Hiển thị các bài đăng có nhãn phuc hoi ac quy. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn phuc hoi ac quy. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Kiên định lộ trình sử dụng xăng sinh học


PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Đó là ý kiến khẳng định của lãnh đạo Bộ Công thương tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) diễn ra mới đây tại Hà Nội.
"Đầu vào", "đầu ra" đều khó
Đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, năm qua các nhà máy cồn Bình Phước, Dung Quất đã sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 39.000m3 cồn E100 thành phẩm. Về sản lượng xăng E5, năm 2012, PVN bán được hơn 22.000m3; bốn tháng đầu năm nay, bán được gần 10.000m3. Hiện nay, cả nước có khoảng 175 cửa hàng chủ yếu của Tập đoàn PVN làm nhiệm vụ phân phối các sản phẩm nhiên liệu sinh học. Khó khăn về thị trường khiến phần lớn sản phẩm NLSH của các nhà máy đang phải xuất khẩu với giá thấp. Hầu hết nhà máy chỉ chạy khoảng 20% công suất. Trong khi đó, các dự án NLSH ở nước ta còn mới, các nhà thầu chưa có kinh nghiệm nên thời gian thi công dài, chi phí đầu tư tăng, lãi suất ngân hàng cao ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế… Bên cạnh đó, việc tập trung nguồn nguyên liệu để sản xuất loại nhiên liệu này cũng không dễ dàng. Bởi nguyên liệu sắn cung cấp cho các nhà máy bị cạnh tranh với lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, tinh bột và xuất khẩu. Trong khi đó, sắn lại là loại cây có tính mùa vụ nên muốn bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất cả năm, các DN phải có vốn lưu động rất lớn để đầu tư kho chứa, thu mua, dự trữ và bảo quản. Đó là chưa kể đến việc triển khai đầu tư vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất của nhà máy rất khó khăn do thiếu cơ chế về quy hoạch, chính sách trợ giúp nông dân, chính sách thuế…

Một điểm bán xăng E5
Thừa nhận còn nhiều khó khăn để đưa xăng sinh học vào sử dụng, đại diện Bộ Công thương cho rằng, cần nâng cao hơn nữa sự phối hợp giữa các ngành liên quan với các DN để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, từ đó có biện pháp hiệu quả thực hiện lộ trình sử dụng xăng sinh học… Chính phủ đã giao cho các ngành chức năng sửa đổi dự thảo Nghị định 84/CP về quản lý kinh doanh xăng dầu để các DN này có thể kinh doanh xăng E5 thuận lợi. Với các DN, để sớm đưa xăng sinh học vào sử dụng, PVN đề xuất, cần quy hoạch quỹ đất phát triển nguồn nguyên liệu cho 3 nhà máy tại Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước; cần miễn thuế môi trường với xăng pha cồn E5 vì đây là sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với E5 để đưa vào lưu thông…
Vào cuộc đồng bộ
Muốn đưa xăng sinh học đến gần hơn với người tiêu dùng thì việc nâng cao nhận thức cũng là yếu tố quan trọng. Do vậy, Bộ Công thương đã phối hợp với Tập đoàn PVN xây dựng đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển NLSH".
Theo Tập đoàn PVN, sau khi được Chính phủ phê duyệt chương trình, PVN đã tiên phong thực hiện đề án và đã phối hợp cùng với một số đối tác đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất ethanol nhiêu liệu từ sắn tại 3 vùng là Nhà máy NLSH tại Phú Thọ, công suất thiết kế 100 triệu lít ethanol nhiên liệu/năm. Tuy nhiên, nhà máy đang khó khăn về vốn, cùng với việc tiêu thụ chậm, nên đang tạm dừng hoạt động. Nhà máy của Công ty CP NLSH miền Trung (Quảng Ngãi), công suất thiết kế 100 triệu lít ethanol nhiên liệu/năm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2012. Tính riêng quý I năm 2013, công ty đã sản xuất được hơn 5 triệu lít, bán nội địa chỉ được gần một triệu lít. Công ty TNHH NLSH Phương Đông (OBF) đầu tư nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu tại Bình Phước, với công suất thiết kế 100 triệu lít ethanol nhiên liệu/năm, đã hoạt động từ tháng 4-2012, sản xuất được gần 14 triệu lít cồn, bán nội địa được gần 10 triệu lít, xuất khẩu được 0,1 triệu lít; quý I năm 2013, sản xuất được gần 3 triệu lít, bán nội địa được gần 2 triệu lít. Nhà máy chưa có kế hoạch sản xuất kinh doanh tiếp theo vì đang khó khăn về vốn. Riêng Tập đoàn PVN đến nay đã đầu tư 5 cơ sở pha chế E5 và 4 đầu mối để phục vụ kinh doanh xăng E5. Tuy nhiên, để người dân hiểu rõ về lợi ích của xăng sinh học, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ phải được triển khai một cách đồng bộ, bảo đảm các mục tiêu đề ra, đồng thời xem xét đưa vấn đề kinh doanh NLSH trước khi sửa đổi Nghị định 84/CP.
Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn NLSH với nhiên liệu truyền thống đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg. Theo đó, từ ngày 1-12-2014, xăng sinh học E5 sẽ được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu và sẽ sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 1-12-2015.
Nguồn (HNM)

Tập đoàn Intel mở rộng đầu tư lĩnh vực điện ở Việt Nam


PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Theo TTXVN, tại diễn đàn "Intel Việt Nam - Quá trình phát triển bền vững và tầm nhìn công nghệ trong tương lai' được tổ chức mới đây, bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam nhấn mạnh: Hiện nay, điện năng là yếu tố để Intel dự định mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Intel Products
Theo đó, từ tháng 11/2012, Intel nhận ra sự bất ổn định về điện ảnh hưởng đến hoạt động của công ty tại Việt Nam. Vì vậy, Intel đã họp với lãnh đạo của Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC), Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Truyền tải điện 4 để đặt ra chiến lược nhằm đảm bảo chất lượng lưới điện.
Các bên đã thống nhất thiết lập lại nhóm làm việc đảm bảo chất lượng điện với sự tham gia của 3 bên gồm: Công ty Truyền tải điện, Công ty Cung ứng điện và Intel. Sau đó đã trao đổi thông tin, phân tích những nguyên nhân chính dẫn đến sụt áp, bất ổn định về điện, đưa ra giải pháp cải thiện cho lưới điện.
Phía Intel cũng đã đưa ra những yêu cầu cụ thể của Intel tại Việt Nam và đánh giá các biện pháp tiết kiệm chi phí để giảm thiểu việc sụt áp.
Tuy nhiên, tại cuộc họp hồi tháng 4/2013, đánh giá lại hiện trạng thì thấy sự cố sụt áp về điện vẫn chưa được giải quyết triệt để, vẫn có một sự cố xảy ra trong tháng 1/2013 và hai sự cố trong tháng 5/2013. Vì vậy, Intel mong muốn phía Việt Nam quan tâm đầu tư để giữ được sự ổn định về điện, giúp Intel phát triển bền vững lâu dài tại Việt Nam.
Bà Sherry Boger cũng cho biết: Hiện Intel đang chú trọng phát triển đội ngũ lãnh đạo và nguồn nhân lực tại Việt Nam là người bản địa, hướng tới mục tiêu đưa Intel Products Việt Nam trở thành một nhà sản xuất vững mạnh của tập đoàn.
Để triển khai kế hoạch này, Intel đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị của Việt Nam tổ chức các chương trình đào tạo như: Chương trình hợp tác đào tạo kỹ thuật cao (2013-2017); Chương trình đào tạo thạc sỹ kỹ thuật RMIT 2010-2013; Chương trình đào tạo cho giáo viên của Intel…
Intel mong muốn phía Việt Nam quan tâm đầu tư để giữ được sự ổn định về điện, giúp Intel phát triển bền vững lâu dài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhằm giúp Việt Nam thực hiện thành công đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin” vào năm 2020, Intel đã phối hợp với Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và trường Đại học quốc gia Hà Nội hoàn thành các video đào tạo 10 bước đơn giản về tin học, hướng tới xóa bỏ khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn.
NangluongVietnam.vn

Nỗi lo Trung Đông đẩy giá dầu vọt tăng


PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Các bộ trưởng bộ ngoại giao Liên minh châu Âu nhất trí không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí cho phe nổi dậy Syria...
Những diễn biến mới nhất về tình hình chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, gây ra những lo lắng về nguồn cung trong bối cảnh lượng cầu đang suy giảm hiện nay.
Phiên giao dịch quốc tế đêm 28/5, giá dầu thô giao sau tăng mạnh lên trên vùng 95 USD/thùng nhờ đà đi lên mạnh mẽ của thị trường chứng khoán toàn cầu, cùng những lo lắng về tình hình chính trị Trung Đông và Bắc Phi.
Ngay sau khi mở cửa lại (phiên 27/5, thị trường đóng cửa nghỉ lễ), giá dầu đã liên tục biến động mạnh bởi có quá nhiều yếu tố hỗ trợ trong hai ngày đầu tuần. Trước hết là việc các thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm mạnh sau tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu, về việc tiếp tục các chính sách thúc đẩy tăng trưởng.
Những diễn biến mới nhất về tình hình chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, gây ra những lo lắng về nguồn cung trong bối cảnh lượng cầu đang suy giảm hiện nay, cũng góp phần nâng đỡ tốt cho thị trường. Theo AFP, Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với phe đối lập Syria, sau những cuộc thảo luận đầy bất đồng giữa các nước thành viên.
Cụ thể, theo hãng tin AFP, hôm 28/5, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh William Hague cho biết, các bộ trưởng bộ ngoại giao Liên minh châu Âu đã nhất trí không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí cho phe nổi dậy Syria vốn sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/6 tới đây, trong khi vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt khác nhằm vào chính quyền của Tổng thống nước này là Bashar al-Assad.
Bộ trưởng Hague coi đây là thông điệp rõ ràng nhằm gây áp lực lên Chính phủ Syria. Thỏa thuận này cho phép các thành viên Liên minh châu Âu được gửi vũ khí cho các tay súng đối lập nếu muốn, sau ngày 1/6 tới đây.
Ngoài tin tức liên quan tới tình hình chiến sự tại Syria, thị trường cũng nhận được tin cho biết tại Nigeria, một tàu chiếc chở dầu ở ngoài khơi bờ biển quốc gia này đã bị bọn cướp tấn công và bắt cóc làm con tin. Những thông tin này đã khiến nhà đầu tư năng lượng lo ngại về tính ổn định trong việc cung ứng dầu từ khu vực nhiều dầu mỏ Trung Đông và Bắc Phi.
Bên cạnh tình hình chính trị quốc tế, chứng khoán toàn cầu, thị trường năng lượng hôm qua còn nhận được lực đẩy từ các báo cáo cho biết nền kinh tế Mỹ đang hồi phục vững chắc. Cụ thể, chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ trong tháng 5, do tổ chức Conference Board công bố, đã tăng mạnh lên 76,2 điểm cao nhất trong 5 năm, từ mức 69 điểm trong tháng 4 trước đó.
Chốt phiên giao dịch ngày 28/5, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 7 trên sàn hàng hóa New York tăng 86 cent, tương ứng 0,9%, lên 95,01 USD/thùng. Trong suốt phiên giao dịch, giá dầu thô kỳ hạn loại này luôn dao động gần ngưỡng 96 USD mỗi thùng. Tại London, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc giao tháng 7 tăng 1,61 USD, tương ứng 1,6%, lên 104,23 USD.
Cũng trên sàn giao dịch hàng hóa New York đêm 28/5, giá khí tự nhiên giao tháng 6 giảm 6 cent, tương ứng 1,5%, xuống còn 4,17 USD/ triệu BTU. Giá xăng giao cùng kỳ hạn tăng nhẹ được 1 cent, tương ứng với mức 0,5%, lên 2,85 USD mỗi gallon. Giá dầu sưởi cũng giao trong tháng 6 tăng mạnh 5 cent, tương ứng với mức 1,7%, lên chốt ở 2,91 USD mỗi gallon.
Theo giới phân tích, hiện thị trường đang theo dõi sát sao quyết định về mục tiêu sản lượng của các thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Dự kiến những mục tiêu này sẽ được đưa ra trong cuộc họp vào ngày thứ 6 tuần này tại Vienna (Áo).
(VnEconomy)

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Khai thác năng lượng mặt trời từ quá trình quang hợp



Mặt trời cung cấp nguồn năng lượng sạch và phong phú, tuy nhiên chỉ có một phần rất nhỏ nguồn năng lượng này được chuyển đổi thành năng lượng hữu ích. Để giúp giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Georgia - Mỹ đã phát triển một công nghệ mới là sử dụng cây xanh để tạo ra điện. Theo Phó giáo sư Ramaraja Ramasamy làm việc tại Đại học Georgia: "Cách tiếp cận này có thể giúp chúng ta tạo ra năng lượng sạch từ ánh sáng mặt trời bằng cách sử dụng quá trình quang hợp của thực vật”.

Phó giáo sư Ramaraja Ramasamy trong phong thí nghiệm
Thực vật là “nhà máy năng lượng mặt trời” có hiệu suất cao nhất hiện nay, nó đạt được hiệu suất gần như tuyệt đối, có nghĩa là nó chuyển đổi tất cả các photon ánh sáng mặt trời chiếu đến nó thành các electron. Nếu chúng ta có thể làm chủ quá trình này thì sẽ cải thiện đáng kể hiệu suất của các tấm pin năng lượng mặt trời hiện nay thường cho hiệu suất khoảng 12 - 17%.
Trong quá trình quang hợp, thực vật sử dụng ánh sáng mặt trời để tách nước thành hydro và oxy kèm theo các electron. Các electron được giải phóng của quá trình quang hợp sẽ giúp tạo ra đường để phục vụ cho quá trình tăng trưởng của thực vật. Phó giáo sư Ramaraja Ramasamy cho biết: “Ý tưởng của chúng tôi là can thiệp vào quá trình quang hợp và thu giữ các electron trước khi chúng được sử dụng để sản xuất đường”.
Công nghệ của Ramasamy liên quan đến việc tách các thylakoid (các hạt nhỏ có trong lục lạp của các tế bào có chức năng quang hợp của thực vật) ra khỏi cấu trúc trong tế bào thực vật làm gián đoạn quá trình di chuyển của các electron. Các thylakoid sau khi sửa đổi sẽ được cố định trên các ống nano carbon cấu trúc hình trụ nhỏ hơn sợi tóc con người khoảng 50.000 lần. Các ống nano hoạt động như một dây dẫn điện thu giữ, vận chuyển các electron từ quá trình quang hợp. Trong các thí nghiệm quy mô nhỏ, phương pháp này tạo ra dòng điện có cường độ lớn hơn so với các hệ thống tương tự trong các báo cáo trước đây.
Ramaraja Ramasamy và các cộng sự của ông đang rất kỳ vọng vào kết quả nghiên cứu mới, hứa hẹn sẽ mở ra những giá trị khai thác năng lượng cao hơn trong tương lai.

CPC/Sciencedaily

Nga phát triển lò phản ứng nhanh SVBR - 100



Theo nguồn tin từ World Nuclear News cho biết: Cơ quan pháp quy của Nga (Rostechnadzor) vừa ban hành giấy phép cho Công ty cổ phần AKME, được thành lập vào năm 2009 trực thuộc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử (Rosatom) của quốc gia này tiến hành phát triển lò phản ứng nhanh, tích hợp làm mát bằng kim loại SVBR - 100. AKME chịu trách nhiệm thiết kế, xây dựng và kinh doanh lò phản ứng modul 100 MWe.

Khái niệm lò phản ứng đã được sử dụng trên 7 tàu ngầm hạt nhân lớp Alfa của Nga, cũng như trong các phòng thí nghiệm trên mặt đất
Một mô phỏng đào tạo cho SVBR-100 đã đi vào hoạt động kể từ tháng 3/2013, và một đơn vị thí điểm được dự kiến ​​đi vào hoạt động vào năm 2017. Đơn vị thí điểm này sẽ được xây dựng tại Viện nghiên cứu Lò phản ứng Nguyên tử (RIAR) ở Dimitrovgrad.
Tổng giám đốc Công ty AKME, ông Vladimir Petrochenko cho biết: Giấy phép này sẽ cho phép công ty cung ứng các dịch vụ về xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho các đơn vị thực hiện. Bản thân AKME sẽ chính là đơn vị thực hiện nhà máy thí điểm Dimitrovrad và hiện nay họ cần có nhiều loại giấy phép khác nhau để xây dựng nhà máy thí điểm này.
Lò phản ứng nhanh, tích hợp làm mát bằng kim loại SVBR - 100
SVBR-100 là một thiết kế lò phản ứng tích hợp, trong đó tất cả các mạch chính - lõi của lò phản ứng, cũng như máy phát hơi nước, thiết bị đi kèm như: các máy bơm tuần hoàn chính - nằm trong một bể chứa chất làm mát bằng hỗn hợp chì bismuth đựng trong thùng riêng. Các mô - đun của nhà máy có thể được vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ, hoặc đường thủy tới các địa điểm mà ở đó chúng được sử dụng để cung cấp nhiệt, hơi nước công nghiệp, khử mặn nước cũng như phát điện. Một số mô - đun có thể được đồng vị để cung cấp cho một nhà máy điện lớn hơn.
Lò phản ứng SVBR-100 đã được sử dụng trên 7 tàu ngầm hạt nhân lớp Alfa của Nga, cũng như trong các phòng thí nghiệm trên mặt đất.

NangluongVietnam

Cần đầu tư thêm lưới điện đấu nối vào hệ thống 500kV





Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề sự cố gây mất điện của các tỉnh phía Nam mới đây, và có giải pháp gì để phòng những trường hợp tương tự như thế? Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Đây là một sự cố nghiêm trọng, ngay sau khi xảy ra sự cố, Chính phủ đã yêu cầu giải quyết ngay tức thì, đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan có báo cáo cụ thể về vấn đề liên quan.


Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: Ngay sau khi xảy ra sự cố, Chính phủ đã yêu cầu giải quyết ngay tức thì, đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan có báo cáo cụ thể về vấn đề liên quan.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, không chỉ 22 tỉnh, thành miền Nam mất điện mà ở Campuchia cũng bị mất theo. Ngay khi sự cố xảy ra, Chính phủ cũng nhận được ý kiến từ phía Campuchia là thủ đô Phnom Penh mất điện.
Đây là sự cố nghiêm trọng, ngành điện dùng thuật ngữ là “rã lưới”, để khắc phục không phải đơn giản, không phải mất một cái là có thể đóng lại được ngay. Hậu quả đến bây giờ chưa tính toán được chính xác, nhưng rất lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội.
Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết ngay tức thì, đồng thời đương nhiên sau mỗi sự cố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, trong trường hợp này là Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo về vấn đề này.
Đây là một sự cố lớn chưa từng có nên Thủ tướng Chính phủ đã nghe ý kiến của Bộ Công Thương, yêu cầu Bộ Công Thương xem xét một cách rất nghiêm túc tất cả mọi mặt để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm.
Chúng ta đã có Luật để bảo đảm an toàn các công trình, trong đó có các công trình điện, đặc biệt có công trình hành lang lưới điện cao áp.
Trường hợp này quy định đã có, vậy trách nhiệm của ngành, cấp liên quan tới việc thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hành lang đã nghiêm túc chưa. Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện xem xét nghiêm túc.
Bên cạnh đó, cũng yêu cầu ngành điện xem xét lại toàn diện các vấn đề để đảm bảo không xảy ra các sự cố lặp lại, như vậy và các sự cố có tính nghiêm trọng tương tự.
Theo Bộ trưởng, ngoài lý do mang tính sự cố, đây cũng còn lý do mang tính kỹ thuật, đất nước của chúng ta trải dài, lưới điện chằng chịt, các đầu nối dẫn vào hệ thống 500 kV còn ít. Nếu đúng ra, với một mạng lưới mạng nhện chằng chịt lớn như vậy, chúng ta phải có nhiều đầu dẫn vào hệ thống, có nghĩa là, tới đây chúng ta phải tăng cường đầu tư thêm các đầu dẫn nối vào đường dây 500kV, cũng như đầu tư thêm một số nguồn phát điện được phân bổ hợp lý.
Liên quan đến vấn đề giá điện, Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ kiên trì lộ trình điều hành giá điện từng bước tiến tới thị trường. Ngoài việc đảm bảo yêu cầu về giá cho công nghiệp và cho đời sống của nhân dân, còn yêu cầu rất quan trọng nữa là phải có mặt bằng giá hợp lý để thị trường không bị méo mó, theo đúng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cũng là tạo sự hấp dẫn để huy động được các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đầu tư không chỉ phát triển nguồn điện mà kể cả các công trình cần thiết trong mạng lưới điện.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang: Qua sự cố vừa rồi, Bộ Công Thương nhận thấy tính dễ tổn thương của đường dây truyền tải 500kV. Do vậy, chúng ta sẽ phải tìm mọi cách đẩy nhanh dự án nguồn điện ở khu vực phía Nam. Bởi hiện nay, khu vực phía Nam có nhu cầu về tiêu dùng điện rất cao.
Một khó khăn được Thứ trưởng đưa ra hiện nay là, các địa phương chưa nhiệt tình trong việc dành đất để triển khai những công trình đường dây 500kV.
Về trách nhiệm tham gia bảo vệ lưới điện, Thứ trưởng cho rằng, hàng chục nghìn km đường dây điện nên lực lượng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam khó bảo vệ một cách tuyệt đối an toàn, nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương. Nghị định 106 năm 2005 của Chính phủ cũng nêu rõ trách nhiệm của các địa phương. Các địa phương cũng phải vào cuộc và đặc biệt là sự vào cuộc của người dân.
Thứ trưởng Lê Dương Quang khẳng định: Sự cố vừa rồi rất hy hữu, nếu người dân và các tổ chức, đơn vị tại khu vực đường dây đi qua có trách nhiệm bảo vệ thì nguy cơ xảy ra sự cố sẽ ít hơn rất nhiều.
Sự cố do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực Thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500kV
Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, ngày 26/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương chỉ đạo, sớm phê duyệt đưa hệ thống đường dây truyền tải điện 500kV vào danh mục các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành điện trong việc bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
NangluongVietnam

Máy bay chạy bằng năng lượng Mặt Trời lập kỷ lục mới


Trong một thông báo của ban tổ chức, Solar Impulse đã hạ cánh xuống thành phố Dallas-Fort Worth thuộc bang Texas vào 13 giờ (giờ Việt Nam) ngày 23/5, sau khi vượt qua chặng đường kỷ lục nói trên trong 18 giờ và 21 phút từ thành phố Phoenix của bang Arizona.
Với chiều dài quãng đường bay này, Solar Impulse đã tự phá vỡ kỷ lục thiết lập năm ngoái khi thực hiện chuyến bay dài 1.116km từ Thụy Sĩ đến Tây Ban Nha.
Phát biểu sau khi hạ cánh xuống Dallas-Fort Worth, chặng dừng chân thứ hai trong hành trình xuyên nước Mỹ của Solar Impulse, một trong hai phi công là Andre Borschberg chia sẻ hành trình này là một thử thách đặc biệt bởi lẽ đây là chuyến bay dài nhất đối với một máy bay hoạt động bằng năng lượng mặt trời, bay cả ngày lẫn đêm và phải đối mặt với tình trạng gió khá lớn khi hạ cánh.
Ngoài những trở ngại về thời tiết, hai phi công cũng đã phải thức hơn 20 tiếng đồng hồ mà không có sự hỗ trợ của chế độ bay tự động.
Máy bay Solar Impulse  (Ảnh: AP)
Máy bay Solar Impulse (Ảnh: AP)
Trước đó, Solar Impulse đã thực hiện chặng bay đầu tiên từ San Francisco ở California tới Foenix. Trong chặng bay này, Solar Impulse bay với vận tốc trung bình 49km/giờ.
Đặc điểm nổi bật của Solar Impulse là có cấu tạo siêu nhẹ, có bốn động cơ điện và hệ thống 12.000 tấm pin Mặt Trời, vừa giúp cung cấp năng lượng cho động cơ máy bay, vừa có khả năng nạp nhiên liệu dự trữ giúp máy bay có thể bay cả ngày lẫn đêm.
Với các pin dự trữ, Solar Impulse có thể bay liên tục trong ba ngày đêm với tốc độ lên tới 70km/giờ, đạt độ cao 8.230m vào ban đêm.
Theo kế hoạch, tại mỗi điểm dừng, Solar Impulse sẽ “nghỉ” 10 ngày để các chuyên gia giới thiệu về công nghệ năng lượng Mặt Trời và hai phi công nghỉ ngơi.
Toàn bộ thông số của chuyến bay, từ vận tốc, hướng bay, tình trạng pin, động cơ điện, năng lượng máy đến camera trong buồng lái, được đăng tải công khai.
Dự án Solar Impulse do hai nhà khoa học người Thụy Sĩ Bertrand Piccard và Andre Borschberg khởi xướng và bắt đầu hành trình bay từ ngày 3/5 vừa qua nhằm nâng cao nhận thức về việc sử dụng năng lượng tái sinh và ứng dụng các công nghệ sẵn có vì một thế giới phát triển bền vững hơn.
Dự kiến, Solar Impulse sẽ kết thúc “cuộc phiêu lưu” vào đầu tháng Bảy tới sau khi dừng chân tại Washington và New York.
Theo TTXVN

Năng lượng tương lai – mối quan tâm lớn của người Việt


Cuộc khảo sát có tên là “Khảo sát Năng lượng tương lai” nhằm mục đích tìm hiểu ý kiến của người dân Việt Nam về tương lai năng lượng.
Theo Liên hợp quốc và Kịch bản năng lượng của Shell, đến năm 2030, dự báo thế giới sẽ cần thêm 40%-50% năng lượng, nước và lương thực để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của nhân loại. Điều đó có thể gây áp lực lên các nguồn tài nguyên sống còn này. Và ngày càng có nhiều người Việt Nam ý thức về các vấn đề này và các biện pháp giải quyết vấn đề.
Năng lượng mặt trời được nhiều người dân Việt Nam lựa chọn là nguồn năng lượng tương lai (Ảnh: gizmag.com)
Năng lượng mặt trời được nhiều người dân Việt Nam lựa chọn là nguồn năng lượng tương lai (Ảnh: gizmag.com)
Khảo sát cho thấy có tới 8/10 người dân cho rằng, thiếu hụt nước, lương thực và năng lượng cũng như giá năng lượng cao là các vấn đề có thể gây ảnh hưởng lớn đến Việt Nam trong tương lai.
Bà Nguyễn Ánh Tuyết, Chủ tịch công ty Shell Việt Nam cho biết: “Các mối quan tâm đến năng lượng sống còn của thế giới ngày càng tăng lên, nước, lương thực và các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu đã khiến cho nhiều người Việt Nam suy nghĩ về tương lai năng lượng nghiêm túc hơn. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng, trong nhiều thập kỷ tới, thế giới sẽ phải huy động toàn bộ các loại năng lượng. Nhưng thách thức đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng, nước và lương thực trở nên lớn hơn bởi chính mối quan hệ khăng khít giữa chúng, cần phải ứng phó với những thách thức này một các thông minh và đồng bộ”.
Khảo sát Năng lượng tương lai cho thấy, người dân Việt Nam lựa chọn tổ hợp đa dạng các hình thức năng lượng để đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai. Trong đó, nguồn năng lượng được người dân Việt Nam lựa chọn nhiều nhất là năng lượng mặt trời (72%), tiếp theo là năng lượng nước (58%) và năng lượng gió (47%). Sử dụng nhiên liệu sinh học cũng được xem là tốt cho môi trường và là một giải pháp làm giảm thải khí CO2 – vấn đề được đa số cộng động Việt Nam cho là rất quan trọng.
Và gần 2/3 người dân Việt Nam tin rằng, công chúng đóng vai trò trong việc xây dựng tương lai năng lượng. Nhiều người dân Việt Nam đã có những biện pháp như: Sử dụng bớt năng lượng (78%) và sử dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng (74%). Tuy nhiên, họ cho rằng, sự hợp tác giữa cộng đồng, chính phủ và ngành công nghiệp là chìa khóa để xây dựng các giải pháp năng lượng tương lai, trong đó, chính phủ đóng vai trò quan trọng nhất.
“Các chính sách chủ động, đồng bộ và mạnh mẽ rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng của thế giới và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai. Xã hội cũng có vai trò quyết định trong việc hình thành tương lai của hệ thống năng lượng thế giới. Chúng ta – ngành công nghiệp, chính phủ và xã hội – tất cả đều có trách nhiệm xây dựng một tương lai năng lượng tốt đẹp hơn. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra các bước đột phá và công nghệ mới có thể giúp đa dạng nguồn cung năng lượng thế giới, tăng việc sử dụng các năng lượng sạch hơn và cải thiện hiệu suất”, bà Tuyết cho biết.

Những kết quả chính của cuộc khảo sát do Shell Việt Nam tiến hành: • 7/10 người đánh giá nhu cầu năng lượng là quan trọng. Các vấn đề quan tâm hàng đầu là việc làm và giá sinh hoạt.
• Biến đổi khí hậu (33%) và môi trường (27%) là những yếu tố quan trọng tạo nên mối quan tâm đến năng lượng tương lai.
• 8/10 người đánh giá thiếu hụt nước, lương thực và năng lượng gây ảnh hưởng lớn nhất đến Việt Nam trong hoàn cảnh hạn chế về năng lượng.
• Năng lượng mặt trời (72%), năng lượng nước (58%) và năng lượng gió (47%) được lựa chọn làm nguồn cung cấp năng lượng.
• 3/5 người tin tưởng cộng đồng Việt Nam có vai trò lớn nhất trong việc xây dựng tương lai năng lượng.
• 8/10 người cho rằng giảm phát thải khí CO2 là quan trọng.
• Hầu hết người tham gia khảo sát có các hành vi giảm phát thải khí CO2. Nhiên liệu sinh học được cân nhắc đầu tiên vì tốt cho môi trường và có thể giảm phát thải khí CO2.
• 41% tin rằng sự hợp tác là yếu tố hàng đầu trong việc đưa ra các giải pháp năng lượng tương lai. Chính phủ (63%) đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng tương lai năng lượng, tiếp theo là người dân Việt Nam (59%) và ngành công nghiệp (53%).

Theo Bùi Tuyết/An ninh Thủ đô

“Sống trong sợ hãi” chờ giá điện tăng


Dù đến thời điểm này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa tính đến phương án tăng giá điện; tuy nhiên, giá than bán cho điện đã tăng cộng với các yếu tố về nhiên liệu đầu vào, cơ cấu sản lượng điện, chênh lệch tỉ giá... sẽ kéo giá điện tăng. Hơn thế, theo lộ trình giá thị trường đã định sẵn, năm 2013 giá điện sẽ điều chỉnh ít nhất 1-2 lần trong mức độ cho phép. Việc tăng giá không trước thì sau đã đặt DN và người dân luôn “sống trong sợ hãi”.
 
Giá than đẩy giá điện
Ông Nguyễn Văn Biên- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)- cho biết, từ ngày 20.4.2013, Thủ tướng đã cho phép giá than bán cho điện tăng bằng 100% giá thành sản xuất than năm 2011 và tương đương với 84% giá thành sản xuất than năm 2013.
Với việc giá bán than cho điện tăng lên bằng 100% giá năm 2011, Vinacomin vẫn tiếp tục phải bù lỗ, nhưng đã giảm đi rất nhiều. “Ước tính với giá bán mới, trong năm 2013, Vinacomin sẽ thu thêm khoảng 2.000 tỉ đồng từ việc bán than cho điện”- ông Biên cho biết.
Trong khi đó, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), than chiếm khoảng 70% giá thành nhiệt điện than. Hiện, nguồn huy động nhiệt điện than xấp xỉ hơn 100 triệu kWh/ngày. Tỉ lệ nhiệt điện than chiếm khoảng 1/4 tổng cơ cấu nguồn điện phát, nên nếu giá than tăng lên sẽ tác động đến giá điện.
Ông Đinh Quang Tri- Phó Tổng giám đốc EVN- cho biết, EVN vẫn chưa tính toán cụ thể việc điều chỉnh giá điện sau khi giá than tăng.
Theo ông Tri, giá điện không chỉ căn cứ vào giá than mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: Giá nhiên liệu đầu vào khác, cơ cấu sản lượng điện, chênh lệch tỉ giá... cũng như định kỳ tính hằng tháng theo Quyết định 24 của Thủ tướng và thông tư 31 của Bộ Công Thương.
“Sau khi EVN tính toán, nếu thấy cần điều chỉnh sẽ báo cáo cụ thể với bộ, còn thời điểm này EVN chưa có kế hoạch gì về giá”- ông Tri nói.
Trong khi đó, theo ông Đặng Huy Cường- Cục trưởng Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương)- hiện Bộ Công Thương đang yêu cầu EVN tính toán, cân đối lại chi phí phát sinh sau khi giá than bán cho điện tăng. Căn cứ vào mức độ ảnh hưởng của giá than đối với giá thành sản xuất điện cũng như thực tế vận hành tháng vừa qua, lúc đó mới có lộ trình, kế hoạch điều chỉnh giá điện.
“Hiện, bộ đang đợi báo cáo từ EVN. Khi có báo cáo, bộ sẽ xem xét cụ thể về việc tăng giá điện”- ông Cường nói.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tuyên bố trên đây của EVN và nhà quản lý để trấn an dư luận, đồng thời cũng đánh động thử phản ứng tăng giá điện. Bởi ai cũng biết, nếu căn cứ theo quy định, các yếu tố đầu vào và nhu cầu điện đang tang, ắt giá sẽ tăng… Đó là tất yếu, không trước thì sau. Giá cả, lạm phát đang ổn thì giá điện càng dễ tăng.
Doanh nghiệp tiếp tục bị dồn ép
Một số chuyên gia kinh tế cho biết, việc điện tăng giá không chỉ tác động đến đời sống người dân mà càng khiến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.

Tổng giám đốc một Cty thép tại phía bắc cho biết, ngành thép hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi giá dầu madút (FO) dùng để sản xuất thép tăng lên 807 đồng/kg nhưng chưa được giảm, nên nếu điện tiếp tục tăng giá sẽ khiến các doanh nghiệp thép lâm vào tình cảnh “sống dở chết dở”.
Theo vị tổng giám đốc này, hiện giá điện chiếm khoảng 6% cơ cấu giá thành phôi thép, còn các thép thành phẩm khác chiếm gần 1%. “Trung bình 1 tấn thép cần khoảng 600kWh điện. Do đó, giá điện tăng bao nhiêu giá thành thép sẽ tăng bấy nhiêu. Chỉ cần giá điện tăng thêm 2% là doanh nghiệp đã chết chắc”- vị tổng giám đốc nói.
Theo Hiệp hội Ximăng Việt Nam, điện cho sản xuất ximăng có giá bình quân 2.300 đồng/kWh. Một tấn ximăng dùng khoảng 100kWh điện, nên tính ra hết khoảng 230 nghìn đồng/tấn. Nếu điện tăng thêm 5%, một tấn ximăng tăng thêm chi phí khoảng 13-15 nghìn đồng/tấn. Do vậy, việc tăng giá điện sẽ gây thêm áp lực lên các doanh nghiệp ximăng, bởi nhu cầu ximăng đang giảm nên không thể tăng giá bán.
Hơn nữa, với việc than tăng giá bán cho điện thêm khoảng 2.000 tỉ đồng, sẽ là cớ để EVN có lý do tăng giá điện. Trên thực tế, nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng cơ cấu nguồn điện, nên việc tăng giá than không thể là lý do chính để dẫn tới điện tăng giá.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, EVN đã tuyên bố nhiều yếu tố bất lợi cho giá điện (tình hình khô hạn diễn biến phức tạp, dự kiến sản lượng thủy điện thiếu hụt khoảng 1,2 tỉ kWh so với năm 2012; nguy cơ phải bù lại bằng điện chạy dầu và tăng tỉ lệ huy động nhiệt điện than...) nên EVN sẽ phải điều chỉnh tăng giá.
Ngoài ra, trong trường hợp tình hình khô hạn ở miền Trung kéo dài và khả năng thiếu khí, có thể EVN sẽ phải huy động 1,8-2,4 tỉ kWh điện chạy dầu để đảm bảo nhu cầu điện cho miền Nam. Nếu điều này xảy ra, theo tính toán, EVN sẽ phải bù khoảng 10.000 tỉ đồng và khoản lỗ này sẽ được phân bổ vào giá thành điện trong những lần tăng tiếp theo. Đó là chưa kể EVN vẫn còn khoản lỗ treo hơn 8.000 tỉ đồng của năm 2010 cộng với 26.000 tỉ đồng lỗ chênh lệch tỉ giá, đã được cho chủ trương bù đắp dần vào giá điện cho tới năm 2015.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, với quy định hiện hành, khi có biến động giá đến 5%, EVN sẽ được phép điều chỉnh giá điện. Nếu các yếu tố như tỉ lệ huy động nhiệt điện than, điện chạy dầu cao diễn ra cùng thời điểm với việc điều chỉnh giá than bán cho ngành điện, yếu tố đầu vào chắc chắn sẽ vượt trên 5%, lúc đó EVN hoàn toàn được phép tăng giá điện.
. Theo VNN

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Dân Trung Quốc lại biểu tình chống ô nhiễm nhà máy lọc dầu



PDF.
InEmail
Phuchoiacquy - Sau nhiều vụ biểu tình chống nạn ô nhiễm tại Trung Quốc, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện tại đất nước này. Hôm nay, báo Le Monde đăng bài phân tích, cho biết người dân tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc liên tục xuống đường phản đối dự án xây nhà máy lọc dầu và sản xuất hóa chất mà cư dân địa phương cho là sẽ tác hại đến môi trường.

Dân Côn Minh xuống đường phản đối dự án xây nhà máylọc dầu và sản xuất hóa chất paraxylene (REUTERS)
Theo báo Le Monde, với việc xây dựng nhà máy lọc dầu tại An Ninh, một thành phố nhỏ gần Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, 7 ngôi làng đã bị phá hủy và 3000 cư dân phải di tản. Mỗi hộ gia đình được đền bù 1100 nhân dân tệ (150 euro)/tháng/ người. Khoản đền bù này có thể kéo dài trong vòng một hoặc hai năm.
Từ sau các vụ xuống đường phản đối nạn ô nhiễm tại Côn Minh, người dân tại thành phố An Ninh cũng tự hỏi : « Người dân ở Côn Minh sống cách đây 30 km mà họ còn e ngại ô nhiễm gây tác hại đến sức khỏe. Vậy thì sức khỏe của chúng ta sẽ ra sao khi sống gần nhà máy độc hại này ? »
Nhà máy lọc dầu khổng lồ tại An Ninh có một vai trò chiến lược quan trọng, với tham vọng biến tỉnh Vân Nam thành một trung tâm thương mại và giao thông, nối liền Trung Quốc với Đông Nam Á. Với 45 triệu dân và giáp ranh với các nước Việt Nam, Lào, Miến Điện, tỉnh Vân Nam được chính phủ xem như điểm mấu chốt của sự phát triển trong tương lai.
Do đó, chính quyền đã hoạch định các dự án xây dựng đường sắt nối liền Côn Minh với Lào và Miến Điện. Đây được xem là bước đột phá đầy tính chiến lược của Trung Quốc bởi vì nhờ vào hệ thống giao thông này, Trung Quốc sẽ bớt lệ thuộc hơn vào eo biển Malacca, nơi trung chuyển phần lớn nhập khẩu dầu khí.

Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
Tờ báo điểm lại một số vụ biểu tình diễn ra tại Côn Minh phản đối ô nhiễm. Cuối tháng 3, người dân phát hiện dự án sản xuất paraxylene tại nhà máy lọc dầu, một loại hóa chất độc hại trong trường hợp nhà máy gặp sự cố. Từ đó, đã nổ ra ba cuộc biểu tình tại các thành phố ven biển như tại Hạ Môn vào năm 2007, Đại Liên (2011) và Ninh Ba (2012).
Ngày 04/05 vừa qua, hàng nghìn người dân Côn Minh đổ xuống đường đeo khẩu trang đen, giương biểu ngữ : « Tống chất paraxylene ra khỏi Côn Minh » hay « Đừng chấp nhận paraxylene ».
Tờ báo trích dẫn nhận định của một cư dân mạng, vốn quan tâm đến các vần đề về môi trường. Anh đã nêu bật một thực trạng không mấy khả quan : nhà máy lọc dầu không mang lại lợi ích gì cho người dân, về mặt công ăn việc làm cũng như giá cả xăng dầu, trái ngược hoàn toàn với những gì mà chính phủ đang vẽ ra. Đặc biệt, anh còn hay rằng nhà máy lọc dầu bị bộ Tài nguyên Môi trường chỉ trích đã khai gian các số liệu khí thải ô nhiễm và không sử dụng các phương tiện phòng ngừa ô nhiễm.
Trong những ngày sôi động chuẩn bị cho lần xuống đuờng phản đối ngày 16/05, chính quyền địa phương đã ra lệnh cho các trường đại học, các công ty quốc doanh, giới taxi và các tổ chức phi chính phủ (ONG) không được biểu tình. Bằng không, họ sẽ bị trừng phạt. Thế nhưng, người dân càng tức giận hơn vì họ ‘‘không còn tin tưởng nơi chính quyền’’ và cuộc biểu tình ngày 16/05 đã huy động đông đảo người tham gia.
Theo Le Monde, người dân Côn Minh nổi tiếng là ôn hòa, nhưng việc chính quyền địa phương cho xây cất liên tục mà không nghĩ đến lợi ích của dân, khiến cho người dân ‘‘tức nước vỡ bờ’’. Hơn nữa, Côn Minh có một truyền thống lâu đời bảo vệ sinh thái do có nhiều tổ chức phi chính phủ Trung Quốc và nước ngoài được đặt tại đây.
Tờ báo còn cho biết công an Trung Quốc đã « ghé thăm nhà của một nữ nhân viên kế toán, chuyên thông tin trên mạng Vi Bác (Twitter của Trung Quốc) về các cuộc biểu tình. Kết qủa là hai mẹ con đã bị gây khó dễ và tài khoản của cô đã bị khóa lại.
Tuy vậy, một cuộc biểu tình lớn khác được dự trù vào ngày 06/06 tới, một ngày biểu tượng vì chính quyền địa phương chọn ngày này để khai trương một hội chợ triển lãm nhằm quảng bá các kế hoạch phát triển đầy tham vọng của tỉnh Vân Nam.
RFI

Đe dọa láng giềng, Trung Quốc muốn làm mất uy tín Mỹ?




Bắc Kinh đang thử nghiệm việc đe dọa Nhật Bản, Philippin và Việt Nam bằng các hành vi hiếu chiến trong các vùng biển tranh chấp. Cuối cùng, Trung Quốc  muốn làm mất uy tín các liên minh an ninh của Mỹ, và loại bỏ hay giảm thiểu ảnh hưởng của Washington...



Jenny Lin là nghiên cứu viên tại Qũy Hòa Bình Sasakawa, Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS. Bà đã từng công tác tại Viện Dự án 2049, Trung tâm Nghiên cứu Quân sự Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia. (Mỹ). Bài viết được đăng trên CSIS. Tác giả Trần Quang dịch, đăng lại trên Nghiên cứu Biển Đông và website huyện đảo Hoàng Sa). Tiêu đề mới do infonet đặt.
Dường như Trung Quốc đang sử dụng chiến lược cổ có tên là “chiến lược đánh vu hồi”, một kế sách trong “Binh pháp Tôn Tử” bắt nguồn từ Kinh Dịch để hất cẳng Mỹ khỏi khu vực. Trong bối cảnh đó, Washington cần có chiến lược đối phó như thế nào?
Tại sao trong thời gian gần đây Chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngày càng trở nên hiếu chiến, tự tin và cương quyết hơn trong việc xử lý mối quan hệ của quốc gia này với Mỹ và các đồng minh của Mỹ? Câu trả lời có lẽ nằm trong một chiến lược cổ của Trung Quốc có tên là “chiến lược đánh vu hồi”, rút ra từ “”36 kế Binh pháp Tôn Tử” bắt nguồn từ Kinh Dịch.
Kế sách này đã được Mao Trạch Đông vận dụng trong tư duy chiến lược của mình, và gần đây truyền thông Trung Quốc đã thảo luận về chiến lược này, vì nó đã làm cho Nhật Bản phải khổ sở trong việc tranh chấp Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Việc sử dụng chiến lược này cho thấy Bắc Kinh đã đẩy quan hệ Trung – Mỹ đi đến chỗ đối kháng, khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCP) tìm mọi biện pháp làm giảm ảnh hưởng của Washington ở Châu Á.
Thứ nhất “chiến lược đánh vu hồi” giúp Trung Quốc làm rối loạn các đánh giá của đối phương; thứ hai, tạo ra và thúc đẩy các cuộc xung đột chính trị nội bộ bên trong đối phương; thứ ba, khoét sâu vào những xung đột nội bộ đang tồn tại trong đối phương trước khi tiến hành một cuộc tấn công. Tuy nhiên, mục tiêu của cuộc “tấn công” này không nhất thiết là CCP/PLA (Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân) sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để chống lại Mỹ trong tương lai gần; mà Bắc Kinh đang tận dụng mọi ưu thế, gây sức ép với Mỹ để thay đổi đổi cán cân lực lượng giữa hai quốc gia này. Từ đó cho thấy, Trung Quốc đang thực hiện cả ba bước trong chiến lược.
Bắc Kinh cho rằng Mỹ vừa là mối đe dọa lớn nhất tới an ninh quốc gia của Trung Quốc, vừa là một cường quốc đang suy giảm. Theo tướng Zhang Qinsheng, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) những thách thức chủ yếu của Trung Quốc là các mối đe dọa đến chủ quyền và tính chính danh của quốc gia này, cũng như chủ nghĩa ly khai. Hồ Cẩm Đào đã cảnh báo về những nỗ lực của bá quyền nhằm thúc đẩy các phong trào ly khai và xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi, Tập Cận Bình quyết tâm đưa Trung Quốc tiến lên “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” với tư duy chiến lược của Mao với trọng tâm – một cuộc đấu tranh chống bá quyền bằng cách thống nhất các nước thế giới thứ ba.
Quan điểm về việc Mỹ đang suy giảm xuất hiện từ năm 2001. Theo truyền thông Trung Quốc như Tân Hoa xã và Nhân dân Nhật Báo, “Sự đi xuống của Mỹ không còn là dự đoán vô căn cứ”. Các báo này cho rằng sức mạnh của Mỹ sẽ tiếp tục suy giảm và Mỹ chắc sẽ không thể dựa vào bá quyền của mình”. Truyền thông Trung Quốc đã nghiên cứu các nguyên nhân khiến Mỹ đi xuống, khả năng đánh đổ bá quyền Mỹ, và tìm cách để Trung Quốc đạt được vị thế siêu cường.
Để triển khai hiệu quả “chiến lược đánh vu hồi”, Trung Quốc phải hoàn thành những tiền đề nhất định – đạt được sự ổn định nội bộ, cùng với sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự - trước khi cạnh tranh với các cường quốc khác. Từ khi Đặng Tiểu Bình mở cửa Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt được những bước tiến lớn trong việc xây dựng sức mạnh quốc gia thông qua tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa quân đội. Đến năm 2015, Trung Quốc sẽ hoàn thành kế hoạch Năm năm lần thứ 12 của mình. Tận dụng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 11% trong giai đoạn 2006-2010, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường số tài sản quốc gia, sản xuất nông nghiệp, và cấp tiền cho những phát minh về công nghệ vũ trụ, siêu máy tính, các hệ thống vũ khí và đường sắt cao tốc.
Sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng đã củng cố nhân định của Bắc Kinh rằng Trung Quốc đã đạt được vị thế nước lớn và đáp ứng đủ những tiền đề để triển khai “chiến lược đánh vu hồi”. Nhận thức về việc Trung Quốc đang nổi lên thành một siêu cường bắt đầu xuất hiện từ những năm 2000. Truyền thông Trung Quốc, như Tân Hoa xã, coi việc sở hữu tàu sân bay như một biểu tượng của vị thế siêu cường, trong khi những người khác cho rằng sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự vững mạnh mới đem lại vị thế siêu cường cho một quốc gia. Vào tháng 9 năm 2012, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã được đưa vào hoạt động, và Bắc Kinh muốn phá vỡ “một trụ cột tạo nên vị thế siêu cường của Mỹ” bằng việc trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới.
Bước đầu tiên trong “chiến lược đánh vu hồi” có thể được tiến hành: làm đối phương rối loạn trong việc đánh giá tình hình. Washington gần đây liên tiếp bị bất ngờ trước sự phát triển nhanh chóng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách có xu hướng chỉ dựa vào những số liệu công khai để đánh giá mà không thực sự hiểu được tư duy chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo một bản báo cáo gửi đến Uỷ ban Đánh giá Quan hệ An ninh và Kinh Tế Mỹ – Trung năm 2012, chính phủ Mỹ và hầu hết các nhà phân tích đã bỏ qua tầm quan trọng của các tàu ngầm tấn công và máy bay tàng hình mới của Trung Quốc cũng như hệ thống tên lửa chống vệ tinh và tên lửa tiêu diệt tàu sân bay của nước này. Hậu quả từ việc không biết rõ tiềm lực của đối phương có thể dẫn đến những tính toán sai lầm và thất bại trong hoạch định chiến lược.
Bước thứ hai trong “chiến lược đánh vu hồi” là tìm cách thúc đẩy những xung đột chính trị nội bộ của đối phương. Bằng chứng của điều này là sự chia rẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng an ninh của Mỹ. Bất chấp những rào cản pháp lý và lo ngại về an ninh, các công ty Mỹ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc và xóa bỏ những ưu đãi cho nước này để Bắc Kinh thúc đẩy một môi trường kinh doanh tốt hơn cho các công ty nước ngoài.
Hơn nữa, 89% công ty Mỹ hoạt động có lợi nhuận tại Trung Quốc năm 2011 đã buộc Mỹ phải nới lỏng với Bắc Kinh để bảo vệ lợi ích của mình. Trung Quốc cũng hưởng lợi từ sự tham gia của các công ty Mỹ bằng cách vi phạm luật sở hữu trí tuệ, xâm nhập vào không gian mạng của Mỹ cũng như dựa vào những hoạt động gián điệp để thu thập thông tin nhạy cảm và ăn cắp công nghệ. Việc thiếu sự phối hợp giữa chính quyền và các doanh nghiệp tư nhân Mỹ đang bị Trung Quốc khai thác cho mục đích kinh tế và chiến lược của nước này.
Bước thứ hai cũng nhằm tạo ra căng thẳng trong quan hệ của Mỹ với ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trung Quốc cố tình gây chia rẽ để đạt được ưu thế trong các cơ chế song phương. Với những công cụ song phương, Bắc Kinh có thể lôi kéo các bên bằng những lợi ích kinh tế trước mắt mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra, hoặc cưỡng bức các bên nhỏ hơn, hoặc yếu hơn trong khu vực cho mục tiêu dài hạn của nước này.
Trong bối cảnh môi trường an ninh Châu Á – Thái Bình Dương hiện nay, bước thứ ba – “tiến hành một cuộc tấn công” – là chiến lược dài hạn của Bắc Kinh nhằm loại bỏ ảnh hưởng của Washington. Trong tương lai gần, CCP/PLA sẽ không ngần ngại thể hiện sức mạnh quân sự với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực. Bởi vậy cho đến nay, Bắc Kinh đang thử nghiệm việc đe dọa Nhật Bản, Phi-líp-pin và Việt Nam bằng các hành vi hiếu chiến trong các vùng biển tranh chấp. Cuối cùng, Trung Quốc muốn làm mất uy tín các liên minh an ninh của Mỹ, và loại bỏ hay giảm thiểu ảnh hưởng của Washington.
Có nhiều cách để Mỹ có thể thể đối phó với “chiến lược đánh vu hồi” này. Thứ nhất, Washington phải giải quyết các vấn đề nội bộ của mình. Điều này có ý nghĩa quan trọng chống lại luận điệu nước Mỹ đang suy thoái. Hơn nữa, nước Mỹ phải đi đầu làm gương và kiểm soát tốt hơn mối quan hệ gần như là thù địch với Trung Quốc. Đồng thời Washington cũng cần nỗ lực giải quyết các vấn đề như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và không gian mạng, Washington cũng cần phải nhận thức được mục tiêu tăng cường sức mạnh, và muốn “hất cẳng” Mỹ ra khỏi Châu Á của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thứ hai, nước Mỹ nên cố gắng giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư nhân. Washington cũng cần đánh giá lại xem liệu các công ty Mỹ có thực sự đủ sức cạnh tranh trong một môi trường nơi mà các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức – có sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các thực thể công và tư. Mỹ nên phát triển kế hoạch cho các cơ chế dài hạn để tạo ra sự thống nhất này. Chính quyền tổng thống Obama nên tập trung vào các chính sách giúp khôi phục nền kinh tế nội địa và tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ. Thực ra, nước Mỹ đã có một sự khởi đầu tốt. Trong Thông điệp Liên Bang cuối tuần trước, Tổng thống Obama đặt mục tiêu khôi phục nền kinh tế Mỹ là ưu tiên hàng đầu.
Để đối phó với “chiến lược đánh vu hồi”, Washington phải ghi nhớ rằng bản chất của chiến lược này là nhằm làm giảm sức mạnh đối phương trước khi tấn công. Do chiến lược này được sử dụng để chống lại đối phương mạnh hơn nên thận trọng chính là bước đầu tiên để đối phó với chiến lược này. Mỹ cần nhận ra những yếu điểm nội tại và khắc phục một cách kịp thời. Washington cũng nên phát triển “chiến lược đánh vu hồi” của riêng mình, bao gồm các hoạt động phản gián và khiến CCP phải trả giá đắt cho các hoạt động đánh cắp thông tin và công nghệ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cách hành xử của CCP/PLA và “chiến lược đánh vu hồi” hiện nay, Mỹ và Trung Quốc có lẽ sẽ không thể phát triển một mối quan hệ mang tính xây dựng nếu CCP) không chịu từ bỏ mục tiêu chiến lược làm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Tác giả: Jenny Lin, Người dịch: Trần Quang (Infonet)