Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Chiến tranh năng lượng hay những điểm nóng trong kỷ nguyên địa - năng lượng? (Kỳ 3)


Với sự khám phá các trữ lượng dầu và hơi đốt, Biển Nam Hải đã trở thành một vùng tranh chấp quốc tế. Ít ra vài quốc gia lân cận cũng đang tranh giành chủ quyền một số hải đảo trong khu vực giàu năng lượng, nhất là Trung Quốc đang đòi chủ quyền trên toàn bộ khu vực, và có dấu hiệu sẵn sàng sử dụng các biện pháp quân sự  để xác định quyền áp đảo của riêng mình.



Vùng biển Đông Nam Á


Biển Đông Nam Á là một bộ phận của Tây Thái Bình Dương với Trung Quốc phía Bắc, Việt Nam phía Tây, Philippin phía Đông, và đảo Brunei (chia sẻ với Brunei, Indonesia, và Malaysia) về phía Nam.

Vùng Nam Hải cũng bao gồm hai quần đảo ít dân cư là Hoàng Sa và Trường Sa. Từ lâu, đây là những vùng đánh cá quan trọng, cũng là tuyến đường các thương thuyền qua lại giữa Đông Á và châu Âu, Trung Đông, và châu Phi.

Gần đây, tầm quan trọng của cả hai quần đảo đã gia tăng như một vùng nhiều tiềm năng dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên, với những trữ lượng lớn dưới lòng đất trong những khu vực chung quanh Hoàng Sa và Trường Sa.

Với sự khám phá các trữ lượng dầu và hơi đốt, Biển Nam Hải đã trở thành một vùng tranh chấp quốc tế. Ít ra vài quốc gia lân cận cũng đang tranh giành chủ quyền một số hải đảo trong khu vực giàu năng lượng, nhất là Trung Quốc đang đòi chủ quyền trên toàn bộ khu vực, và có dấu hiệu sẵn sàng sử dụng các biện pháp quân sự để xác định quyền áp đảo của riêng mình.

Vì thế, từ thái độ của Trung Quốc đã đưa đến xung đột với các quốc gia lân bang, kể cả vài quốc gia có quan hệ quân sự chặt chẽ với Hoa Kỳ. Chính vì vậy, một tranh giành va chạm riêng trong khu vực, lúc đầu chỉ liên hệ đến Trung Quốc và các thành viên khối ASEAN, nay đã có tiềm năng trở thành một xung đột giữa hai siêu cường hàng đầu - Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Nhằm bảo vệ lập trường, Brunei, Philippin, Malaysia, và Việt Nam, đã và đang nỗ lực tìm kiếm một đồng thuận ASEAN, tin tưởng cách tiếp cận tập thể sẽ đem lại tiếng nói chung với trọng lượng lớn hơn tiếng nói riêng lẻ của mỗi quốc gia đối với Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc đã nhấn mạnh các tranh chấp phải được giải quyết song phương, trong đó Trung Quốc dễ sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để chi phối. Trong khi đó, Hoa Kỳ, giờ đây không còn bị buộc chân ở Iraq và Afghanistan, cũng đã có thể nhập cuộc và dành trọn hậu thuẫn cho các nước ASEAN trong nỗ lực thương thuyết tập thể với Bắc Kinh.

Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Yang Jiechi, đã vội vã cảnh cáo Hoa Kỳ không nên can thiệp vào tình hình ở Biển Đông. Yang Jiechi tuyên bố: "bất cứ hành động can thiệp nào sẽ chỉ làm vấn đề thêm phức tạp và khó giải quyết." Hậu quả tức thì là cuộc đấu khẩu, lời qua tiếng lại, giữa Bắc Kinh và Hoa Kỳ.

Trong cuộc viếng thăm thủ đô Trung Quốc, tháng 7-2011, Chủ tịch Bộ Tham mưu Liên quân, Đề đốc Mike Mullen đã đưa ra lời đe dọa không úp mở khi đề cập hành động quân sự khả dĩ trong tương lai. Mullen đã phát biểu: "Âu lo, trong những âu lo của cá nhân tôi, là những biến động bất ngờ tiếp diễn có thể khởi động một tính toán sai lầm, và một bùng phát không ai có thể tiên liệu".

Nhằm chứng tỏ lập trường cương quyết của mình, Hoa Kỳ đã công khai tổ chức một loạt các cuộc thao diễn quân sự ở ngay Biển Nam Hải, kể cả các cuộc diễn tập hỗn hợp với các tàu chiến Việt Nam và Philippin. Không để Mỹ qua mặt, Trung Quốc đã đáp trả với những cuộc thao diễn hải quân của chính mình. Đó quả thật là một phương thức hoàn hảo cho những biến động bất ngờ trong tương lai.

Biển Nam Hải từ lâu đã luôn trên màn ảnh ra đa thám sát của những ai đang theo dõi tình hình châu Á, nhưng chỉ thu hút sự chú ý toàn cầu khi, trong cuộc công du đến Australia tháng 11-2011, Tổng thống Obama đã loan báo một cách ngắn gọn: chiến lược mới của Hoa Kỳ nhằm trực diện uy lực Trung Quốc ở châu Á và Thái Bình Dương.

Trước Nghị viện Úc ở Canberra (Úc), Obama đã tuyên bố: "Trong khi hoạch định và soạn thảo ngân sách tương lai, chúng tôi sẽ phân bổ tài nguyên cần thiết để duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của chúng tôi trong vùng này". Một điểm then chốt trong chiến lược mới là nhằm bảo đảm "an ninh hàng hải" trong vùng Biển Nam Hải.

Từ Australia, Tổng thống Obama cũng đã tuyên bố thiết lập một căn cứ Hoa Kỳ mới ở Darwin trên bờ biển Bắc Úc, cũng như mở rộng quan hệ quân sự với Indonesia và Philippin. Cùng một chiều hướng, trong tháng 1 năm 2012, Tổng thống Obama, khi đến Lầu Năm góc đã thảo luận những thay đổi trong chiến lược quân sự Mỹ trên thế giới, đặc biệt nhấn mạnh kế hoạch khẳng định uy lực Hoa Kỳ trong khu vực châu Á, nhất là Đông Nam Á.
Tất nhiên, Trung Quốc cũng sẽ có những bước đối kháng riêng không kém cương quyết, nhằm bảo vệ quyền lợi ngày một gia tăng trong vùng Nam Hải.

Tuy nhiên, những bước đáp trả này sẽ dẫn đến đâu, đến nay vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, sau Eo Biển Hormuz, Nam Hải có thể là một nút thắt năng lượng toàn cầu khác, nơi những lỗi lầm hay thách thức nhỏ bé có thể dẫn đến những va chạm đối đầu ngày một lớn và cực kỳ nguy hiểm trong năm 2012 và những năm kế tiếp.

Vietsciences.free.fr

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét