Hiển thị các bài đăng có nhãn năng lượng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn năng lượng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Việt Nam thành ‘cường quốc’ lọc dầu?


PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) sẽ đầu tư dự án lọc hóa dầu ở Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) có vốn đầu tư lên tới 28,7 tỷ USD, công suất 30 triệu tấn/năm. Cùng với các dự án trước đó, Việt Nam hoàn toàn đang hướng đến một nước mạnh về lọc hóa dầu và xuất khẩu sản phẩm xăng dầu?
Vốn ở đâu?
Ảnh minh họa
Trước đó, Tập đoàn Khang Thông (Việt Nam) cùng Tập đoàn STFE và Công ty PTTES (Thái Lan) đã ký kết hợp đồng về dự án nhà máy lọc dầu Bình Định đặt tại Khu kinh tế Nhơn Hội.
Theo dự kiến khi đó, nhà máy lọc dầu sẽ có công suất khoảng 12 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 có công suất thiết kế là 6 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nay bỗng dưng xuất hiện Tập đoàn PTT với "siêu" dự án 30 tỷ USD khiến không ít người ngỡ ngàng.
Một số nguồn tin cho biết, PTT hiện có một dự án lọc dầu ở Thái Lan và tập đoàn này cũng đã được Chính phủ Thái Lan chấp thuận triển khai một dự án lọc hóa dầu lớn ở miền Nam Thái Lan. Nhưng do những bất ổn về chính trị thời gian qua, PTT đã quyết định tìm kiếm địa điểm đầu tư khác và Việt Nam đã được lựa chọn.
PTT cũng đã từng được giới thiệu để tham gia dự án lọc hóa dầu Long Sơn nhưng tập đoàn này lại chọn Bình Định.
Với thực tế này, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là làm thế nào để PTT thu xếp được số vốn lớn như vậy? Theo PTT, số vốn của dự án lên đến gần 30 tỷ USD. Các đối tác Việt Nam vốn chắc không có nhiều, như vậy PTT sẽ phải tìm kiếm được những đối tác có tiềm lực tài chính mạnh hoặc cần đến một định chế tài chính lớn đứng ra cam kết cho vay.
Các ý kiến cho rằng PTT không phải là tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới, vì vậy việc tìm kiếm các đối tác, thu xếp tài chính không phải là chuyện dễ dàng.
Dự án lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), thành lập tháng 4/2008, với các đối tác tên tuổi hàng đầu thế giới Idemitsu (Nhật Bản), Công ty Dầu mỏ quốc tế Cô Oét (là công ty con của Công ty Dầu lửa Quốc gia Cô Oét), Công ty hóa dầu Mitsui (Nhật Bản), nhưng tới nay tư vẫn chưa thể khởi công vì việc thu xếp tài chính lên đên 7 tỷ USD không hề dễ dàng.
Theo một số chuyên gia, các nhà đầu tư quốc tế hiện rất hờ hững với dự án lọc hóa dầu do lợi nhuận thấp, trong khi chi phí đầu tư quá cao dẫn đến rủi ro lớn. Theo tính toán, dự án lọc dầu phải có mức sinh lợi IRR (chỉ số hoàn vốn nội tại) từ 13%-17% mới đem lại hiệu quả, trong khi khả năng sinh lợi của bản thân dự án chỉ khoảng 6%-8%.
Một số tính toán cụ thể cho thấy, hiện nay giá dầu thô đang tăng cao, lợi nhuận từ lọc dầu chưa tới 20 USD/tấn dầu thô, vì vậy đầu tư vào lọc dầu được cho là không hấp dẫn.
Đa phần nhà đầu tư đều yêu cầu Chính phủ nước sở tại phải có các ưu đãi nhất định nhằm đảm bảo đạt được hiệu quả tối thiểu cho dự án. Ngay như dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn sau khi được Chính phủ đồng ý gói ưu đãi về thuế, đất đai cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào nhà máy, khấu hao, ngoại hối, quyền phân phối của nhà đầu tư nước ngoài... thì mọi chuyện mới suôn sẻ.
Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng sẽ tìm kiếm được gói ưu đãi của Chính phủ. Hiện chỉ có những dự án lọc dầu thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam như Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn nằm trong nhóm dự án quan trọng quốc gia, là được ưu đãi.
Thậm chí, dự án hoạt động rồi vẫn cần được tiếp tục ưu đãi trong thời gian dài nữa. Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện cũng đang được hưởng "giá trị ưu đãi" là 3% đối với sản phẩm hóa dầu, 5% đối với LPG và 7% đối với xăng dầu kéo dài trong 10 năm.
Ngoài ra, còn phải đảm bảo nguồn dầu thô cho cả đời dự án, nguồn dầu thô cung cấp cho nhà máy lọc dầu sẽ lấy ở đâu? Đảm bảo nguồn dầu thô là nhân tố quyết định đến vận hành ổn định của dự án.
Dư thừa công suất?
Việt Nam mới có Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn/năm đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu xăng dầu cả nước. Thời gian tới nhà máy này sẽ nâng công suất lên 10 triệu tấn/ năm.
Tiếp theo là dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn chuẩn bị khởi công với công suất 10 triệu tấn/năm sẽ đi vào hoạt động sau 5 năm xây dựng, cộng với dự án của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam "thai nghén" đã lâu tại Vân Phong (Khánh Hòa) với công suất 10 triệu tấn/ năm. Tiếp theo là Long Sơn ( Bà Rịa Vũng Tàu) công suất 10 triệu tấn/ năm.
Nếu thêm dự án 30 triệu tấn/năm tại Bình Định thì nâng sản lượng xăng dầu của Việt Nam lên 70 triệu tấn/ năm khiến cho lọc dầu Việt Nam dư thừa so với nhu cầu tiêu dùng trong nước. Việt Nam lúc đó đứng vào hàng ngũ “cường quốc” lọc dầu và xuất khẩu sản phẩm xăng dầu
Chiến lược dầu khí VN, dự báo nhu cầu các sản phẩm lọc dầu trong nước, giai đoạn 2011-2015 dao động trong khoảng từ 15 đến 20 triệu tấn/năm, tổng nhu cầu dự báo đến năm 2025 chỉ là 27 triệu tấn/năm.
Tổng công suất như trên đã cao gấp hơn 2 lần nhu cầu. Nếu không hướng tới xuất khẩu thì khó có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Toản, nguyên Viện trưởng Viện dầu khí Việt Nam, Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, nhu cầu dầu thô trung bình của thế giới năm 2005 là 5 thùng/người/ năm. Năm 2005, nhu cầu dầu của Trung Quốc là 1,5 thùng/ người /năm và Thái Lan là 4,6 thùng/ người/ năm.
Giả thiết đến năm 2015 kinh tế Việt Nam phát triển bằng với Trung Quốc năm 2005 và dân số 100 triệu người thì nhu cầu của ta lúc đó sẽ là 21 triệu tấn/năm, còn nếu bằng với Thái Lan (2005) thì nhu cầu sẽ là 65 triệu tấn/năm. Dự báo trong chiến lược 27 triệu tấn/năm cho năm 2025, tức là bằng khoảng hơn một nửa mức tiêu thụ của Thái Lan năm 2005, là quá thấp.
Hơn nữa, với trữ lượng dầu được công bố đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có thể xếp vào nhóm nước nghèo về tài nguyên dầu mỏ, thậm chí đến sau năm 2020 còn có thể xếp vào loại rất nghèo về tài nguyên dầu mỏ. Nhóm nước nghèo này thường chọn chiến lược phát triển hạ nguồn, dùng nguồn lợi từ lọc hóa dầu và dịch vụ phân phối các sản phẩm lọc hóa dầu để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng.
Phát triển lọc hóa dầu để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới mục tiêu biến nước ta thành "trung tâm cung ứng và dịch vụ xăng dầu cho thị trường khu vực (Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia, Đài Loan, Hàn Quốc...) là điều cần hướng tới bởi Việt Nam rất có lợi thế về vị trí địa lý. Thái Lan, một nước rất ít tài nguyên dầu mỏ đã xây dựng chiến lược dầu khí của mình theo hướng này. Bởi vậy công suất bao nhiêu không thành vấn đề.
Tuy nhiên, lực cản lớn vẫn là huy động vốn. “Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện có nhiều nhà máy lọc dầu và đang dư thừa công suất. Nếu các dự án không tính toán cẩn thận về hiệu quả, thì rủi ro sẽ khó tránh khỏi, nhất là với các dự án sinh sau đẻ muộn, sẽ rất khó cạnh tranh với những nhà máy đang hoạt động”, ông Toản nói.
Nguồn tin: (VEF)

Nỗi lo Trung Đông đẩy giá dầu vọt tăng


PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Các bộ trưởng bộ ngoại giao Liên minh châu Âu nhất trí không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí cho phe nổi dậy Syria...
Những diễn biến mới nhất về tình hình chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, gây ra những lo lắng về nguồn cung trong bối cảnh lượng cầu đang suy giảm hiện nay.
Phiên giao dịch quốc tế đêm 28/5, giá dầu thô giao sau tăng mạnh lên trên vùng 95 USD/thùng nhờ đà đi lên mạnh mẽ của thị trường chứng khoán toàn cầu, cùng những lo lắng về tình hình chính trị Trung Đông và Bắc Phi.
Ngay sau khi mở cửa lại (phiên 27/5, thị trường đóng cửa nghỉ lễ), giá dầu đã liên tục biến động mạnh bởi có quá nhiều yếu tố hỗ trợ trong hai ngày đầu tuần. Trước hết là việc các thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm mạnh sau tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu, về việc tiếp tục các chính sách thúc đẩy tăng trưởng.
Những diễn biến mới nhất về tình hình chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, gây ra những lo lắng về nguồn cung trong bối cảnh lượng cầu đang suy giảm hiện nay, cũng góp phần nâng đỡ tốt cho thị trường. Theo AFP, Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với phe đối lập Syria, sau những cuộc thảo luận đầy bất đồng giữa các nước thành viên.
Cụ thể, theo hãng tin AFP, hôm 28/5, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh William Hague cho biết, các bộ trưởng bộ ngoại giao Liên minh châu Âu đã nhất trí không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí cho phe nổi dậy Syria vốn sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/6 tới đây, trong khi vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt khác nhằm vào chính quyền của Tổng thống nước này là Bashar al-Assad.
Bộ trưởng Hague coi đây là thông điệp rõ ràng nhằm gây áp lực lên Chính phủ Syria. Thỏa thuận này cho phép các thành viên Liên minh châu Âu được gửi vũ khí cho các tay súng đối lập nếu muốn, sau ngày 1/6 tới đây.
Ngoài tin tức liên quan tới tình hình chiến sự tại Syria, thị trường cũng nhận được tin cho biết tại Nigeria, một tàu chiếc chở dầu ở ngoài khơi bờ biển quốc gia này đã bị bọn cướp tấn công và bắt cóc làm con tin. Những thông tin này đã khiến nhà đầu tư năng lượng lo ngại về tính ổn định trong việc cung ứng dầu từ khu vực nhiều dầu mỏ Trung Đông và Bắc Phi.
Bên cạnh tình hình chính trị quốc tế, chứng khoán toàn cầu, thị trường năng lượng hôm qua còn nhận được lực đẩy từ các báo cáo cho biết nền kinh tế Mỹ đang hồi phục vững chắc. Cụ thể, chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ trong tháng 5, do tổ chức Conference Board công bố, đã tăng mạnh lên 76,2 điểm cao nhất trong 5 năm, từ mức 69 điểm trong tháng 4 trước đó.
Chốt phiên giao dịch ngày 28/5, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 7 trên sàn hàng hóa New York tăng 86 cent, tương ứng 0,9%, lên 95,01 USD/thùng. Trong suốt phiên giao dịch, giá dầu thô kỳ hạn loại này luôn dao động gần ngưỡng 96 USD mỗi thùng. Tại London, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc giao tháng 7 tăng 1,61 USD, tương ứng 1,6%, lên 104,23 USD.
Cũng trên sàn giao dịch hàng hóa New York đêm 28/5, giá khí tự nhiên giao tháng 6 giảm 6 cent, tương ứng 1,5%, xuống còn 4,17 USD/ triệu BTU. Giá xăng giao cùng kỳ hạn tăng nhẹ được 1 cent, tương ứng với mức 0,5%, lên 2,85 USD mỗi gallon. Giá dầu sưởi cũng giao trong tháng 6 tăng mạnh 5 cent, tương ứng với mức 1,7%, lên chốt ở 2,91 USD mỗi gallon.
Theo giới phân tích, hiện thị trường đang theo dõi sát sao quyết định về mục tiêu sản lượng của các thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Dự kiến những mục tiêu này sẽ được đưa ra trong cuộc họp vào ngày thứ 6 tuần này tại Vienna (Áo).
(VnEconomy)

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Nga đẩy mạnh xuất khẩu than đá sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương


Theo Đài tiếng nói ngước Nga, số liệu thống kê của Bộ Năng lượng Nga cho biết, Nga đã đạt mức kỷ lục trong 25 năm qua về sản lượng khai thác than. Năm 2012, Nga khai thác được 354 triệu tấn nhiên liệu rắn, cao hơn 5% so với chỉ số năm trước. Đồng thời, gần 40% kim ngạch xuất khẩu than đá của Nga thuộc về các nước ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.


Mặc dù trong 10 năm qua, nhu cầu tiêu thụ than trên thế giới đã tăng 50%, tỷ lệ của nhiên liệu rắn trong cơ cấu sử dụng năng lượng đang ngày một giảm. Hơn một nửa số tiêu thụ năng lượng thế giới thuộc về dầu và khí đốt, còn tiêu thụ than đá chỉ chiếm 30%. Ở Nga, chỉ số này chỉ bằng một nửa do việc gia tăng khối lượng khai thác dầu và khí đốt. Hiện nay, phần lớn than đá được khai thác ở Mỹ, nhưng nó cũng đang dần bị khí đá phiến sét đẩy ra khỏi thị trường nước này. Với sự dẫn dắt của Hoa Kỳ, một số nước cũng đang gắng tái định hướng sử dụng năng lượng chuyển từ than sang dầu, khí đốt và những nguồn năng lượng thay thế thân thiện với môi trường.
Than đá là loại nhiên liệu của thế kỷ trước và đang bị thay thế bởi các nguồn năng lượng khác và nhu cầu thế giới đối với sản phẩm này sẽ giảm đi. Vậy thì tại sao Nga lại tăng sản lượng than của mình? Vấn đề ở chỗ là ngoài năng lượng, than đá Nga vẫn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp của nhiều quốc gia, và hiện không có gì để thay thế loại nhiên liệu này.
Nga sẽ đẩy mạnh sản xuất than, chủ yếu là để xuất khẩu. Luyện kim là ngành tiêu dùng chính than đá Nga ở nước ngoài. Đơn giản là vì Nga có loại than cốc, vốn chuyên được sử dụng trong luyện kim, được coi là một trong những sản phẩm tốt nhất thế giới. Nga đã ký hợp đồng trong 25 năm tới cung cấp than cho Nhật Bản. Xe ô tô Nhật Bản được sản xuất từ kim loại đã được điều chế trong đó có thành phần than đá Nga. Không gì có thể thay thế được. Ngành luyện kim Trung Quốc cũng đang tích cực mở rộng sản xuất. Vì vậy, Trung Quốc tăng khối lượng mua than chất lượng cao của Nga..
Trong những năm của thập niên 90, sản xuất than đá ở Nga đã giảm mạnh do việc tăng sản lượng khai thác dầu khí. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển những lĩnh vực sản xuất mới của ngành công nghiệp nặng đã mở ra nhu cầu cấp thiết tăng khai thác nhiên liệu rắn. Đầu năm 2012, chính phủ Nga đã thông qua một chương trình dài hạn về phát triển ngành công nghiệp than ở Nga. Chương trình dự trù việc tăng sản lượng khai thác than đến 430 triệu tấn vào năm 2030. Ngoài ra năng suất lao động trong 20 năm dự kiến phải được tăng gấp 5 lần. Triển vọng của ngành công nghiệp than trong giới kinh doanh Nga cũng tăng theo, chỉ trong năm qua đã có 3 tỉ dollar được đầu tư vào lĩnh vực này.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng không muốn đứng bên lề trong các dự án khai thác than chất lượng cao của Nga. Như các công ty Trung Quốc ChinaCoal và Shenhua đã soạn thảo dự án liên doanh với các đối tác Nga Evraz, "Karakan Invest" và "Rostopprom" về việc cùng khai thác ba mỏ than đốt trên lãnh thổ Nga. Tổng chi phí của các dự án vượt quá 7 tỷ USD.
Các chuyên gia tin tưởng rằng, ngành công nghiệp than của Nga sẽ phát triển nhanh, chủ yếu là nhờ xuất khẩu. Điều này phụ thuộc không ít vào dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ than trên thị trường thế giới. Thêm vào đó, trọng tâm xuất khẩu sẽ ngày càng nghiêng sang phía Đông như: Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương
nangluongvietnam.vn

Năng lượng tương lai – mối quan tâm lớn của người Việt


Cuộc khảo sát có tên là “Khảo sát Năng lượng tương lai” nhằm mục đích tìm hiểu ý kiến của người dân Việt Nam về tương lai năng lượng.
Theo Liên hợp quốc và Kịch bản năng lượng của Shell, đến năm 2030, dự báo thế giới sẽ cần thêm 40%-50% năng lượng, nước và lương thực để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của nhân loại. Điều đó có thể gây áp lực lên các nguồn tài nguyên sống còn này. Và ngày càng có nhiều người Việt Nam ý thức về các vấn đề này và các biện pháp giải quyết vấn đề.
Năng lượng mặt trời được nhiều người dân Việt Nam lựa chọn là nguồn năng lượng tương lai (Ảnh: gizmag.com)
Năng lượng mặt trời được nhiều người dân Việt Nam lựa chọn là nguồn năng lượng tương lai (Ảnh: gizmag.com)
Khảo sát cho thấy có tới 8/10 người dân cho rằng, thiếu hụt nước, lương thực và năng lượng cũng như giá năng lượng cao là các vấn đề có thể gây ảnh hưởng lớn đến Việt Nam trong tương lai.
Bà Nguyễn Ánh Tuyết, Chủ tịch công ty Shell Việt Nam cho biết: “Các mối quan tâm đến năng lượng sống còn của thế giới ngày càng tăng lên, nước, lương thực và các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu đã khiến cho nhiều người Việt Nam suy nghĩ về tương lai năng lượng nghiêm túc hơn. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng, trong nhiều thập kỷ tới, thế giới sẽ phải huy động toàn bộ các loại năng lượng. Nhưng thách thức đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng, nước và lương thực trở nên lớn hơn bởi chính mối quan hệ khăng khít giữa chúng, cần phải ứng phó với những thách thức này một các thông minh và đồng bộ”.
Khảo sát Năng lượng tương lai cho thấy, người dân Việt Nam lựa chọn tổ hợp đa dạng các hình thức năng lượng để đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai. Trong đó, nguồn năng lượng được người dân Việt Nam lựa chọn nhiều nhất là năng lượng mặt trời (72%), tiếp theo là năng lượng nước (58%) và năng lượng gió (47%). Sử dụng nhiên liệu sinh học cũng được xem là tốt cho môi trường và là một giải pháp làm giảm thải khí CO2 – vấn đề được đa số cộng động Việt Nam cho là rất quan trọng.
Và gần 2/3 người dân Việt Nam tin rằng, công chúng đóng vai trò trong việc xây dựng tương lai năng lượng. Nhiều người dân Việt Nam đã có những biện pháp như: Sử dụng bớt năng lượng (78%) và sử dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng (74%). Tuy nhiên, họ cho rằng, sự hợp tác giữa cộng đồng, chính phủ và ngành công nghiệp là chìa khóa để xây dựng các giải pháp năng lượng tương lai, trong đó, chính phủ đóng vai trò quan trọng nhất.
“Các chính sách chủ động, đồng bộ và mạnh mẽ rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng của thế giới và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai. Xã hội cũng có vai trò quyết định trong việc hình thành tương lai của hệ thống năng lượng thế giới. Chúng ta – ngành công nghiệp, chính phủ và xã hội – tất cả đều có trách nhiệm xây dựng một tương lai năng lượng tốt đẹp hơn. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra các bước đột phá và công nghệ mới có thể giúp đa dạng nguồn cung năng lượng thế giới, tăng việc sử dụng các năng lượng sạch hơn và cải thiện hiệu suất”, bà Tuyết cho biết.

Những kết quả chính của cuộc khảo sát do Shell Việt Nam tiến hành: • 7/10 người đánh giá nhu cầu năng lượng là quan trọng. Các vấn đề quan tâm hàng đầu là việc làm và giá sinh hoạt.
• Biến đổi khí hậu (33%) và môi trường (27%) là những yếu tố quan trọng tạo nên mối quan tâm đến năng lượng tương lai.
• 8/10 người đánh giá thiếu hụt nước, lương thực và năng lượng gây ảnh hưởng lớn nhất đến Việt Nam trong hoàn cảnh hạn chế về năng lượng.
• Năng lượng mặt trời (72%), năng lượng nước (58%) và năng lượng gió (47%) được lựa chọn làm nguồn cung cấp năng lượng.
• 3/5 người tin tưởng cộng đồng Việt Nam có vai trò lớn nhất trong việc xây dựng tương lai năng lượng.
• 8/10 người cho rằng giảm phát thải khí CO2 là quan trọng.
• Hầu hết người tham gia khảo sát có các hành vi giảm phát thải khí CO2. Nhiên liệu sinh học được cân nhắc đầu tiên vì tốt cho môi trường và có thể giảm phát thải khí CO2.
• 41% tin rằng sự hợp tác là yếu tố hàng đầu trong việc đưa ra các giải pháp năng lượng tương lai. Chính phủ (63%) đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng tương lai năng lượng, tiếp theo là người dân Việt Nam (59%) và ngành công nghiệp (53%).

Theo Bùi Tuyết/An ninh Thủ đô

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Marốc khởi công nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới



PDF.InEmail
Phuchoiacquy – Theo Tạp chí “Maghreb”, Vua Marốc Môhamét VI ngày 14/5 đã đặt viên gạch đầu tiên khởi công giai đoạn một xây dựng Tổ hợp năng lượng Mặt trời Noor tại tỉnh Ouarzazate với công suất ban đầu 160 MW.

Vua Morocco Mohammed VI bên mô hình nhà máy
điện Mặt trời tương lai (Ảnh: solarserver.com/VietnamPlus)
Sau 28 tháng xây dựng trên diện tích 3.000 ha, nhà máy điện Mặt trời tương lai này sẽ đi vào hoạt động và có thể đạt công suất tối đa 500 MW.
Chủ dự án là công ty Acwa Power của Arập Xêút, trong đó có vốn góp của bốn công ty Tây Ban Nha là Sener, Acciona, TSK và Aries. Chính phủ Đức cũng cam kết đóng góp 115 triệu euro.
Về phần mình, Ngân hàng phát triển châu Phi (BAD) tài trợ cho giai đoạn một của dự án này với khoảng 168 triệu euro. Đây là dự án thứ ba được BAD tài trợ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Marốc, sau nhà máy điện Mặt trời tại Ain Beni Matha (Ain Beni Mathar) và Chương trình khép kín năng lượng gió, nước và điện khí hóa nông thôn (PIEHER).
Là dự án lớn nhất và duy nhất thuộc loại này trên thế giới, tổ hợp năng lượng Mặt trời Noor được giới chuyên gia coi là biểu tượng của những nỗ lực của Chính phủ Marốc nhằm đáp ứng nhu cầu về điện trong tương lai phù hợp với chính sách phát triển bền vững.
Dự án này cũng góp phần đa dạng hóa nguồn sản xuất năng lượng (chủ yếu dựa trên năng lượng hóa thạch) của Marốc – nước phụ thuộc tới gần 97% vào nước ngoài để đáp ứng nhu cầu về năng lượng.
Ngoài ra, Noor cũng là dự án năng lượng Mặt trời đầu tiên ở châu Phi sử dụng “công nghệ năng lượng Mặt trời tập trung” và là giai đoạn quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh của Marốc.
Trong giai đoạn đầu, dự án Noor cho phép giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (khoảng 240.000 tấn khí điôxít cácbon/năm và trong 25 năm). Theo công ty tư vấn Ernst and Young, Marốc là nước thứ hai trên thế giới có sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài về phát triển dự án trong lĩnh vực năng lượng Mặt trời tập trung.
Theo TTXVN

Tổng quan lợi ích và ảnh hưởng của công trình thủy điện (Kỳ 2)



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, thủy điện cũng có nhiều bất lợi, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái như: giảm thiểu đa dạng sinh học và hiệu quả kinh tế đảo ngược từ việc cải tạo môi trường tự nhiên… Vấn đề là phải làm sao khi đưa ra quyết định xây dựng công trình thủy điện, chúng ta phải cố gắng phát huy tối đa các lợi ích của công trình và giảm thiểu các tác hại của chúng... Điều này có thể thực hiện được nếu chúng ta vận dụng một cách khoa học bài toán đa mục tiêu trong đánh giá hiệu quả dự án đầu tư thủy điện.
GVC.TS. PHẠM THỊ THU HÀTrường Đại học Bách khoa Hà Nội
Tác động bất lợi của thủy điện
Nhấn chìm rừng đầu nguồn
Theo các chuyên gia, để tạo 1MW công suất thủy điện, phải mất đi từ 10 - 30 ha rừng, và để có 1.000 ha hồ chứa nước cũng cần san phẳng, giải phóng từ 1.000 - 2.000 ha đất ở phía thượng nguồn.
Thủy điện An Khê - Ka Nak (ảnh Internet)
Như chúng ta đã biết, những chức năng sinh thái quan trọng nhất của rừng là điều hoà khí hậu, giữ và điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất. Rừng được xem là nhân tố tự nhiên quan trọng, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường sống của cả hành tinh. Việc phá rừng trong những thập kỉ gần đây đã gây ra những hậu quả sinh thái nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Biểu hiện rõ rệt nhất là sự gia tăng của nhiệt độ trái đất, hoạt động của bão lụt, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh… Bên cạnh đó, diện tích rừng ngày càng thu hẹp, dẫn đến đa dạng sinh học (ĐDSH ) rừng ngày càng bị suy giảm, các giống loài động, thực vật quí hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng đã và đang là nguyên nhân chính thức dẫn đến sự tàn phá của thiên tai ngày càng khốc liệt.
Đối với các sản phẩm hàng hóa thông thường, có thể dễ dàng xác định giá trị thông qua thị trường. Tuy nhiên, đối với các công trình lớn, có nhiều ý nghĩa kinh tế, xã hội và môi trường như công trình thủy điện, việc xác định giá trị của nó thường gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, nhiều tài sản môi trường là tài sản công cộng và đây là một đặc tính gây khó khăn cho việc vận dụng yếu tố thị trường để đánh giá các tài sản đó.
Để đo lường tổng giá trị kinh tế, các nhà kinh tế học bắt đầu bằng việc phân biệt giữa giá trị sử dụng và giá trị không sử dụng. Theo định nghĩa, giá trị sử dụng hình thành từ việc thực sự sử dụng môi trường. Việc xác định giá trị không sử dụng gặp nhiều vấn đề hơn. Nó thể hiện các giá trị phi phương tiện nằm trong bản chất thật của sự vật, nhưng nó không liên quan đến việc sử dụng thực tế hoặc thậm chí việc chọn lựa sử dụng sự vật này.
Như vậy, tổng giá trị kinh tế có được (hoặc mất đi nếu phá hoại một công trình môi trường) được hình thành từ giá trị sử dụng thực tế cộng với giá trị nhiệm ý cộng với giá trị tồn tại.
Giá trị sử dụng, bao gồm giá trị sử dụng trực tiếp và gián tiếp. Giá trị sử dụng trực tiếp được hiểu là giá trị hàng hoá, dịch vụ môi trường phục vụ trực tiếp cho con người, hoặc hoạt động kinh tế mà có thể nhìn thấy, cảm nhận được và thông thường có giá trên thị trường.
Giá trị sử dụng trực tiếp bao gồm: Giá trị tiêu thụ, được đánh giá dựa trên các sản phẩm được sử dụng hàng ngày trong cuộc sống của con người như: củi đun, động thực vật rừng và các sản phẩm khác sử dụng tại địa phương. Nhiều sản phẩm này không được trao đổi trên thị trường nên hầu như chúng không đóng góp gì vào GDP nhưng nếu không có những tài nguyên này thì cuộc sống của người dân sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Giá trị sản xuất: Là giá bán các sản phẩm thu được từ thiên nhiên trên thị trường trong và ngoài nước như: củi, gỗ, cây làm thuốc, hoa quả, thịt và da động vật... Giá trị sản xuất của các nguồn tài nguyên thiên nhiên là rất lớn, ngay cả những nước công nghiệp.
Giá trị sử dụng gián tiếp: Được hiểu là những giá trị mà ta có thể nhìn thấy, cảm nhận được, nó ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và liên quan đến chức năng của hệ sinh thái hay môi trường trong việc hậu thuẫn cho các hoạt động kinh tế xã hội, cũng như khả năng ngăn chặn các thiệt hại gây ra cho môi trường. Thông thường đối với giá trị loại này khó xác định giá trên thị trường và nhiều khi chúng là vô giá.
Giá trị không sử dụng: Thể hiện các giá trị phi phương tiện nằm trong bản chất thật của sự vật nhưng nó không liên quan đến việc sử dụng thực tế, hoặc thậm chí việc chọn lựa sử dụng sự vật này. Giá trị không sử dụng về cơ bản có hai loại: Giá trị tồn tại và giá trị lưu truyền.
Giá trị tồn tại: Liên quan đến việc xem xét về nhận thức của các nguồn tài nguyên dưới bất cứ hình thức nào. Trong thực tế giá trị này của hoạt động môi trường khó qui đổi ra tiền tệ do đó giá trị này được đánh giá dựa trên khả năng sẵn sàng chi trả của các cá nhân cho nguồn tài nguyên sau khi họ đã hiểu rất kỹ về nguồn tài nguyên đó.
Giá trị lưu truyền: Đây là giá trị dịch vụ môi trường được xem xét không chỉ cho thế hệ trước mắt mà còn cho các thế hệ mai sau. Do đó, việc đánh giá loại giá trị này không thể dựa trên cơ sở giá của thị trường mà còn phải dự đoán khả năng sử dụng chúng cho tương lai. Để đánh giá loại giá trị này, người ta phải lập các phương pháp dự báo.
Dòng chảy cạn kiệt
Về phía hạ lưu, do dòng chảy cạn kiệt, nhiều vùng bị xâm thực, nước biển dâng cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống.
Thay đổi dòng chảy
Việc xây dựng đập làm thay đổi dòng chảy đến các cửa sông, được coi là nguyên nhân làm sụt giảm nghiêm trọng nguồn cá. Cũng theo các nhà sinh học, khoảng 20% loài sinh vật nước ngọt trên bờ vực tuyệt chủng do tác động của những con đập ngăn các dòng sông.
Tác động trước tiên của các dự án thủy điện đó là làm biến đổi số lượng và chế độ dòng chảy của sông, ảnh hưởng không tốt đến hệ sinh thái thủy sinh trong sông ở hạ lưu các công trình.
Bên cạnh đó, nhiều công trình thuỷ điện dùng đường ống áp lực để dẫn nước từ hồ chứa đến nhà máy thuỷ điện, để tạo nguồn nước lớn, nâng cao hiệu quả phát điện, nên đoạn sông từ đập đến nhà máy không có nước trở thành một đoạn sông chết, có chiều dài từ vài km đến hàng chục km ngay sau tuyến đập chính. Ví dụ, sau tuyến đập của hồ sông Ba Hạ đoạn sông chết dài 8km, của hồ Đồng Nai 3 dài 4km, hồ thuỷ điện Nậm Chiến dài hơn 16km và nhiều hồ thuỷ điện nhỏ khác.
Ngăn dòng trầm tích
Ngoài gây sụt giảm sinh vật, đập chặn còn ngăn dòng trầm tích chảy xuống hạ lưu, khiến nhiều bờ sông suy yếu và sụt đáy sông.
Hạn chế cấp nước cho các mục tiêu khác
Trong mùa cạn, do chủ yếu chú ý đến sản lượng điện, nhiều hồ chứa thuỷ điện tăng cường việc tích nước để dự trữ phát điện, nên lượng nước xả xuống hạ lưu không đáng kể, đôi khi ngừng hoàn toàn. Từ đó, gây ảnh hưởng bất lợi đến việc cung cấp nước cho các mục đích sử dụng khác ở hạ du như: cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, giao thông, thuỷ sản... đồng thời làm biến đổi chế độ dòng chảy và suy thoái hệ sinh thái thủy sinh.
Thay đổi xấu chất lượng nước
Ngoài ra, việc sử dụng nước của thuỷ điện làm biến đổi rất nhiều chất lượng nước trong thời gian đầu tích nước vào lòng hồ do quá trình phân huỷ thực vật trong lòng hồ. Do thay đổi chế độ dòng chảy nên lượng các chất hữu cơ trong nước của các công trình thuỷ điện bị giảm, sự đa dạng và số lượng các loài cá và các loài thuỷ sinh bị thay đổi rõ rệt, đặc biệt là những loại di trú theo mùa, hoặc làm mất đi các bãi đẻ trong mùa sinh sản.
Một trong những nguyên nhân gây lũ lụt
Ngoài lý do thiên nhiên là mưa nhiều tạo nên lũ lụt, đôi lúc tác động của con người lại là nguyên nhân chính.
Gần đây, thông tin cho rằng, cứ xây hồ thủy điện là gây lũ lụt là hoàn toàn oan cho các dự án thủy điện. Dưới góc độ kĩ thuật, quản lí vận hành, hồ thủy điện chống lũ được nhiều hơn là gây nên lũ lụt. Có thể khẳng định, thủy điện không phải là nguyên nhân gây lũ lụt, mà quy hoạch sai, vận hành sai các công trình thủy điện mới là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt. Đó là chưa kể đến “công lao” của thủy điện trong khả năng điều tiết giảm thiểu nguy cơ lũ lụt.
Ở Việt Nam, lượng điện do thủy điện mang lại chiếm tỷ trọng khá lớn, nhu cầu dùng điện còn gia tăng trong khi phát triển các nguồn điện khác còn nhiều khó khăn do vốn, do trình độ kĩ thuật chưa cho phép… Thời gian qua, một số hồ thủy điện đã có những ảnh hưởng nhất định về môi trường như: gia tăng tình hình lũ ở hạ du, làm một số thác nước bị cạn kiệt, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
Trong các đợt lũ lớn xảy ra, đặc biệt ở miền Trung, Tây Nguyên, dư luận rộ lên nguyên nhân lũ lớn, do hồ thủy điện (HTĐ). Về chuyên môn đơn thuần, đầu tiên phải nói là thời tiết ngày càng phức tạp, tình hình rừng đầu nguồn bị chặt phá nên nước về nhiều, tiếp đó là có thể có nơi nào đó, do vận hành lũ của các hồ thủy điện chưa chính xác, dẫn đến lũ lớn (lớn hơn trường hợp nếu không có hồ thủy điện). Trước khi có những ý kiến cụ thể công và tội của công trình thủy điện có thể đưa ra một số luận giải như sau. Trước khi có hồ chứa nước Hòa Bình (trên Sông Đà), cứ tháng 5 tháng 6 hàng năm, các tỉnh phía hạ du, đặc biệt Hà Nội đã phải lo chống lũ. Khi có hồ chứa nước thủy điện Hòa Bình thì tình lũ lụt phía hạ du gần như được loại trừ. Sắp tới, khi hồ thủy điện Sơn La, Na Hang hoàn thành thì chắc không ai còn nghĩ tới chuyện lũ lụt ở Sông Hồng nữa.
Lũ do hồ thủy điện chỉ xảy ra khi nào, độ lớn bao nhiêu, biện pháp không chế (điều tiết) lũ ra sao…? cần được xem xét một cách thận trọng và có căn cứ khoa học để đúc kết ra các bài học cho tương lai lâu dài.
Vai trò chống lũ hay nguyên nhân gây ra lũ của hồ thủy điện
Tất cả các hồ thủy điện đều có chức năng tạo nên cột nước cao, giữ nước trong hồ (càng nhiều càng tốt khi điều kiện kinh tế, kĩ thuật cho phép) để phát điện. Lưu lượng qua tràn (đã được điều tiết tại hồ) rõ ràng phải nhỏ hơn lưu lượng nước đến, tức là giảm mức độ ngập lụt chứ không phải là làm trầm trọng thêm lũ lụt.
Quy trình vận hành hồ chứa liên quan mật thiết đến kết cấu tràn xả lũ, chỉ có hai loại hình kết cấu là: i) loại hình tràn xả lũ tự do (tràn hở) và ii) tràn xả lũ có cửa (tràn xả sâu). Hồ thủy điện có tràn hở đều có chức năng giảm lưu lượng và làm chậm lũ khi có lũ về, vì hồ bao giờ cũng trước tiên tự động tích trong hồ một lượng nước nhất định, sau đó mới xả về hạ lưu. Tuy nhiên, chỉ có các hồ chứa thủy điện loại nhỏ người ta mới dùng kết cấu tràn kiểu này. Vậy, hồ thủy điện có dạng tràn hở hoàn toàn không có lỗi gây úng lụt hạ lưu bất cứ khi mưa to hay nhỏ.
Khả năng gây lũ ở hạ lưu chỉ có thể gây nên trường hợp hồ thủy điện có tràn dạng xả sâu mà thôi. Dạng tràn xả sâu mới có khả năng đảm nhiệm được hai nhiệm vụ chính là: xả nước với lưu lượng lớn đảm bảo an toàn cho đập khi có lũ và xả nước trước khi lũ về tạo nên dung tích phòng lũ để cắt lũ.
Công trình điển hình là HTĐ Hòa Bình (khoảng 2 tỷ m3) và hồ Tam Hiệp (Hồ Bắc, Trung Quốc) đạt 38 tỷ m3 nước.
Chỉ khi có lũ lớn bất thường như khái niệm vừa nêu thì HTĐ mới có lỗi gây ra lũ. Lưu lượng lũ cần phải xả theo tần xuất tính toán là rất lớn, mức hàng trăm, hàng ngàn năm mới xuất hiện một lần - tùy theo cấp công trình. Công trình xả nước này được thiết kế với lưu lượng lớn gấp 5 - 10 lần lưu lượng trung bình nhiều năm của dòng tự nhiên. Như vậy, nhà quản lý công trình khi cần thiết nếu xả với lưu lượng lớn như vậy, về pháp lý không sai nhưng sẽ gây ngập lụt vô cùng nghiêm trọng cho hạ du.
Về nguyên tắc, xây dựng hồ chứa (cả thủy lợi lẫn thủy điện), nếu đúng quy trình vận hành, thì lưu lượng lũ hạ lưu các hồ đều được giảm lưu lượng lũ (đỉnh lũ thấp), thời gian lũ kéo dài hơn, càng nhiều hồ chứa thì đỉnh lũ càng thấp. Vậy, muốn tránh tối đa trường hợp HTĐ gây nên tội úng ngập hạ lưu thì cần tính toán thủy văn thủy lực cho HTĐ cần chính xác để có quy trình vận hành HTĐ đúng nhất, luôn tuân thủ nguyên tắc điều tiết nước, đảm bảo lưu lượng xả lũ qua hồ phải nhỏ hơn tổng lưu lượng vào hồ. Muốn vậy, áp dụng những biện pháp dự báo thủy văn dự báo lũ để tốt nhất, có các trạm đo thủy văn ở tất cả các nhánh sông lớn chảy vào hồ, có thiết bị đo lưu lượng nước xả tràn… việc làm này giúp HTĐ có quy trình vận hành tốt và có bằng chứng pháp lý bảo vệ HTĐ.
Vì tài nguyên nước là của chung nên khi cấp giấy phép xây dựng và vận hành một dự án thủy điện, nhà nước phải cân nhắc tính toán đến các lợi ích khác, thiết thực nhất là khả năng điều tiết lũ của hồ chứa. Như vậy, ngay từ đầu cần xác định rõ ràng bao nhiêu dung tích của hồ chứa sẽ được dùng để điều tiết lũ. Tóm lại, nguyên tắc chung, hồ thủy điện (HTĐ) đều có đóng góp rất lớn về mặt giảm lũ, chống lũ, hay nói cách khác, mỗi khi lập dự án hồ đều có nhiệm vụ điều tiết nước, giảm lũ hạ lưu mùa mưa và tăng mực nước mùa kiệt. Càng có nhiều hồ chứa trên một dòng sông thì khả năng giảm lũ càng lớn. Trường hợp HTĐ gây nên lũ, chỉ xảy ra khi lập quy trình hoặc vận hành sai quy trình mà thôi.
Việc làm quan trọng nhất cho giảm nguy cơ sinh lũ lụt vẫn là bảo vệ rừng đầu nguồn, đánh giá sự thay đổi thời tiết để kịp thời tìm ra đối sách hợp lý, luôn bổ sung, sửa chữa, nâng cao các kết cấu chống lũ lụt hiện có.
Một vài ví dụ cụ thể về ảnh hưởng xấu thủy điện
Theo một đề án nghiên cứu của cơ quan chuyên ngành, hồ thủy điện Hoà Bình làm ngập 6.609 héc ta, tương đương với dung tích điều tiết 5 tỉ m3 nước, bình quân ngập 1,3 héc ta/1 triệu m3; hồ Thác Bà ngập 16.629 héc ta, ứng với dung tích điều tiết 1,8 tỉ m3, trung bình ngập 9,2 héc ta/1 triệu m3.
Tổng diện tích ngập lụt quy về đất nông nghiệp của các hồ chứa trên sông Đà, sông Lô tham gia chống lũ cho đồng bằng sông Hồng là 47.534 héc ta. Tổng số dân phải di chuyển 174.607 người, với tổng chi phí đền bù khoảng 622 triệu đô la Mỹ.
Ngoài ra, tác động của các hồ chứa còn làm giảm độ phì nhiêu đối với vùng đồng bằng do lượng phù sa bị giữ lại trong lòng hồ; ước tính hàng năm của hồ chứa ở Việt Nam giữ lại trong lòng hồ khoảng 60-70 triệu m3 phù sa, trong đó có 1.610 tấn mùn, 1.260 tấn sun phát đạm, 292 tấn lân, 780 tấn kali.
Một số hồ thuỷ điện đã làm suy giảm, cạn kiệt dòng chảy ở lưu vực sông bị chuyển nước sang lưu vực khác như: hồ thuỷ điện An Khê - Kanak chuyển nước sông Ba sang sông Kone, thủy điện thượng Kon Tum chuyển nước từ nhánh sông Dak Bla thuộc lưu vực sông Sêsan sang lưu vực sông Trà Khúc.
Một số công trình thuỷ điện khác như: Dak Mi 4, Phước Hoà, Nậm Chiến... đều chuyển gần như toàn bộ lượng nước sau khi phát điện sang lưu vực khác. Việc xây dựng các hồ trữ làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên .
Ví dụ sau khi Nhà máy thủy điện Sơn La được xây dựng và đưa vào hoạt động thì cảnh quan thiên nhiên ở khu vực này thay đổi rõ rêt. Diện tích rừng bị ngập khoảng 2.500 - 3.100 ha (chiếm khoảng 7,02 - 11,2% tổng diện tích đất ngập) sẽ làm thay đổi đáng kể cảnh quan thiên nhiên khu vực này.
Việc thay đổi dòng chảy của sông dẫn tới sự thay đổi môi trường sống của cá. Theo chương trình Bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước lưu vực sông Mê Kông, số lượng loài cá tra dầu và cá heo Irrawaddy quý hiếm đã giảm đáng kể do việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mê Kông làm thay đổi dòng chảy dẫn đến thay đổi môi trường sống của cá.
Các đập thủy điện có thể gây thay đổi lớn trong chất lượng và khối lượng của nguồn nước uống và sinh hoạt. Theo thạc sĩ Nguyễn Vũ Huy, Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam, hệ thống sông Đồng Nai có tổng trữ lượng nước dưới đất 22 triệu m3/ngày (trữ lượng tĩnh: 10 triệu m3/ngày, trữ lượng động 12 triệu m3/ngày).
Làm cạn nước ngọt ở hạ lưu. Theo UBND thành phố Đà Nẵng, việc xây dựng Nhà máy thuỷ điện Đắk Mi4 tại Quảng Nam đã cắt dòng Đắk Mi - chiếm 1/3 lưu vực dòng Vu Gia, nhưng chiếm 50% lưu lượng nước của dòng sông lớn này - nhưng không trả về dòng cũ mà đổ về sông Thu Bồn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ lưu sông Vu Gia. Dòng sông này cung cấp nước cho gần 10.000 ha nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt cho 1,7 triệu dân thành phố Đà Nẵng và 2 huyện Đại Lộc và Điện Bàn của Quảng Nam.
Bên cạnh đó, sự cạn kiệt của dòng Vu Gia cũng gây những tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái của khu vực. Một số tài liệu gần đây cho biết, thủy điện vẫn có khả năng sinh khí nhà kính, đặc biệt là mê tan. Việc sinh khí mê tan là do các thực vật, tảo lắng trong các bể chứa, phân rã trong môi trường yếm khí dưới lòng hồ. Khí mê tan được thải vào khí quyển khi nước được xả ra từ các bể chứa và quay các turbin.
Các nhà môi trường, đã nhấn mạnh về các mối lo ngại của họ về việc các đập thủy điện cỡ lớn có thể gây phân đoạn hệ thống sinh thái của môi trường xung quanh.
Nói như vậy, không đồng nghĩa với việc không đầu tư xây dựng các nhà máy thuỷ điện để cung cấp nguồn năng lượng cho quốc gia phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao vừa xây dựng các nhà máy thuỷ điện nhưng hạn chế thấp nhất việc xâm hại rừng, cần phải đưa vào trong các tính toán hiệu quả thủy điện những chi phí cơ hội ở những phương án khác.
Rừng đầu nguồn bị xâm hại nghiêm trọng mới chính là một trong những nguyên nhân quan trọng gây lũ lụt chứ không phải tại các hồ thủy điện (HTĐ).
Một khía cạnh khác
Xây dựng các hồ thủy điện lớn với mục tiêu tích nước sản xuất điện, trong những giờ thấp điểm chỉ xả lưu lượng tối thiểu dẫn đến dòng chảy không đảm bảo đủ để đẩy mặn tại các tỉnh ven sông biển của đồng bằng sông Cửu Long. Điều này càng đặc biệt tệ hại trong bối cảnh biến đối khí hậu và mức nước biển ngày càng dâng cao!
Sự ổn định hai bờ sông cùng sinh thái hạ du bị huỷ hoại nghiêm trọng vì sự dao động mực nước trong ngày quá lớn do chế độ vận hành kiễu điều tiết ngày đêm và xảy ra hàng ngày.
Do vậy, quy trình vận hành kiểu điều tiết ngày đêm sẽ gây thiệt hại to lớn cho người dân ở vùng hạ lưu sông.
Chi phí đầu tư lớn
Chi phí ban đầu cho một hệ thống thuỷ điện thường lớn hơn so với các nhà máy nhiệt điện đốt nhiên liệu hoá thạch, và thời gian xây dựng kéo dài.
Suất chi phí đầu tư cho thủy điện thường lớn gấp 1,2 đến 1,5 lần so với nhà máy nhiệt điện. Chi phí này không chỉ đầu tư vào chính công trình mà có một phần đáng kể giành cho việc giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư ổn định của người dân. Trong điều kiện ngày hôm nay, khi mà yêu cầu về phát triển bền vững ngày càng khắt khe, yêu cầu về chất lượng cuộc sống ngày càng cao sẽ càng làm gia tăng suất chi phí đầu tư vào công trình thủy điện.
Bài viết đã hệ thống hóa khá toàn diện các lợi ích to lớn cũng như thiệt hại có thể có từ việc xây dựng các công trình thủy điện. Vấn đề là phải làm sao khi đưa ra quyết định xây dựng công trình thủy điện, chúng ta phải cố gắng phát huy tối đa các lợi ích của công trình và giảm thiểu các tác hại của chúng... Điều này có thể thực hiện được nếu chúng ta vận dụng một cách khoa học bài toán đa mục tiêu trong đánh giá hiệu quả dự án đầu tư thủy điện.
NangluongVietnam

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

"Thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ được định hình lại"



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Không chỉ tác động đến các kế hoạch đầu tư, cú sốc nguồn cung bắt nguồn từ sự bùng nổ sản lượng dầu mỏ ở Bắc Mỹ sẽ định hình lại các hoạt động vận chuyển, dự trữ và lọc dầu trên toàn cầu. Đây là cảnh báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong Báo cáo về triển vọng thị trường dầu mỏ thế giới năm năm tới, công bố ngày 14/5.
Giám đốc điều hành IEA Maria van der Hoeven cho biết, khu vực Bắc Mỹ từng gây ra một cú sốc nguồn cung làm chấn động cả thế giới. Là cái nôi của ngành công nghiệp dầu mỏ cách đây 150 năm, Bắc Mỹ sau đó đối mặt với xu hưởng giảm sản lượng không thể đảo ngược được.
Tuy nhiên, khu vực này hiện lại trở thành trung tâm dầu mỏ mới khi khai thác dầu mỏ và khí đốt đá phiến trở thành "cuộc đua vàng" trong thế kỷ 21, mang lại nguồn thu lên tới hàng chục tỷ USD và hàng trăm nghìn việc làm mới ở những vùng xa xôi.
Sự bùng nổ này đã tạo ra một nguồn cung năng lượng mới phát triển theo hướng có thể làm biến dạng thị trường trong năm năm tới, giống như tác động từ sự tăng cầu đột biến ở Trung Quốc trong 15 năm qua.
Theo báo cáo của IEA, sự "lên ngôi" của dầu khí đá phiến có thể biến Mỹ từ một nước nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới thành nước xuất khẩu thực sự trong năm tới. Một dự báo công bố tháng 11 năm ngoái của IEA đã khiến các phương tiện thông tin đại chúng giật tít "Mỹ trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới vào năm 2017 nhờ năng lượng đá phiến".

Theo IEA, sự "lên ngôi" của dầu khí đá phiến có thể biến Mỹ từ một nước
nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới thành nước xuất khẩu thực sự trong năm tới.
IEA dự báo nguồn cung của Bắc Mỹ sẽ tăng 3,9 triệu thùng/ngày trong thời gian từ năm 2012-2018, tương đương 2/3 tổng dự báo tăng trưởng nguồn cung 6,0 triệu thùng/ngày của các nước không thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Tuy nhiên, sản lượng dầu của các nước OPEC truyền thống ở Trung Đông cũng sẽ tiếp tục tăng trong năm năm tới, bất chấp những bất ổn chính trị ở các nước Arập. Vốn đã chiếm 35% sản lượng dầu mỏ toàn cầu, sản lượng của các nước OPEC sẽ tăng 1,75 triệu thùng/ngày lên 36,75 triệu thùng/ngày vào năm 2018.
Nguồn cung của các nước không thuộc OPEC trong năm 2013 sẽ tăng 50.000 thùng lên 54,5 triệu thùng/ngày, nhờ sản lượng cao ở Bắc Mỹ. IEA cũng nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới lên 90,6 triệu thùng/ngày trong năm 2013.
Sự bùng nổ năng lượng đá phiến đã bộc lộ mặt trái gây tranh cãi. Các nhà môi trường lo ngại, những công nghệ không thông thường được sử dụng trong quá trình khai thác nguồn năng lượng này có thể hủy hoại môi trường và làm gia tăng các vụ động đất.
Theo: TTXVN