Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Thiết bị phục hồi, tăng tuổi thọ ắc qui - Battery Booster


Phuchoiacquy - Battery Booster đã chính thức nhận bằng sáng chế tại Hàn Quốc và được mang nhãn hiệu BENMAR tại Việt Nam.
Battery Booster được thiết kế với kích cỡ 10x7.8x2.3 nặng 145g, sản phẩm được thiết kế với vỏ được làm bằng nhựa PC và nhựa thông ABS an toàn trong môi trường có nhiệt độ cao.  Bên ngoài Battery Booster  là mặt chính với màn hình bằng chất liệu chịu nhiệt có độ bền chịu va đập.


Sản phẩm được thiết kế khá đơn giản, nhỏ gọn cùng bộ dây nối đồng không có độ axit đi kèm, đây là loại dây chuyên dùng cho audio nhằm ngăn tiếng ồn hoặc nhiễu để phát điện dễ dàng hoạt động (Nếu sử dụng loại dây thông thường thì hiệu quả sẽ giảm đáng kể).
Tính năng chủ yếu Battery Booster nhằm phục hồi ắc quy đã yếu, duy trì ổn định ắc quy mới; tăng công suất, tăng tính năng khởi động. Tăng chất lượng âm thanh, duy trì điện ổn định từ đó tăng khả năng chiếu sáng đèn pha. Sản phẩm có thể phán đoán máy phát điện có bất thường hay không để  tăng cường tính xạc, phóng điện, duy trì điện áp ổn định và ngăn dòng điện ngược.


Battery Booster được ứng dụng: Khi công suất ôtô yếu, bị rung mạnh và khó lên dốc; Khi ắc quy yếu; khi ô tô khó khởi động; khi chất lượng âm thanh không tốt ; khi đèn tối , ứng dụng cho tất cả các loại xe sử dụng ắc quy 12V. Tính năng nổi bật và sự khác biệt của thiết bị này là chỉ hoạt động với dòng điện từ 13V trở lên (khi động cơ và máy phát hoạt động), khi động cơ tắt thiết bị này cũng tắt theo, dùng dòng xung điện hợp lý để loại bỏ sunfat bám vào tấm điện cực sản sinh ra nước (làm tỷ trọng giảm, gây yếu phóng nạp của ắc quy). Battery Booster còn chuyển hóa sunfat thành chất điện giải làm tỷ trọng tăng và duy trì tỷ trọng nhất định (Tăng khả năng phóng, nạp của ắc quy).

Hiện nay, tất cả các Battery Booster nhập khẩu trực tiếp vào Việt Nam đều phải thông qua nhà phân phối. Ngoài ra, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả sẽ  tràn lan trên thị trường, tất cả các sản phẩm Battery Booster chính hãng nhập khẩu trực tiếp vào Việt Nam đều có dán tem chống hang giả và gắn nhãn hiệu BENMAR chìm. Tất cả các sản phẩm không dán tem hoặc có dán các loại tem không rõ nguồn gốc khác sẽ không đảm bảo là hàng thật.

(Autonet)

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Pin ắc quy Miền Nam không hoàn thành đủ 50% kế hoạch năm


Phuchoiacquy - CTCK Pin Ắc quy Miền Nam (PAC) chỉ đạt 55,06 tỷ đồng sau khi kết thúc quý 3, hoàn thành 47,88% kế hoạch năm 2012.

CTCK Pin Ắc quy Miền Nam (PAC) vừa thông báo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3. Theo đó, doanh thu thuần quý 3 đạt 470,28 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 3%. Lợi nhuận sau thuế đạt 14,23 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, công ty đạt doanh thu thuần là 1.290,8 tỷ đồng, giảm 13,98%. Lợi nhuận sau thuế đạt 41,3 tỷ đồng, giảm 44,5% so với 9 tháng năm 2011.
So với con số 115 tỷ đồng lợi nhuận trước thế được Đại hội đồng cổ đông đề ra, PAC chỉ đạt 55,06 tỷ đồng sau khi kết thúc quý 3, hoàn thành 47,88% kế hoạch năm 2012.
NDHMoney

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

“Bước đột phá” trong công nghệ hạt nhân toàn cầu (Kỳ 1)


Phuchoiacquy - Điều mà công ty GA muốn công bố với toàn thế giới là, mô hình lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới của họ - lò phản ứng hạt nhân theo thiết kế EM2, sẽ thoát khỏi tư duy thiết kế của tất cả các thế hệ lò phản ứng hạt nhân từ trước đến nay. Đây mới thực sự là “bước đột phá” trong công nghệ hạt nhân của nhân loại…


Liệu mô hình lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ đã trở thành “chuyện ngày hôm qua”?
Mô hình lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ cổ điển
Kể từ mô hình lò phản ứng hạt nhân đời đầu được thiết kế và xây dựng trong thập niên 1950. Trước nhu cầu và tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn của thời đại mới, thì những phát minh trong công nghệ xây dựng và thiết kế lò phản ứng hạt nhân, đang là điều mà nhân loại thực sự mong chờ.
Ông Adm. Hyman G. Rickover, nhà khoa học quân sự người Mỹ, cha đẻ của các thiết kế tàu chiến sử dụng năng lượng hạt nhân, đồng thời ông cũng là một trong những nhà khoa học nổi tiếng trong công nghệ hạt nhân dân sự, tin tưởng rằng, công nghệ xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới trong tương lai vẫn sẽ dựa trên công nghệ hiện tại.
Điển hình là thiết kế lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ (LWR), một trong những thành tựu “sáng giá” trong sự nghiệp của ông Rickover.
Nhận định của ông Rickover không phải là vô căn cứ, vì thiết kế lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ có thể dễ dàng tìm thấy thông qua các thiết kế của mô hình lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 2, 3, 3 + và cả một số mô hình lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 4 - mô hình được cho là công nghệ xây dựng lò phản ứng hạt nhân cho tương lai loài người.
Hiện nay, hầu hết các lò phản ứng hạt nhân trên thế giới đều là các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ.
Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, hiện nay trên thế giới có hơn 360 lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ, 40 lò phản ứng nước nhẹ khác đang trong quá trình xây dựng.
Các tên gọi như: Lò nước sôi ( BWR ), lò nước áp lực (PWR) và lò nước nặng (PHWR), đều là các thiết kế khác nhau của lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc công ty công nghệ hạt nhân General Atomics (GA), California, một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ tại Mỹ, lại cho rằng, công nghệ lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ đã là “chuyện ngày hôm qua”.
Theo họ, nếu dùng các phát minh của nhân loại để so sánh với công nghệ lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ, thì người ta sẽ liên tưởng ngay những công nghệ “đời đầu” của nhân loại như, phim đen trắng, máy bay sử dụng động cơ cánh quạt, máy tính bảng và điện thoại dây…
Công ty GA tự tin tuyên bố rằng, với phát minh đột phá về công nghệ xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới của mình, thì công ty sẽ khép lại thời kỳ mà nhân loại chỉ biết tới phát triển các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ trong suốt những thập kỷ vừa qua.

Mô hình thử nghiệm lò phản ứng hạt nhân MASLWR - mô hình lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 4 dựa theo thiết kế của lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ cổ điển
Hầu hết các phát minh trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng lò phản ứng hạt nhân toàn cầu lại chủ yếu xoay quanh việc cải tiến mô hình lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ, điển hình là các thiết kế mô hình lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3, 3+ được cải tiến, phát triển từ mô hình lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 2.
Đáng nói hơn là, ngay cả thế hệ lò phản ứng hạt nhân thứ 4, được kỳ vọng là sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho ngành năng lượng hạt nhân, thì một số thiết kế, phát minh mới gần đây của các công ty, tập đoàn khoa học công nghệ khác, dù có những bước tiến dài trong phát triển công nghệ hạt nhân, lại vẫn đi theo mô hình cơ bản của các thế hệ lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ thế hệ trước.
Vì nguyên nhân trên, mà điều công ty GA muốn công bố với toàn thế giới là, mô hình lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới của họ sẽ thoát khỏi tư duy thiết kế của tất cả các thế hệ lò phản ứng hạt nhân cũ trước đây.
Đây mới thực sự là thế hệ lò phản ứng hạt nhân thứ 4, bước “đột phá” của nhân loại trong lĩnh vực phát triển công nghệ thiết kế, xây dựng các lò phản ứng hạt nhân.
NLVN
Kỳ 2: Mẫu thiết kế EM2 “đột phá” của công ty GA

Hệ thống năng lượng và vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam (Kỳ 1)


Phuchoiacquy - Hệ thống năng lượng (HTNL) Việt Nam bao gồm các phân ngành năng lượng là điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân… trong đó ba phân ngành có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế quốc dân là điện, than, dầu khí. Bài viết sau đây sẽ trình bày một số kết quả nghiên cứu bước đầu về nhận diện những mối đe dọa ANNL và đề xuất một số vấn đề cần nghiên cứu giải quyết, nhằm đưa ra các giải pháp tăng cường ANNL của Việt Nam giai đoạn 2015- 2030.

Nguyễn Bình Khánh, Ngô Tuấn KiệtViện Khoa học năng lượng - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, HTNL đã có những bước phát triển không ngừng, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế đất nước.
Ngoài các đặc điểm chung như: các hệ thống năng lượng khác, những yếu tố đặc thù về địa lý, lãnh thổ và sự phân bố tài nguyên năng lượng cũng như trung tâm tiêu thụ năng lượng của HTNL Việt Nam có tác động lớn đến việc giải bài toán tối ưu phát triển HTNL và ANNL Việt Nam.
I. Hệ thống năng lượng Việt Nam
1. 1 Cân đối nguồn năng lượng sơ cấp
Việt Nam có tiềm năng khá đa dạng về nguồn năng lượng sơ cấp, với đầy đủ các nguồn than, dầu khí, thủy điện, năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt, biomass…), năng lượng hạt nhân, năng lượng biển… Nhiều nguồn năng lượng sơ cấp đã được đầu tư khai thác phục vụ nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng ở nước ta.
Tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2009, tăng trung bình 6,54%/năm và đạt 57 triệu TOE vào năm 2009 (trong đó, tiêu thụ than tăng trung bình 12,12%/năm, xăng dầu tăng 8,74%/năm, khí tăng 22,53%/năm, điện tăng 14,33%/năm, đạt 74,23 tỷ kWh năm 2009). Dự báo nhu cầu năng lượng cuối cùng của Việt Nam năm 2015 đạt 72,77 triệu TOE, các năm 2020, 2025 và 2030 tương ứng là 80,9; 103,1 và 131,16 triệu TOE.
Bảng 1: Cân bằng nhu cầu nguồn năng lượng sơ cấp giai đoạn 2015-2030
1.2 Hiện trạng và quy hoạch phát triển nguồn than
Nguồn than chủ yếu của Việt Nam là than Antraxit thuộc bể than Đông Bắc, nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, một phần thuộc tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Than Antraxit của Bể than Đông Bắc có chất lượng tốt (nhiệt trị 4.600-8.200 kcal/kg). Ngoài ra, vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ đã phát hiện bể than nâu được dự báo có trữ lượng khoảng 210 tỷ tấn. Kết quả thăm dò và khảo sát tới cuối năm 2010 của ngành than cho thấy, tổng trữ lượng than của Việt Nam ước khoảng 48,7.109 tấn (bao gồm than bể than Đông Bắc, khối nâng Khoái Châu của bể than đồng bằng Sông Hồng và các mỏ khác).
Bảng 2: Tài nguyên và trữ lượng nguồn than
(Nguồn: Quy hoạch phát ngành than Việt Nam đến 2020, xét đến 2030)
Theo quy hoạch phát ngành than Việt Nam đến 2020, xét đến 2030 thì đến năm 2015 nhu cầu than toàn bộ nện kinh tế là 63,330.106 tấn/năm (trong đó nhu cầu than cho điện là 31,8.106 tấn/năm) và sau năm 2015 lượng than nhập khẩu sẽ tăng nhanh.
Bảng 3: Dự kiến nhu cầu, khối lượng xuất, nhập khẩu than
(Nguồn: Quy hoạch phát ngành than Việt Nam đến 2020, xét đến 2030)
Ngành than đã đặt vấn đề khai thác nguồn than nâu của khu vực đồng bằng sông Hồng từ năm 2020. Tuy nhiên, việc khai thác bể than đồng bằng Sông Hồng vẫn còn nhiều vấn đề cần được làm rõ trước khi triển khai như: công nghệ và hiệu quả khai thác, tác động tiêu cực đến môi trường và giải pháp giảm thiểu...
1.3 Hiện trạng và quy hoạch phát triển nguồn khí
Theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến 2025, tổng trữ lượng dầu khí của Việt nam được đánh giá đạt khoảng (3,8 ÷4,2).109 tấn dầu quy đổi, trong đó khoảng (1,4÷1,5).109 dầu khí ngưng tụ và (2,4:2,7).1012 m3 khí thiên nhiên. Tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại tập chung chủ yếu ở vùng sâu, xa bờ như: bể Phú Khánh, vùng Tư Chính - Vũng Mây và các vùng chồng lần khác.
Tổng nguồn khai thác năm 2010 lên 14,6.109m3 năm 2015 và (14÷15,6).109 m3 năm 2020. Trong đó, khoảng (63÷68)% lượng khí nằm ở thềm lục địa phía Đông, chủ yếu ở các vùng Nam Côn Sơn và một phần đáng kể khí đồng hành ở bể Cửu Long.
Cho đến nay, tổng lượng khí có thể khai thác ở thềm lục địa Việt Nam dựa vào sử dụng là 150.109 khí. Trong tương lai, dự kiến có thể phát hiện thêm khoảng (100÷160).109 m3 khí nữa, nâng trữ lượng khí khu vực thềm lục địa lên (200÷250).109 m3 khí.
Hiện nay, mới chỉ có 2 vùng trữ lượng khí có thể khai thác từ 2000-2015 đó là bể Cửu Long với (30÷40).109 m3 khí và bể Nam Côn Sơn: (95÷100).109 m3 khí, hàng năm có thể cấp khoảng (15÷16).109 m3 khí cho phát điện. Lượng khí phục vụ cho các ngành khác chiếm dưới 20% tổng nhu cầu sản phẩm khí.
Dự kiến trong thời gian tới năm 2020, trữ lượng và khả năng khai thác khí tự nhiên của Việt Nam có thể đáp ứng được các nhu cầu sử dụng trong nước, nếu phải nhập khẩu thì lượng nhập khẩu không lớn và có thể nhập từ một số nước trong khu vực Đông Nam Á khi có đường ống khí đốt liên kết trong khối ASEAN.
1.4 Hiện trạng và quy hoạch phát triển nguồn dầu
Theo “chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025” và một số tài liệu khác đã xác định các mỏ phát hiện dầu khí được tìm thấy ở Việt Nam được tập trung ở 3 bể trầm tích lớn là: Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay - Thổ Chu, Phú Khánh. Trong đó, dầu thô được tìm thấy chủ yếu ở bể Cửu Long.
Theo kết quả đánh giá cuối năm 2010, tổng tiềm năng thu hồi dầu dự kiến khoảng 440 triệu TOE. Về khả năng khai thác dầu, năm 2004 sản lượng khai thác trong nước được 20,35.106 tấn và năm 2009 duy trì ở mức trên 16,0.106 tấn. Nếu không tìm ra được các nguồn dầu mới và không tính các nguồn dầu khai thác ở nước ngoài, thì sản lượng dầu mỏ khai thác được của Việt Nam được dự báo sẽ liên tục suy giảm và chỉ có khoảng 3.106 tấn/năm vào năm 2025.
Thời gian qua, dầu thô khai thác của Việt Nam chỉ phục vụ cho xuất khẩu do Việt Nam chưa có các nhà máy lọc dầu. Từ cuối năm 2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đã đi vào vận hành với công suất 6.5.106 tấn/năm, có thể đáp ứng 30% các sản phẩm xăng dầu trong nước.
Hiện nay Việt Nam cũng đang có kế hoạch đầu tư 2 dự án nhà máy lọc dầu mới là Nghi Sơn (công suất 10 triệu thùng/năm) và Long Sơn (công suất 10 triệu thùng/năm và có thể mở rộng lên công suất 20 triệu thùng/năm vào năm 2025).
Như vậy, nếu các nhà máy đúng tiến độ thì tới 2020, Việt Nam có thể không phải phụ thuộc vào các sản phẩm xăng, dầu nhập khẩu.
Tính đến năm 2010, Việt Nam không nhập khẩu dầu thô, tuy nhiên năm 2015 do nhu cầu dầu thô cho các nhà máy lọc dầu dự kiến xây dựng thì Việt Nam sẽ phải nhập khẩu dầu thô. Dự kiến nguồn nguyên liệu cho các nhà máy lọc dầu của Việt Nam trong giai đoạn 2012-2025 là từ các nước: KuweitVenezuela và Liên bang Nga.
1.5 Hiện trạng và quy hoạch phát triển nguồn điện
Hệ thống điện của Việt Nam chủ yếu gồm các nguồn thủy điện, nhiệu điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu. Ngoài ra, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào và Campuchia. Gần đây một phần nhỏ nguồn điện từ các nguồn năng lượng tại tạo như năng lượng gió; mặt trời; sinh khối… bắt đầu được đưa vào HTĐ.
Năm 2010 điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống quốc gia đạt 100,1 tỷ kWh, tăng 15,1% so với năm 2009, công suất cực đại (Pmax) toàn hệ thống năm là 15.500 MW. Tổng công suất đặt nguồn điện tính đến cuối năm 2010 là 21.250 MW, trong đó thủy điện chiếm tỷ trọng 38%, nhiệt điện 11%, TKB chạy khí & diesel 38%, nhiệt điện chạy khí 3%, nhiệt điện chạy dầu 4%, diesel và nguồn điện trong năm 2010 dao động trong khoảng (15.000-17.600)MW.
Nguồn thủy điện của Việt Nam phân bố ở khắp trên cả nước, tuy nhiên các nhà máy thủy điện công suất lớn chủ yếu được xây dựng ở các vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Dự kiến tới năm 2025, Việt Nam cơ bản khai thác hết nguồn thủy điện với tổng công suất lắp máy khoảng 21.000MW.
Các nhà máy nhiệt điện than có được xây dựng tập trung ở khu vực quanh bể than Quảng Ninh, vùng Đông Bắc và khu vực đồng bằng Sông Hồng. Các nhà máy điện dầu và khí hiện tập trung ở khu vực phía Nam, như trung tâm nhiệt điện Phú Mỹ, Cà Mau, Nhơn Trạch…
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTG ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, định hướng phát triển nguồn điện đến năm 2030 như sau:
Đến 2020, điện năng sản xuất và nhập khẩu khoảng 330 tỷ kWh. Tổng công suất nhà máy điện khoảng 75.000 MW, trong đó thủy điện chiếm 23,1%, thủy điện tích năng 2,1%, nhiệt điện than 48%, nhiệt điện chạy khí 16,5% (trong đó sử dụng LNG 2,6%), nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo 5,6%; điện hạt nhân 1,3% và nhập khẩu điện 3,1%.
Đến năm 2030, điện năng sản xuất và nhập khẩu khoảng 695 tỷ kWh. Tổng công suất các nhà máy điện khoảng 146.800 MW, trong đó thủy điện chiếm 11,8%, thủy điện tích năng 3,9%, nhiệt điện than 51,6%, nhiệt điện khí 11,8% (trong đó sử dụng LNG 4,1%); nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo 9,4%; điện hạt nhân 6,6% và nhập điện 4,9%
Về lưới truyền tải, hệ thống điện của Việt Nam hiện đang vận hành ở các cấp điện áp cao 500kV-110kV và các cấp điện áp trung áp từ 35kV đến 6kV, cấp điện áp hạ áp 0,4kV. Lưới truyền tải 500kV là xương sống của hệ thống điện Việt Nam, chạy suốt từ Bắc vào Nam, tổng công chiều dài trên 3.000km với 17 trạm biến áp 500kV, đóng vai trò quan trọng trong cân bằng điện năng toàn quốc, có ảnh hưởng tới độ tin cậy cung cấp điện của từng miền. Lưới điện truyền tải 220 kV làm nhiệm vụ truyền tải điện từ các nhà máy điện đến các trạm khu vực và từ các trạm khi vực đi cấp điện cho từng trung tâm phụ tải.
1.6 Hiện trạng và quy hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo
Theo điều tra, đánh giá, tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam là khá đa dạng, trong đó năng lượng thủy điện nhỏ và cực nhỏ khoảng 10.109 kWh/năm, năng lượng và địa nhiệt có thể khai thác với công suất khoảng (262÷340) MW, năng lượng mặt trời có thể khai thác cho mục đích điện khí hóa ngoài lưới khoảng (10÷20) MW, tài nguyên gió ở độ cao 65m của một số khu vực có tiềm năng gió tốt có thể khai thác đạt trên 10.000 MW, tiềm năng sử dụng năng lượng sinh khối (trấu, bã mía, phế thải gỗ) có thể đạt (300-500)MW.
Thực tế khai thác nguồn năng lượng tái tạo hiện nay còn khiêm tốn (mới chỉ đáp ứng dưới 3% nhu cầu tiêu thụ) so với tiềm năng do hạn chế với công nghệ, giá năng lượng tái tạo chưa cạnh tranh được với nguồn năng lượng truyền thống khác. Hiện Nhà nước đang xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ và phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhằm nâng cao tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo tới năm 2025 là 4% trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng.
Ngành năng lượng hạt nhân mới bước vào giai đoạn chuẩn bị xây dựng 2 nhà máy hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận, với công suất lắp máy 4.000 MW và theo quy hoạch phát triển điện hạt nhân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2010 thì trong giai đoạn 2020-2030 sẽ xây dựng thêm 13 nhà máy điện hạt nhân, với tổng công suất từ (15.000÷16.000)MW.
NLVN
Kỳ 2: Một số vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam

Dẩu lửa - nguyên nhân tranh chấp chủ quyền biển đảo?



Phuchoiacquy - Biển Đông đang trở thành một vấn đề ngoại giao quan trọng, đặc biệt khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, kết hợp với nhu cầu năng lượng ngày một lớn, khiến nước này càng quyết liệt hơn trong các vấn đề ngoài biên giới của mình. Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với một khu vực rộng lớn trải dài từ Singapor và eo biển Malacca đến eo biển Đài Loan, chồng lấn nhiều vào các vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam, Philippine, Malaysia và Brunei. Trong mấy thập niên trở lại đây, những mâu thuẫn này có lúc đã dẫn tới xung đột - thậm chí chiến tranh… các nhà phân tích tin rằng sẽ có thể còn xuất hiện nhiều những cuộc đụng độ hơn nữa trên Biển Đông. Vậy, dẩu lửa có phải là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp chủ quyền biển đảo?

Vào đầu thế kỷ thứ 15, khi đô đốc Trịnh Hòa đi tàu vượt đại dương, ông phát hiện nhiều kho báu bất ngờ ở những vùng đất xa xôi như Ấn Độ, Iran, Indonesia và Somalia. Nhưng ông không biết cũng có những tài nguyên khổng lồ nằm ngay gần nước mình hơn, sâu dưới đáy biển, cách con tàu của ông hàng nghìn mét khi nó đi ngang qua Biển Đông, bắt đầu mỗi hành trình dài.
Ngày nay, một số nhà khoa học ước tính, Biển Đông, với diện tích 1,4 triệu dặm vuông (khoảng 3,5 triệu km2), lớn gấp hơn 5 lần diện tích nước Pháp, là nơi chứa đựng trữ lượng dầu khí có thể sánh ngang với bất kỳ trữ lượng lớn nhất ở nơi nào trên thế giới, mặc dù các ước tính còn nhiều khác biệt.
Không giống như thời Trịnh Hòa, lúc số tàu có thể đi viễn dương rất hiếm hoi, khu vực này ngày nay là nơi giao cắt của 1/3 số tuyến đường vận tại biển của thế giới, biến nó trở thành một hành lang chiến lược.
Biển Đông cũng đang trở thành một vấn đề ngoại giao quan trọng, đặc biệt khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, kết hợp với nhu cầu năng lượng ngày một lớn, khiến nước này càng quyết liệt hơn trong các vấn đề ngoài biên giới của mình.
Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với một khu vực rộng lớn trải dài từ Singapore và eo biển Malacca đến eo biển Đài Loan, chồng lấn nhiều vào các vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam, Philippine, Malaysia và Brunei.
Trong mấy thập niên trở lại đây, những mâu thuẫn này có lúc đã dẫn tới xung đột - thậm chí chiến tranh - và các nhà phân tích tin rằng sẽ có thể còn xuất hiện nhiều những cuộc đụng độ hơn nữa trên Biển Đông.
Hoạt động thăm dò dầu khí tại những khu vực nước sâu trên Biển Đông, phía trên 1 thềm lục địa, cho đến nay vẫn diễn ra khá hạn chế, khiến các nhà địa chất còn nhiều bất đồng về tiềm năng trữ lượng tài nguyên tại đây có nhiều đến mức có thể làm gia tăng các tranh chấp ngoại giao hay không.
David Thompson, phụ trách thăm dò và khai thác khu vực châu Á của công ty tư vấn năng lượng và tài nguyên Wood Mackenzie, đặt vấn đề: "Một trong những thắc mắc chính trong tương lai của ngành kinh doanh dầu khí là tiềm năng Biển Đông lớn đến đâu?' Tại thời điểm này, chưa ai thực sự biết chính xác".
Theo ước tính của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, các ước tính tiềm năng tài nguyên Biển Đông của Trung Quốc rất cao: hơn 4 tỷ tấn quy dầu (oil-equivalent) trong tất cả các vùng biển ngoài khơi của Trung Quốc, trong đó Biển Đông chiếm tỷ trọng cao nhất.
Phần lớn khối lượng đó là khí tự nhiên, và một ước tính của Trung Quốc cho rằng trữ lượng khí gas ở biển đông là khoảng 2.000 nghìn tỷ foot khối (khoảng 5.700 km3). Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, khối lượng đó đủ đáp ứng nhu cầu khí gas của Trung Quốc trong hơn 400 năm nếu tính theo mức tiêu thụ năm 2011, mặc dù khối lượng có thể khai thác trên thực tế có thể thấp hơn con số trên.
Trung Quốc đang là nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và nhập khẩu khối lượng ngày một lớn dầu mỏ và khí gas, do vậy vấn đề có bao nhiều dầu khí dưới đáy Biển Đông không phải là một câu hỏi vô nghĩa.
Bắc Kinh muốn đưa nước mình trở nên tự chủ hơn về năng lượng và trong vấn đề này đã khuyến khích phát triển các nguồn cung gần hơn, bao gồm thủy điện, năng lượng hạt nhân, phong điện và điện mặt trời. Giới phân tích cho rằng đây là một phần lý do giải thích tại sao CNOOC, công ty dầu khí hải dương lớn nhất Trung Quốc, đang đầu tư mạnh mẽ phát triển công nghệ khoan giếng nước sâu cần thiết để có thể khai thác tài nguyên tại khu vực nước này đang tranh chấp.
Giáo sư Lin Boqiang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế năng lượng tại Đại học Hạ Môn, phát biểu: "Trung Quốc cơ bản không có lựa chọn khác bởi nguồn tài nguyên của họ khá khan hiếm, vì thế trong tương lai, Trung Quốc sẽ phải hướng ra ngoài khơi. Một khi Trung Quốc bắt đầu tiến vào các vùng biển nước sâu tại Biển Đông, hoạt động thăm dò sẽ thực sự được tăng tốc thực hiện".
Tháng 5, công ty nhà nước này đã hạ thủy giàn khoan nước sâu tự tạo đầu tiên có tên CNOOC 981, cho phép CNOOC có thể tự tiến hành thăm dò độc lập, mà không cần phải thuê giàn khoan của nước ngoài.
CNOOC đặt mục tiêu khai thác 500 triệu thùng quy dầu mỗi ngày tại vùng nước sâu trên Biển Đông vào năm 2020 (hiện công việc khai thác vẫn chưa được tiến hành), và Zhong Hua, giám đốc tài chính của công ty niêm yết này, cho biết, giàn khoan 981 có thể giúp cải thiện khả năng thăm dò dầu khí của CNOOC.
"Nước sâu là mục tiêu chiến lược của công ty chúng tôi, và đây là nơi có tiềm năng và triển vọng rất lớn trong tương lai", ông phát biểu trước báo giới trong buổi công bố doanh thu quý vào ngày 24/10.
Mặc dù Trung Quốc vẫn chưa thăm dò dầu khí tại các vùng biển tranh chấp - hầu hết các giếng dầu hiện nay của CNOOC đều nằm ở các vùng nước nông gần Hồng Kông - nhưng CNOOC cũng tỏ ra quyết liệt trong việc xác định vị trí các lô thăm dò để đấu thầu với các công ty dầu khí nước ngoài.
Tháng 6, CNOOC đã mời thầu 9 lô dầu khí tại phía tây Biển Đông, khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là động thái hết sức nguy hiểm, cho thấy CNOOC sẵn sàng dám phá vỡ các tập quán thông thường của mình là chỉ đấu thầu các lô tại các vùng biển không tranh chấp. Và dĩ nhiên, họ đã nhận được sự phản ứng giận dữ từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, bởi những lô Trung Quốc đem đấu thầu hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bắc Kinh cũng đang gây áp lực lên một số công ty khoan dầu quốc tế hoạt động ở ngoài khơi Việt Nam và đòi họ phải ngừng các dự án thăm dò.
Ngoài những tranh chấp ngoại giao, vấn đề kinh tế liên quan đến việc khai thác cũng đóng một vai trò rất lớn trong việc phát triển các giếng dầu tại khu vực Trung Quốc đang nhòm ngó.
Biển Đông chứa nhiều các hẻm vực sâu và đá ngầm, khiến cho việc xây dựng các đường ống cần thiết để khai thác các mỏ khí tự nhiên trở nên rất khó khăn và tốn kém.
Một số nhà phân tích cũng đặt câu hỏi về khả năng khai thác trữ lượng dầu khí ấy hiệu quả về mặt kinh tế với mức giá năng lượng như hiện nay.
Zha Daojiong, một chuyên gia an ninh năng lượng tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng, "chi phí khai thác dầu lên khỏi vùng biển này là quá cao".
Theo ông, dầu chỉ là "nhân tố ngoại vi" trong tranh chấp ngoại giao giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền Biển Đông.
VietnamNet/VIFT

Ắc quy miền Nam sẽ không thu hẹp hoạt động



Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2012 của CTCP Pin Ắc quy miền Nam (Pinaco, mã PAC) giảm gần 45% so với cùng kỳ năm trước. Có phải PAC gặp khó trong sản xuất và tiêu thụ? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Đình Luyện, thành viên HĐQT của PAC.
Có thông tin rằng, sản phẩm của PAC đang bị cạnh tranh gay gắt với hàng của Trung Quốc. Đúng hay sai, thưa ông?
Tin này không chính xác. Hiện nay, PAC sản xuất chủ yếu 2 mặt hàng là pin và ắc quy. Đối với ắc quy, đối thủ cạnh tranh nhất với PAC là Công ty GS (Nhật Bản) và Công ty Globe (Đài Loan). Nhưng vị thế của 2 đối thủ này ở Việt Nam vẫn kém PAC. Chúng tôi hiện là nhà sản xuất ắc quy lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần hơn 50%. Với mặt hàng pin, hoạt động kinh doanh của PAC vẫn ổn định qua các năm.
Nhưng tại sao doanh thu của PAC giảm dần?
Doanh thu 9 tháng đầu năm 2012 của PAC là 1.290,8 tỷ đồng, giảm 13 - 14% so với cùng kỳ năm trước. Tôi nghĩ, với những khó khăn của kinh tế vĩ mô, mức suy giảm này là không lớn. Rất nhiều doanh nghiệp giảm doanh thu, giảm lợi nhuận còn nhiều hơn thế.
Khó khăn vĩ mô ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của PAC?
Tình hình vĩ mô tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của PAC. Vì mặt hàng của PAC phụ thuộc nhiều vào khả năng mua xe, cường độ phương tiện, luân chuyển hàng hóa trong xã hội. Chỉ khi kinh tế phát triển thì những yếu tố này mới gia tăng và hoạt động kinh doanh của PAC mới thuận lợi.
Vậy PAC đánh giá gì về tình hình sắp tới và liệu Công ty có tính đến khả năng thu hẹp hoạt động?
Kinh tế khó có khả năng phục hồi ngay, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để duy trì hoạt động kinh doanh ở mức ổn định nhất định. Đúng là so với kế hoạch cũng như kỳ vọng, thì kết quả hoạt động của PAC hiện không như mong muốn, nhưng nếu nhìn trong bối cảnh hiện tại, đó là kết quả không tệ. Chúng tôi chưa hề có ý định thu hẹp hoạt động.
Mức giảm về lợi nhuận sau thuế của PAC khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. PAC có cách nào khắc phục không?
Để duy trì sản xuất - tiêu thụ ổn định, chúng tôi phải dùng nhiều biện pháp hỗ trợ. Một trong những biện pháp đó là tăng chi phí bán hàng, tăng khuyến mãi… Vì thế, lợi nhuận sau thuế của PAC đã không như mong đợi. Chúng tôi đang nỗ lực để kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào và tiết giảm các chi phí.
Đầu Tư Chứng Khoán

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Những "chiêu trò" năng lượng của ứng cử viên Tổng thống Mỹ Romney (Kỳ cuối)


Khi mà tất cả những gì gói gọn trong bản Kế hoạch của ông Romney có thể vắn tắt trong một vài ý sau: Tư nhân hóa đất đai của chính quyền Liên bang, chiếm các giếng dầu ngoài khơi, khai thác triệt để tài nguyên dự trữ, đẩy mạnh khoan dầu thủy lực, ô nhiễm môi trường và động đất. Nếu tất cả những điều trên là “Kế hoạch cho một tương lai của một nước Mỹ độc lập về năng lượng” thì có lẽ những cá nhân vốn trước kia ủng hộ Kế hoạch phát triển ngành năng lượng nước Mỹ của ông Romney, nên chăng cần phải sáng suốt cân nhắc lại quan điểm của mình…

Ông Romney không h
 đ cp gì đến mt trái ca phương pháp 
khoan d
u thy lc trong bn Kếhoch ca mình
Tính kh thi ca Hip đnh Đi tác Năng lượng Bc M
Liên quan đến Kế hoạch theo đuổi Hiệp định đối tác Năng lượng Bắc Mỹ của ông Romney, Thủ tướng Canada - ông Stephen Harper, đã bình luận như sau.
Ông không hề phản đối kế hoạch xây dựng Hiệp định đối tác Năng lượng Bắc Mỹ, nhưng việc ông Romney đặt kỳ vọng quá lớn, rằng Kế hoạch sẽ thay thế nguồn cung dầu thô từ các quốc gia OPEC bằng một nguồn cung ổn định và rẻ từ các thành viên ký kết Hiệp định, mà cụ thể là Canada và Mexico, là “điều không tưởng”.
Ngoài ra, Mexico, thành viên thứ 3 đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong Kế hoạch của ông Romney, lại cho thấy họ không hề muốn gắn bó chặt chẽ với những cam kết của Hiệp định.
Thay vì chỉ chú trọng hoạt động mậu dịch dầu khí với các quốc gia ký kết Hiệp định, Mexico lại mở rộng quan hệ buôn bán với tất cả các quốc gia quan tâm đến nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào của mình, nhằm tối đa hóa lợi ích thu được từ việc xuất khẩu dầu khí.
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tháng 9/2011, có đến 3 quốc gia hàng ngày xuất khẩu hơn 1 triệu thùng dầu sang Mỹ.
Lượng dầu thô của riêng 5 quốc gia xuất khẩu dầu thô nhiều nhất sang Mỹ (top 5) đã chiếm 69% trên tổng lượng dầu thô Mỹ nhập khẩu mỗi ngày. Tỷ lệ này với 10 quốc gia xuất khẩu dầu thô nhiều nhất sang Mỹ (top 10) là 88%.
Top 5 quốc gia xuất khẩu dầu thô nhiều nhất sang Mỹ trong tháng 9/2011 là: Canada (2,3 triệu thùng dầu mỗi ngày), Ả Rập Xê Út (quốc gia OPEC - 1,46 triệu thùng dầu mỗi ngày), Mexico (1,09 triệu thùng dầu mỗi ngày), Venezuela (quốc gia OPEC - 0.759 triệu thùng dầu mỗi ngày), Nigeria (quốc gia OPEC - 0.529 triệu thùng dầu mỗi ngày).
5 quốc gia còn lại trong top 10 quốc gia xuất khẩu nhiều dầu thô nhất sang Mỹ tính vào thời điểm tháng 9/2011 là Colombia (0,51 triệu thùng dầu mỗi ngày), Iraq (quốc gia OPEC - 0,4 triệu thùng), Ecuador (quốc gia OPEC - 0,29 triệu thùng), Angola (quốc gia OPEC - 0,28 triệu thùng) và Nga (0,27 triệu thùng).
Nhìn từ số liệu ở trên thì cử tri Mỹ sẽ hoài nghi về tính khả thi của Kế hoạch xây dựng Hiệp định Đối tác Năng lượng Bắc Mỹ.
Tại sao Canada và Mexico (xếp vị trí đầu tiên và thứ 3 trong top 5) lại phải cam kết xuất khẩu dầu thô sang Mỹ với mức giá ưu đãi, nguồn cung phải được đảm bảo ổn định và ngày càng tăng lên để thay thế cho lượng dầu thô nhập khẩu từ các quốc gia trong khối OPEC?
Dầu thô thì đang trở nên ngày càng quý giá, và Mỹ dù có là quốc gia láng giềng thân cận với Canada và Mexico đi chăng nữa, thì hai quốc gia trên vẫn hoàn toàn có thể bị hấp dẫn bởi những lời đề nghị “như rót đường mật”, từ các quốc gia cách hẳn một đại dương và xa xôi như Trung Quốc, Nhật…
Còn nếu câu trả lời là “vì Canada và Mexico là đồng minh của Mỹ” thì lý lẽ trên sẽ không được thuyết phục cho lắm, đơn giản là ngay cả trong các quốc gia OPEC ở Trung Đông thì Ả-Rập Xê-Út và Iraq cũng là đồng minh khá thân cận của Mỹ.
Sau vụ khủng bố kinh hoàng vào nước Mỹ ngày 11/9/2001, chính quyền cựu tổng thống George W.Bush, đã cho thế giới thấy một chính sách chống khủng bố thẳng tay và hết sức cứng rắn.
Tại Diễn đàn Saban năm 2008, ông George W. Bush đưa ra tuyên bố đánh giá cao về vai trò các quốc gia đồng minh OPEC của Mỹ, trong cuộc chiến chống khủng bố.
Đặc biệt là Ả-Rập Xê Út - đứng thứ 2 trong top 10, đã tiêu diệt và bắt giữ hàng trăm phần tử khủng bố nguy hiểm. Còn Iraq - đứng thứ 6 trong top 10, từ vị trí kẻ thù trong quá khứ của Mỹ, đã trở thành một đồng minh có ý nghĩa chiến lược với Nhà trắng tại Trung Đông.
Vậy thì, động lực gì để Nhà Trắng phải sốt sắng “hợp thành một khối để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ Bắc Mỹ” với Canada và Mexico, khi mà ngay trong các quốc gia Trung Đông, khu vực vốn là cái nôi của những phần tử chống đối Mỹ lại hiện diện đầy những kẻ “trung thành với Mỹ”.
Và liu bn có biết?
Hip đnh Đi tác Năng lượng Bc M s không th hoàn thành sm được.
Vì đơn giản là kế hoạch mở rộng Hệ thống đường ống dẫn dầu Keystone - Hệ thống đường ống dẫn dầu sẵn có giữa Mỹ và Canada, muốn hoàn thành theo đúng yêu cầu của Hiệp định thì phải đến năm 2025 hoặc đến năm 2030.
Chính quyền Liên bang Mỹ hiện không thể “toàn tâm, toàn ý” vào riêng kế hoạch phát triển hệ thống đường ống dẫn dầu giữa Mỹ và Canada được, vì Nhà Trắng còn đang lên kế hoạch phát triển đồng thời hàng loạt các đường ống dẫn dầu khác từ các quốc gia châu Mỹ và châu Á.
Dự trữ dầu khí dồi dào tại Mexico là điều không phải bàn cãi, nhưng quốc gia này lại không đủ khả năng để đẩy mạnh tiến trình khai thác dầu khí.
Số liệu các năm gần đây đều cho thấy, sản lượng khai thác dầu khí của các công ty quốc doanh Mexico đang suy giảm đáng kể.
Hệ quả là đầu năm 2011, chính quyền Mexico lần đầu tiên, kể từ thời điểm Mexico quốc hữu ngành dầu khí của quốc gia vào năm 1938, cho phép các công ty dầu khí nước ngoài vào khai thác tại 7 mỏ dầu khắp Mexico.
Nhưng các công ty nước ngoài chỉ được phép khai thác dầu khí, lượng dầu thô được khai thác sẽ phải bán lại cho riêng chính quyền Mexico.
Kế hoạch phát triển ngành năng lượng nước Mỹ của ông Romney không hề nhắc đến tiềm năng dầu khí dồi dào tại Tây bán cầu.
Ông Romney muốn đưa ngành năng lượng nước Mỹ thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các quốc gia Trung Đông, bất chấp việc ngay ở trong khu vực này, cũng có quốc gia đồng minh thân cận với Mỹ như đã đề cập ở trên.
Tuy nhiên, tại sao thay vì đặt kỳ vọng quá nhiều vào Kế hoạch theo đuổi Hiệp định Đối tác Năng lượng Bắc Mỹ, ông Romney lại không đề xuất việc cải thiện quan hệ với các quốc gia châu Mỹ Latinh - những quốc gia vốn có trữ lượng dầu khí rất giàu có và khoảng cách địa lý đến Mỹ cũng tương đối gần?
Trong bản báo cáo thường niên của tổ chức OPEC vào năm 2010, tổ chức này đưa ra nhận định, Venezuela có trữ lượng dầu thô và khí gas lớn nhất khu vực Tây bán cầu, và đứng đầu trong các quốc gia thuộc khối OPEC.
Theo OPEC, trữ lượng dầu khí của Venezuela chiếm 24,8% tổng trữ lượng dầu khí của các quốc gia OPEC, con số này với Ả-Rập Xê-Út là 22,2%.
Tập đoàn dầu khí quốc doanh Petroleos de Venezuela S.A. (PDVSA) của Venezuela ước tính, trữ lượng dầu thô tại vành đai dầu Orinoco của quốc gia này lên tới khoảng 300 tỷ thùng.
Ngoài Venezuela ra, các quốc gia châu Mỹ Latinh khác như Ecuador và Brazil cũng có trữ lượng dầu khí rất dồi dào. Cải thiện và nâng tầm quan hệ với các quốc gia châu Mỹ Latinh sẽ giúp Mỹ bớt phụ thuộc vào nguồn cung dầu từ Trung Đông.
Theo Cơ quan quản lý thông tin Năng lượng Mỹ, năm 2010, Mỹ nhập khẩu ròng (nhập khẩu-xuất khẩu) khoảng 269,000 thùng dầu mỗi ngày.
Từ năm 2005, nền anh ninh năng lượng của Mỹ xấu đi trông thấy và Mỹ ngày càng phải nhập khẩu ròng thêm nhiều dầu thô.
Ông Romney cũng phớt lờ việc phát triển ngành năng lượng tái tạo và kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Trong khi ngành dầu khí ủng hộ mạnh mẽ ông Romney, thì ngành năng lượng tái tạo lại luôn sát cánh cùng ông Obama. Vì nguyên nhân trên mà mặc dù hiểu được tầm quan trọng của năng lượng tái tạo, nhưng ông Romney lại không hề nhắc đến vai trò của ngành năng lượng tái tạo trong bản Kế hoạch của mình.
Ông không hề muốn giành giật thêm sự ủng hộ từ ngành năng lượng tái tạo vốn trung thành với ông Obama, mà tập trung hẳn vào kế hoạch phát triển và tranh thủ sự ủng hộ từ ngành dầu khí Mỹ.
Chiến lược trên của ông Romney có thể coi là khá khôn ngoan trong giai đoạn tranh cử, nhưng xét về lâu dài, thì đây lại là một quyết định thiếu sáng suốt.
Ngành năng lượng tái tạo dù trước mắt vẫn còn tồn tại nhiều nhược điểm, nhưng khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển, các ứng dụng trong ngành năng lượng tái tạo ngày càng năng suất, hiệu quả và tiện lợi hơn, thì vai trò của ngành lại rất có ý nghĩa với các cử tri Mỹ.
Một ví dụ điển hình là gần đây, trường đại học Cleveland State University của Mỹ đã phát triển thành công mô hình tuốc bin gió dạng xoắn ốc.
Mô hình tuốc bin gió mới này được cho là bước đột phá trong công nghệ khai thác năng lượng từ gió, lượng điện từ mô hình tuốc bin gió mới sinh ra nhiều gấp 4,5 lần so với các mẫu tuốc bin gió thông thường khác.
Cuối cùng, Kế hoạch của ông Romney đã tỏ ra quá “mù quáng” khi chỉ thiên về phát triển ngành dầu khí quá mức, mà không hề tính đến các thách thức kèm theo khác.
Nếu ông Romney muốn phát triển mạnh mẽ ngành dầu khí, thì việc “phương pháp khoan dầu thủy lực” được áp dụng thường xuyên sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy, phương pháp khoan dầu thủy lực có khả năng gây ra tình trạng mất ổn định tạm thời ở bề mặt vỏ trái đất và hệ quả là gây ra những trận động đất tại những vùng lân cận các giếng khoan sử dụng phương pháp này.
Một nhóm những nhà khoa học địa chất có uy tín thuộc trường Đại học Texas, Mỹ đã nghiên cứu và đưa đến kết luận rằng, hầu hết những trận động đất tại vùng Barnett Shale đều diễn ra khi cách đó vài dặm có một giếng dầu đã sử dụng phương pháp khoan dầu thủy lực.
Các nhà khoa học đưa ra cảnh báo rằng, “không phải tất cả các vụ động đất đều có nguyên nhân từ các vụ khoan dầu thủy lực, nhưng rõ ràng hầu hết các giếng dầu sử dụng phương pháp khoan dầu thủy lực đều có hiện tượng động đất kèm theo”.
Thông tin trên có thể coi là một mặt trái trong việc phát triển ngành dầu khí của nước Mỹ. Nhưng trong bản kế hoạch của mình, ông Romney lại không hề nhắc đến những thông tin và khả năng động đất kèm theo phương pháp khoan dầu thủy lực.
Nếu ông muốn lấy lòng cử tri Mỹ, thì nên chăng ông Romney cần phải đề cập chi tiết về vấn đề này, cũng như các biện pháp khắc phục và giảm nhẹ rủi ro của phương pháp này.
Ngoài ra, ông Romeny cũng không hề nhắc đến kế hoạch đối phó với những rủi ro khác trong ngành dầu khí, điển hình là vụ cháy nổ và tràn dầu tại giàn khoan Deepwater Horizon, khiến 11 công nhân bị thiệt mạng và khoảng 4,9 triệu thùng dầu tràn ra Vịnh Mexico.
Vậy liệu những cử tri Mỹ có nên ủng hộ Kế hoạch Phát triển ngành năng lượng nước Mỹ của ông Romney không?
Khi mà tất cả những gì gói gọn trong bản Kế hoạch của ông Romney có thể vắn tắt trong một vài ý sau: Tư nhân hóa đất đai của chính quyền Liên bang, chiếm các giếng dầu ngoài khơi, khai thác triệt để tài nguyên dự trữ, đẩy mạnh khoan dầu thủy lực, ô nhiễm môi trường và động đất.
Nếu tất cả những điều trên là “Kế hoạch cho một tương lai cho một nước Mỹ độc lập về năng lượng” thì có lẽ những cá nhân vốn trước kia ủng hộ Kế hoạch phát triển ngành năng lượng nước Mỹ của ông Romney, nên chăng cần phải sáng suốt cân nhắc lại quan điểm của mình.
NLVN