai thác ở thềm lục địa Việt Nam dựa vào sử dụng là 150.109 khí. Trong tương lai, dự kiến có thể phát hiện thêm khoảng (100÷160).109 m3 khí nữa, nâng trữ lượng khí khu vực thềm lục địa lên (200÷250).109 m3 khí.
Hiện nay, mới chỉ có 2 vùng trữ lượng khí có thể khai thác từ 2000-2015 đó là bể Cửu Long với (30÷40).109 m3 khí và bể Nam Côn Sơn: (95÷100).109 m3 khí, hàng năm có thể cấp khoảng (15÷16).109 m3 khí cho phát điện. Lượng khí phục vụ cho các ngành khác chiếm dưới 20% tổng nhu cầu sản phẩm khí.
Dự kiến trong thời gian tới năm 2020, trữ lượng và khả năng khai thác khí tự nhiên của Việt Nam có thể đáp ứng được các nhu cầu sử dụng trong nước, nếu phải nhập khẩu thì lượng nhập khẩu không lớn và có thể nhập từ một số nước trong khu vực Đông Nam Á khi có đường ống khí đốt liên kết trong khối ASEAN.
1.4 Hiện trạng và quy hoạch phát triển nguồn dầu
Theo “chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025” và một số tài liệu khác đã xác định các mỏ phát hiện dầu khí được tìm thấy ở Việt Nam được tập trung ở 3 bể trầm tích lớn là: Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay - Thổ Chu, Phú Khánh. Trong đó, dầu thô được tìm thấy chủ yếu ở bể Cửu Long.
Theo kết quả đánh giá cuối năm 2010, tổng tiềm năng thu hồi dầu dự kiến khoảng 440 triệu TOE. Về khả năng khai thác dầu, năm 2004 sản lượng khai thác trong nước được 20,35.106 tấn và năm 2009 duy trì ở mức trên 16,0.106 tấn. Nếu không tìm ra được các nguồn dầu mới và không tính các nguồn dầu khai thác ở nước ngoài, thì sản lượng dầu mỏ khai thác được của Việt Nam được dự báo sẽ liên tục suy giảm và chỉ có khoảng 3.106 tấn/năm vào năm 2025.
Thời gian qua, dầu thô khai thác của Việt Nam chỉ phục vụ cho xuất khẩu do Việt Nam chưa có các nhà máy lọc dầu. Từ cuối năm 2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đã đi vào vận hành với công suất 6.5.106 tấn/năm, có thể đáp ứng 30% các sản phẩm xăng dầu trong nước.
Hiện nay Việt Nam cũng đang có kế hoạch đầu tư 2 dự án nhà máy lọc dầu mới là Nghi Sơn (công suất 10 triệu thùng/năm) và Long Sơn (công suất 10 triệu thùng/năm và có thể mở rộng lên công suất 20 triệu thùng/năm vào năm 2025).
Như vậy, nếu các nhà máy đúng tiến độ thì tới 2020, Việt Nam có thể không phải phụ thuộc vào các sản phẩm xăng, dầu nhập khẩu.
Tính đến năm 2010, Việt Nam không nhập khẩu dầu thô, tuy nhiên năm 2015 do nhu cầu dầu thô cho các nhà máy lọc dầu dự kiến xây dựng thì Việt Nam sẽ phải nhập khẩu dầu thô. Dự kiến nguồn nguyên liệu cho các nhà máy lọc dầu của Việt Nam trong giai đoạn 2012-2025 là từ các nước: KuweitVenezuela và Liên bang Nga.
1.5 Hiện trạng và quy hoạch phát triển nguồn điện
Hệ thống điện của Việt Nam chủ yếu gồm các nguồn thủy điện, nhiệu điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu. Ngoài ra, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào và Campuchia. Gần đây một phần nhỏ nguồn điện từ các nguồn năng lượng tại tạo như năng lượng gió; mặt trời; sinh khối… bắt đầu được đưa vào HTĐ.
Năm 2010 điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống quốc gia đạt 100,1 tỷ kWh, tăng 15,1% so với năm 2009, công suất cực đại (Pmax) toàn hệ thống năm là 15.500 MW. Tổng công suất đặt nguồn điện tính đến cuối năm 2010 là 21.250 MW, trong đó thủy điện chiếm tỷ trọng 38%, nhiệt điện 11%, TKB chạy khí & diesel 38%, nhiệt điện chạy khí 3%, nhiệt điện chạy dầu 4%, diesel và nguồn điện trong năm 2010 dao động trong khoảng (15.000-17.600)MW.
Nguồn thủy điện của Việt Nam phân bố ở khắp trên cả nước, tuy nhiên các nhà máy thủy điện công suất lớn chủ yếu được xây dựng ở các vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Dự kiến tới năm 2025, Việt Nam cơ bản khai thác hết nguồn thủy điện với tổng công suất lắp máy khoảng 21.000MW.
Các nhà máy nhiệt điện than có được xây dựng tập trung ở khu vực quanh bể than Quảng Ninh, vùng Đông Bắc và khu vực đồng bằng Sông Hồng. Các nhà máy điện dầu và khí hiện tập trung ở khu vực phía Nam, như trung tâm nhiệt điện Phú Mỹ, Cà Mau, Nhơn Trạch…
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTG ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, định hướng phát triển nguồn điện đến năm 2030 như sau:
Đến 2020, điện năng sản xuất và nhập khẩu khoảng 330 tỷ kWh. Tổng công suất nhà máy điện khoảng 75.000 MW, trong đó thủy điện chiếm 23,1%, thủy điện tích năng 2,1%, nhiệt điện than 48%, nhiệt điện chạy khí 16,5% (trong đó sử dụng LNG 2,6%), nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo 5,6%; điện hạt nhân 1,3% và nhập khẩu điện 3,1%.
Đến năm 2030, điện năng sản xuất và nhập khẩu khoảng 695 tỷ kWh. Tổng công suất các nhà máy điện khoảng 146.800 MW, trong đó thủy điện chiếm 11,8%, thủy điện tích năng 3,9%, nhiệt điện than 51,6%, nhiệt điện khí 11,8% (trong đó sử dụng LNG 4,1%); nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo 9,4%; điện hạt nhân 6,6% và nhập điện 4,9%
Về lưới truyền tải, hệ thống điện của Việt Nam hiện đang vận hành ở các cấp điện áp cao 500kV-110kV và các cấp điện áp trung áp từ 35kV đến 6kV, cấp điện áp hạ áp 0,4kV. Lưới truyền tải 500kV là xương sống của hệ thống điện Việt Nam, chạy suốt từ Bắc vào Nam, tổng công chiều dài trên 3.000km với 17 trạm biến áp 500kV, đóng vai trò quan trọng trong cân bằng điện năng toàn quốc, có ảnh hưởng tới độ tin cậy cung cấp điện của từng miền. Lưới điện truyền tải 220 kV làm nhiệm vụ truyền tải điện từ các nhà máy điện đến các trạm khu vực và từ các trạm khi vực đi cấp điện cho từng trung tâm phụ tải.
1.6 Hiện trạng và quy hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo
Theo điều tra, đánh giá, tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam là khá đa dạng, trong đó năng lượng thủy điện nhỏ và cực nhỏ khoảng 10.109 kWh/năm, năng lượng và địa nhiệt có thể khai thác với công suất khoảng (262÷340) MW, năng lượng mặt trời có thể khai thác cho mục đích điện khí hóa ngoài lưới khoảng (10÷20) MW, tài nguyên gió ở độ cao 65m của một số khu vực có tiềm năng gió tốt có thể khai thác đạt trên 10.000 MW, tiềm năng sử dụng năng lượng sinh khối (trấu, bã mía, phế thải gỗ) có thể đạt (300-500)MW.
Thực tế khai thác nguồn năng lượng tái tạo hiện nay còn khiêm tốn (mới chỉ đáp ứng dưới 3% nhu cầu tiêu thụ) so với tiềm năng do hạn chế với công nghệ, giá năng lượng tái tạo chưa cạnh tranh được với nguồn năng lượng truyền thống khác. Hiện Nhà nước đang xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ và phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhằm nâng cao tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo tới năm 2025 là 4% trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng.
Ngành năng lượng hạt nhân mới bước vào giai đoạn chuẩn bị xây dựng 2 nhà máy hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận, với công suất lắp máy 4.000 MW và theo quy hoạch phát triển điện hạt nhân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2010 thì trong giai đoạn 2020-2030 sẽ xây dựng thêm 13 nhà máy điện hạt nhân, với tổng công suất từ (15.000÷16.000)MW.
NLVN
Kỳ 2: Một số vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam