Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

An ninh năng lượng và vấn đề bảo vệ môi trường của Hàn Quốc (Kỳ 1)



Trong những năm gần đây, Hàn Quốc là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Quá trình công nghiệp hoá chóng vánh đã kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao và là nguyên nhân của hàng loạt những vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998. Mặc dù khủng hoảng tài chính đã làm giảm nhu cầu sử dụng năng lượng nhưng lại làm tăng lượng các bon phát thải…

Theo đánh giá của một số chuyên gia, tình trạng suy thoái của nền kinh tế Hàn Quốc đã có những ảnh hưởng không tốt tới môi trường sống của người dân. Khi quốc gia này đang tiến hành mọi nỗ lực để phát triển nền kinh tế, thì những khoản hỗ trợ ban đầu cho các chương trình môi trường thường ít được người ta quan tâm so với các chương trình dự án kinh tế. Thậm chí, kế hoạch phát triển dài hạn của Hàn Quốc có gắn với giải quyết các vấn đề môi trường cũng bị trì hoãn lại.
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực hết mình của người dân Hàn Quốc, nước này đã nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tài chính Châu Á. Và điều đương nhiên quá trình phục hồi nền kinh tế sẽ kéo theo tăng lượng các bon phát thải và tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Môi trường không khí bị ô nhiễm
Những năm gần đây, người dân Hàn Quốc ý thức được rằng, chính hoạt động công nghiệp là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ở thủ đô Seoul.
Do yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường sống của người Hàn Quốc ngày càng cao, cộng thêm với luật lệ khắt khe, các nhà máy, xí nghiệp đã bước đầu giảm lượng chất ô nhiễm thải ra, như sunfua dioxit (SO2) và tổng lượng bụi lơ lửng…
Tuy nhiên, việc tăng mức phát thải từ các nguồn điểm (các cơ sở sản xuất) và tăng lượng chất ô nhiễm từ các nguồn rải rác (như các phương tiện giao thông) làm cho tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên khó giải quyết, đặc biệt khi có sự pha trộn giữa các chất ô nhiễm từ hai nguồn này. Một thí dụ minh hoạ cho tình trạng kể trên đó là ô nhiễm không khí trong các khu đô thị ở Hàn Quốc.
Tổng lượng chất ô nhiễm do các phương tiện giao thông gây ra ước tính xấp xỉ 1,6 triệu tấn/ năm. Trong đó, trên 80% lượng chất ô nhiễm đó tập trung ở các khu vực đô thị.
Các phương tiện giao thông như: xe buýt, xe tải chạy bằng dầu dezel chiếm chưa đầy 10% tổng số phương tiện giao thông nhưng lại tạo ra trên 40% tổng lượng phát thải.
Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc dùng một khoản tài chính lớn để khuyến khích 20.000 xe buýt chạy dầu diesel thay thế bằng khí ga nén tự nhiên. Những xe buýt sau khi thay thế sẽ được khuyến khích lưu hành rộng rãi mà không phải nộp bất cứ một khoản thuế môi trường nào.
Trong tương lai không xa, chính phủ Hàn Quốc sẽ thắt chặt tiêu chuẩn phát thải không chỉ ở các khu vực đô thị mà còn áp dụng ở khu vực nông thôn, vùng ngoại ô.
Mục tiêu của nước này nhằm đạt được chuẩn phát thải do tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OECD đề ra. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc còn có chính sách nhằm khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông chạy bằng điện, thu nhặt lốp xe hỏng trên các đường cao tốc, tăng phí đỗ xe tại các bãi đỗ trong thành phố.
Ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến môi trường ở Hàn Quốc mà còn ảnh hưởng tới các quốc gia láng giềng. Một ví dụ có thể kể đến đó là việc phát thải của các nhà máy luyện thép ở Hàn Quốc đã gây ra mưa xít cho Đài Loan, Nhật Bản hay việc phát thải từ các khu công nghiệp của Trung Quốc cũng gây mưa axit ở Hàn Quốc.
Xuất phát từ ảnh hưởng phi biên giới của các vấn đề môi trường, Bộ trưởng Bộ Môi trường các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số quốc gia khác trong khu vực Đông Bắc Á đã nhất trí thành lập chương trình “theo dõi diễn diễn biến mưa axit khu vực Đông Á”. Mục đích của chương trình này nhằm cung cấp những thông tin chính xác nhất về tình hình mưa axit ở các vùng. Thêm vào đó, người ta đang tìm cách gia tăng hợp tác môi trường tiểu vùng không chỉ để đối phó với mưa axit mà còn đối phó với những diễn biến phức tạp khác của khí hậu. Tuy nhiên, tiến trình này diễn ra tương đối chậm chạp ở hầu hết các quốc gia.
Inas.gov.vn
>> Kỳ 2: Sử dụng năng lượng - thủ phạm của ô nhiễm môi trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét