Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Tổng quan về thị trường điện Việt Nam (Kỳ 1)



Phuchoiacquy - Mục tiêu chính của thị trường điện là giảm giá điện thông qua sự cạnh tranh. Ở nước ngoài, thị trường điện cạnh tranh hình thành do công ty phát điện phụ thuộc vào những công ty giá cả và khách hàng của họ. Tại Việt Nam, thị trường hoá là một xu hướng tất yếu để định hình lại hiện trạng ngành điện của nước nhà.
Thạc sỹ Nguyễn Hữu Khoa
Thị trường điện lực Việt Nam được định hướng phát triển theo ba giai đoạn: giai đoạn 1, thị trường phát điện cạnh tranh giữa các nguồn máy phát (2005-2014); giai đoạn 2, thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015-2022); giai đoạn 3, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (từ sau 2022).
Theo đó, mô hình trong giai đoạn 1 sẽ là mô hình cạnh tranh chào giá giữa các nhà máy điện, công ty phát điện với một người mua duy nhất là EVN trong giai đoạn này. Các giai đoạn 2 và 3 tiếp theo sẽ là bước phát triển tiếp theo để hình thành thị trường bán buôn phân hoá mạnh mẽ hơn các thành phần, cuối cùng là thị trường bán lẻ tự do.
Trong quá trình thị trường hoá ngành điện sẽ nảy sinh ra các vấn đề khó khăn, nhất là về quản lý, cơ chế, thủ tục chào giá bán và mua điện, đảm bảo an ninh cho hệ thống điện.
Tổng quan về thị trường điện
Điện năng là một loại hàng hoá đặc biệt. Quá trình kinh doanh điện năng bao gồm 3 khâu liên hoàn: Sản xuất - Truyền tải - Phân phối điện năng xảy ra đồng thời, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ không qua một khâu thương mại trung gian nào. Điện năng được sản xuất ra khi đủ khả năng tiêu thụ vì đặc điểm của hệ thống điện là ở bất kỳ thời điểm nào cũng có sự cân bằng giữa công suất phát ra và công suất tiêu thụ.
Chúng ta nên lưu ý rằng: Ngành điện của hầu hết các quốc gia đều xuất phát độc quyền.
1. Mô hình công ty điện lực độc quyền liên kết dọc truyền thống
Mô hình công ty điện lực độc quyền liên kết dọc được hình thành và phát triển dựa trên những đặc trưng riêng của sản phẩm điện năng và lý thuyết về hiệu quả kinh tế theo quy mô của tổ chức, lý thuyết về chi phí giao dịch áp dụng vào ngành điện.
Mô hình này về lý thuyết là giảm thiểu được các chi phí cố định, chi phí giao dịch, phối hợp tốt nhất giữa đầu tư, vận hành, khai thác, từ đó dẫn đến:
Thứ nhất, chi phí đầu tư phát triển là tối ưu nhất.
Thứ hai, công tác quản lý kỹ thuật, công tác điều độ, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống điện là ưu việt bởi cùng chịu sự điều hành, chi phối của một ông chủ.
Các công ty điện lực có nghĩa vụ cung ứng điện đến mọi khách hàng trên địa bàn phục vụ kể cả các phụ tải ở xa như: khu dân cư, miền núi, hải đảo hoặc vùng nông thôn.
Ngược lại, khách hàng không có cơ hội về quyền lựa chọn người bán điện cho mình mà chỉ mua điện từ một công ty độc quyền.
Trong cơ chế này, các công ty điện lực cũng chủ trì tham mưu, đề xuất về cơ chế chính sách quản lý nhà nước về các hoạt động điện lực.
Mô hình công ty điện lực độc quyền liên kết dọc truyền thống 
Hình 1 Mô hình công ty điện lực độc quyền liên kết dọc truyền thống
Tuy nhiên, cho đến những năm đầu thập niên 1970, mô hình công ty điện lực truyền thống đã bắt đầu bộc lộ các khuyết điểm:
Một là: Giá bán điện bao gồm chi phí giá thành và chi phí đầu tư hệ thống điện đã làm cho khách hàng dùng điện phải trả giá cho những công trình đầu tư không hiệu quả, hay sự lạc hậu của thiết bị và công nghệ.
Hai là: Cơ chế độc quyền đã không tạo động lực để các công ty điện lực giảm giá thành, tăng lợi nhuận và nhất là không phải xây dựng các chiến lược cạnh tranh giành thị trường.
Ba là: Các ngành công nghiệp được điều chỉnh theo truyền thống thường dẫn đến giá điện cao.
Bốn là : Trợ giá chéo giữa các loại khách hàng tạo nên sự hoạt động kém hiệu quả.
Kết quả là ngành điện lực có hiệu quả sản xuất kinh doanh và hiệu quả đầu tư không cao.
2. Xu hướng cấu trúc lại ngành công nghiệp điện
Ở nhiều nước trên thế giới, công nghiệp điện đang chuyển dần về hướng cạnh tranh và thị trường điện đang thay thế phương pháp vận hành truyền thống. Mục tiêu chính của thị trường điện là giảm giá điện thông qua sự cạnh tranh. Những công ty phát điện phụ thuộc những đề xuất sản xuất của những công ty giá cả và khách hàng của họ và vì thế thị trường điện được hình thành dưới môi trường thị trường cạnh tranh.
Những nhân tố ảnh hưởng đến sự thay đổi là kỹ thuật công nghệ, sự thay đổi quan điểm chính trị, luật điện lực, thuế quan, điều kiện tài chính, chất lượng điện năng. . .
3 Thị trường điện - quy luật cung cầu
Có nhiều định nghĩa khác nhau về thị trường, ở mức độ đơn giản, thị trường được hiểu như nơi tập hợp các sự thảo mãn lẫn nhau giữa những người có nhu cầu bán và nhu cầu mua. Trong thị trường, người bán có thể là người trực tiếp làm ra sản phẩm, dịch vụ hoặc có người trung gian giữa người mua và người sản xuất.
Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy, nếu vì lý do gì đó, một loại hàng hoá chỉ có một nhà cung ứng, người tiêu dùng không có cơ hội lựa chọn, nguyên nhân và động lực cạnh tranh không có, giá thành hàng hoá không giảm…
Thị trường điện cạnh tranh là thị trường mà trong đó sản phẩm điện năng phải được bán bởi nhiều nhà cung ứng khác nhau. Như vậy, khâu sản xuất điện năng muốn có thị trường cạnh tranh thì các nhà máy điện phải thuộc sở hữu nhiều công ty khác nhau thay vì trực thuộc một công ty duy nhất quản lý và điều hành.
Khâu truyền tải và phân phối có đặc điểm là: trên một mặt bằng địa lý không thể để nhiều công ty cùng xây dựng nhiều lưới điện truyền tải và phân phối, do đó có thể chấp nhận một công ty độc quyền cung ứng dịch vụ này. Khâu kinh doanh điện năng muốn có cạnh tranh thì phải tạo cơ chế để có nhiều nhà cung ứng cùng tham gia thị trường.
Cơ chế cung - cầu trong thị trường điện: phân tích cung cầu là một biện pháp cơ bản và đầy hiệu quả, có thể áp dụng cho rất nhiều vấn đề quan trọng và thú vị, như là dự đoán được tình hình kinh tế thay đổi tác động lên giá cả thị trường và nền sản xuất như thế nào.
Trong thị trường điện:
- Cầu là sản lượng điện năng cần thiết cung cấp cho các nhà truyền tải (cấp 1) - phân phối (cấp 2) và các nhà tiêu thụ.
- Cung là tổng năng lượng điện mà nhà sản xuất cung ứng cho thị trường.
Quy luật cung cầu trong thị trường điện:
Theo kinh tế học đặc tuyến cầu và cung cắt nhau tại một điểm gọi là điểm cân bằng giữa giá cả và số lượng. Điểm này gọi là điểm cân bằng thị trường. Cơ chế thị trường là xu hướng để cho giá cả thay đổi cho đến khi thị trường thăng bằng (có nghĩa là cho đến khi lượng cung cân bằng với lượng cầu).
đặc tuyến cung cầu thị trường điện
Công suất phát
Hình 2 đặc tuyến cung cầu
4 Các thành phần của thị trường điện
Tùy theo cấu trúc và điều kiện mà mỗi thị trường có thể có các thành phần sau:
- Công ty phát điện (Gencos): có trách nhiệm phát công suất lên hệ thống theo kế hoạch được xác định bởi thị trường.
- Công ty phân phối (Discos) và những nhà bán lẻ (Retailers): Discos sở hữu hệ thống phân phối và cung cấp những dịch vụ phân phối điện, retailers xuất phát từ Discos và cung cấp điện đến khách hàng đầu cuối.
- Công ty truyền tải (TOs - Transmission Operators): trong thị trường điện, hệ thống truyền tải thường vẫn thuộc sở hữu của nhà nước (hoặc những công ty quốc doanh). Cơ quan vận hành hệ thống truyền tải đối xử công bằng với tất cả những người sử dụng mạng. Ngoài ra cơ quan vận hành hệ thống truyền tải còn quản lý và cung cấp những dịch vụ phụ thuộc.
- Cơ quan vận hành hệ thống độc lập (ISO - Independent System Operator): là tổ chức tối cao điều khiển thị trường điện. Điều kiện cơ bản của ISO không được liên kết với bất kỳ người tham gia thị trường điện và không được đầu tư tài chính vào hệ thống phát điện và hệ thống phân phối.
Trong một số trường hợp, cơ quan vận hành hệ thống được tách khỏi cơ quan vận hành thị trường điện. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp hai cơ quan này là một và do ISO quản lý.
Ba đối tượng mà ISO hướng đến đó là: giữ an ninh hệ thống, đảm bảo chất lượng dịch vụ và nâng cao hiệu quả kinh tế. Trên cơ sở đó người vận hành hệ thống độc lập có các chức năng như sau:
a. Chức năng vận hành hệ thống điện: vận hành hệ thống theo kế hoạch và điều khiển hệ thống theo thời gian thực.
b. Chức năng quản trị thị trường điện: có hai dạng thị trường điện, thị trường chung và thị trường theo hợp đồng (giao dịch song phương hoặc đa phương). Các giao dịch mua bán được thực hiện bởi trung tâm giao dịch (PX) hoặc trung tâm giao dịch và vận hành hệ thống độc lập (PX-ISO).
c. Chức năng dự phòng những dịch vụ phụ thuộc.
d. Chức năng dự phòng mức độ linh động truyền tải.
-Trung tâm giao dịch (PX - Power Exchange): là nơi tập trung mọi thông tin về điện, nơi những nhà cung cấp và nhu cầu về điện gặp gỡ và đặt giá điện. Thông tin thị trường có thể thay đổi từ 5 phút đến 1 tuần hoặc lâu hơn, thường là thị trường định giá điện ngày hôm sau. Thị trường ngày hôm sau có lợi thế là dễ dàng cân bằng cung cầu trong thời gian ngắn.
Chức năng và nhiệm vụ của PX:
- Tạo ra một môi trường cho những công ty phát, khách hàng đặt giá bán, mua điện và cũng tại đây lượng cung cầu sẽ cân bằng.
- Đem lại một giá thị trường công bằng, những người tham gia chỉ phải trả tiền điện theo giá thị trường, giá điện sát với chi phí sản xuất biên.
Quá trình hoạt động của trung tâm giao dịch PX gồm các bước sau:
1. Nhận thông tin đặt giá từ người sản xuất điện và khách hàng mua điện.
2. Phân tích và tính toán giá thị trường.
3. Cung cấp kế hoạch cho ISO hoặc người vận hành hệ thống truyền tải.
4. Xây dựng sẵn kế hoạch điều chuyển hệ thống khi có tình trạng quá tải.
- Công ty môi giới (SCs - Scheduling Coordinators): trung gian môi giới và tập hợp những người tham gia giao dịch. Tự do sử dụng những giao thức trong phạm vị luật.
NLVN
>> Kỳ 2: Các mô hình thị trường điện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét