Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Chiến tranh năng lượng hay những điểm nóng trong kỷ nguyên địa - năng lượng? (Kỳ 1)



Trong thế giới dầu sôi lửa bỏng hiện nay, một biến động tình cờ ở một địa điểm giàu năng lượng nào đó cũng đủ làm cả khu vực lên cơn sốt, gây đau thương tang tóc, giá dầu tăng vọt, và kinh tế toàn cầu lâm nguy. Thực vậy, với cầu năng lượng ngày một lên cao, cung năng lượng ngày một cạn kiệt, trong thực tế, nhân loại đang bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên địa - năng lượng. Trong đó, những tranh chấp các tài nguyên khan hiếm đang che mờ mọi sinh hoạt khác trên thế giới.


Eo biển Hormuz là tuyến đường biển quan trọng đối với việc vận chuyển dầu mỏ.

Ngay từ những ngày đầu năm 2012, năng lượng và xung đột đã luôn buộc chặt vào nhau, đem lại tầm quan trọng ngày một gia tăng cho những vùng địa - năng lượng trong thế giới tài nguyên then chốt ngày một hạn chế.
Bắt đầu với Eo biển Hormuz, một eo biển (đề tài hàng đầu của báo chí) đang làm rung chuyển các thị trường năng lượng khi năm mới 2012 bắt đầu. Nối liền Vịnh Ba Tư với Ấn Độ Dương, Eo Biển Hormuz thiếu những nét đặc trưng của Rock of Gibraltar hay Golden Gate Bridge (Rock of Gibraltar là một con ngựa đua vô địch thế giới; Golden Gate Bridge là một cây cầu treo bắc qua Golden Gate, nối Vịnh San Francisco vào Thái Bình Dương).
Tuy nhiên, trong một thế giới nhạy cảm với vấn đề năng lượng, Eo Biển Hormuz có thể có một ý nghĩa chiến lược lớn hơn bất cứ eo biển nào khác trên hành tinh. Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, mỗi ngày, các tàu dầu chuyển tải khoảng 17 triệu thùng dầu - 20% số cung toàn cầu đi qua eo biển quan trọng này.

Vì vậy, trong tháng 12-2011, khi một viên chức cao cấp Iran đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz để đáp lại các chế tài khe khắt của Washington, giá dầu lập tức tăng vọt. Trong khi giới quân sự Hoa Kỳ cam kết duy trì tự do lưu thông qua eo biển, sự nghi ngờ tính an toàn của việc chuyên chở dầu tương lai và những âu lo về một cuộc khủng hoảng có tiềm năng lâu dài giữa Washington, Tehran, và Tel Aviv, đã khiến các chuyên gia năng lượng tiên đoán giá dầu sẽ lên cao trong những tháng năm sắp tới - có nghĩa tai họa đối với nền kinh tế trì trệ toàn cầu thêm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Eo biển Hormuz cũng chỉ là một trong vài điểm nóng, những nơi năng lượng, chính trị, và địa lý đang trộn lẫn một cách nguy hiểm trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Chúng ta cũng còn cần phải theo dõi tình hình vùng Đông và Nam Hải, vùng vịnh Caspian, và vùng Bắc Cực (Arctic) giàu năng lượng và băng đang tan. Trong tất cả các vùng đó, nhiều quốc gia đang tranh giành quyền kiểm soát khâu khai thác, khâu vận chuyển năng lượng, tranh luận về biên giới quốc gia, quyền lưu thông hàng hải, cũng như an ninh dọc những hệ thống ống dẫn dầu trên bộ.

Trong những năm sắp đến, các vùng cung cấp dầu và hơi đốt thiên nhiên và các tuyến đường vận chuyển năng lượng (tuyến dẫn dầu, cảng xuất nhập khẩu năng lượng, các lộ trình các tàu dầu) sẽ là những địa danh, những ranh giới then chốt trên bản đồ chiến lược toàn cầu.

Những vùng sản xuất nòng cốt, như Vịnh Ba Tư, sẽ luôn giữ vị trí quyết định. Cũng không kém phần quan trọng là những nút nghẽn hay nút cổ chai như Eo biển Hormuz, Eo Biển Malacca giữa Ấn Độ Dương và Biển Nam Hải, và các mạng thông tin đường biển, thường được các chiến lược gia hàng hải gọi tắt SLOC - điểm nối kết các khu vực sản xuất với thị trường hải ngoại.

Các nước lớn như: Hoa Kỳ, Liên Bang Nga, và Trung Quốc sẽ tái cơ cấu quân lực để đối phó với chiến tranh trong các địa điểm vừa nói.

Chúng ta đã có thể thấy điều này trong tài liệu Hướng dẫn chiến lược Quốc phòng "Duy trì quyền lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ" được tiết lộ tại Lầu Năm góc, ngày 5-1-2012 của Tổng thống Obama và Bộ Trưởng Quốc phòng Leon Panetta.

Trong khi buộc lòng phải chấp nhận một lực lượng bộ binh và thủy quân lục chiến bé nhỏ hơn, tài liệu hứa hẹn tăng cường khả năng không quân và hải quân, nhất là những lực lượng nhằm bảo vệ hay kiểm soát các mạng lưới năng lượng và mậu dịch quốc tế. Mặc dù chỉ tái xác nhận các quan hệ của Hoa Kỳ với châu Âu và Trung Đông một cách chiếu lệ, chiến lược mới đã đặt nặng chính sách tăng cường quân lực Hoa Kỳ trong "vùng vòng cung từ Tây Thái Bình Dương và Đông Á đến Ấn độ Dương và Nam Á".

Trong kỷ nguyên địa - năng lượng mới, các khâu kiểm soát và vận chuyển năng lượng đến thị trường luôn là nguyên nhân chính đưa đến khủng hoảng toàn cầu thường hay tái diễn. Trong năm nay, ba điểm nóng năng lượng: Eo biển Hormuz, Biển Nam Hải, và vùng Vịnh Caspian cần được đặc biệt lưu tâm.

vietsciences.free.fr
>> Kỳ 2: Eo biển Hormuz

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét