Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Dân Trung Quốc lại biểu tình chống ô nhiễm nhà máy lọc dầu



PDF.
InEmail
Phuchoiacquy - Sau nhiều vụ biểu tình chống nạn ô nhiễm tại Trung Quốc, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện tại đất nước này. Hôm nay, báo Le Monde đăng bài phân tích, cho biết người dân tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc liên tục xuống đường phản đối dự án xây nhà máy lọc dầu và sản xuất hóa chất mà cư dân địa phương cho là sẽ tác hại đến môi trường.

Dân Côn Minh xuống đường phản đối dự án xây nhà máylọc dầu và sản xuất hóa chất paraxylene (REUTERS)
Theo báo Le Monde, với việc xây dựng nhà máy lọc dầu tại An Ninh, một thành phố nhỏ gần Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, 7 ngôi làng đã bị phá hủy và 3000 cư dân phải di tản. Mỗi hộ gia đình được đền bù 1100 nhân dân tệ (150 euro)/tháng/ người. Khoản đền bù này có thể kéo dài trong vòng một hoặc hai năm.
Từ sau các vụ xuống đường phản đối nạn ô nhiễm tại Côn Minh, người dân tại thành phố An Ninh cũng tự hỏi : « Người dân ở Côn Minh sống cách đây 30 km mà họ còn e ngại ô nhiễm gây tác hại đến sức khỏe. Vậy thì sức khỏe của chúng ta sẽ ra sao khi sống gần nhà máy độc hại này ? »
Nhà máy lọc dầu khổng lồ tại An Ninh có một vai trò chiến lược quan trọng, với tham vọng biến tỉnh Vân Nam thành một trung tâm thương mại và giao thông, nối liền Trung Quốc với Đông Nam Á. Với 45 triệu dân và giáp ranh với các nước Việt Nam, Lào, Miến Điện, tỉnh Vân Nam được chính phủ xem như điểm mấu chốt của sự phát triển trong tương lai.
Do đó, chính quyền đã hoạch định các dự án xây dựng đường sắt nối liền Côn Minh với Lào và Miến Điện. Đây được xem là bước đột phá đầy tính chiến lược của Trung Quốc bởi vì nhờ vào hệ thống giao thông này, Trung Quốc sẽ bớt lệ thuộc hơn vào eo biển Malacca, nơi trung chuyển phần lớn nhập khẩu dầu khí.

Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
Tờ báo điểm lại một số vụ biểu tình diễn ra tại Côn Minh phản đối ô nhiễm. Cuối tháng 3, người dân phát hiện dự án sản xuất paraxylene tại nhà máy lọc dầu, một loại hóa chất độc hại trong trường hợp nhà máy gặp sự cố. Từ đó, đã nổ ra ba cuộc biểu tình tại các thành phố ven biển như tại Hạ Môn vào năm 2007, Đại Liên (2011) và Ninh Ba (2012).
Ngày 04/05 vừa qua, hàng nghìn người dân Côn Minh đổ xuống đường đeo khẩu trang đen, giương biểu ngữ : « Tống chất paraxylene ra khỏi Côn Minh » hay « Đừng chấp nhận paraxylene ».
Tờ báo trích dẫn nhận định của một cư dân mạng, vốn quan tâm đến các vần đề về môi trường. Anh đã nêu bật một thực trạng không mấy khả quan : nhà máy lọc dầu không mang lại lợi ích gì cho người dân, về mặt công ăn việc làm cũng như giá cả xăng dầu, trái ngược hoàn toàn với những gì mà chính phủ đang vẽ ra. Đặc biệt, anh còn hay rằng nhà máy lọc dầu bị bộ Tài nguyên Môi trường chỉ trích đã khai gian các số liệu khí thải ô nhiễm và không sử dụng các phương tiện phòng ngừa ô nhiễm.
Trong những ngày sôi động chuẩn bị cho lần xuống đuờng phản đối ngày 16/05, chính quyền địa phương đã ra lệnh cho các trường đại học, các công ty quốc doanh, giới taxi và các tổ chức phi chính phủ (ONG) không được biểu tình. Bằng không, họ sẽ bị trừng phạt. Thế nhưng, người dân càng tức giận hơn vì họ ‘‘không còn tin tưởng nơi chính quyền’’ và cuộc biểu tình ngày 16/05 đã huy động đông đảo người tham gia.
Theo Le Monde, người dân Côn Minh nổi tiếng là ôn hòa, nhưng việc chính quyền địa phương cho xây cất liên tục mà không nghĩ đến lợi ích của dân, khiến cho người dân ‘‘tức nước vỡ bờ’’. Hơn nữa, Côn Minh có một truyền thống lâu đời bảo vệ sinh thái do có nhiều tổ chức phi chính phủ Trung Quốc và nước ngoài được đặt tại đây.
Tờ báo còn cho biết công an Trung Quốc đã « ghé thăm nhà của một nữ nhân viên kế toán, chuyên thông tin trên mạng Vi Bác (Twitter của Trung Quốc) về các cuộc biểu tình. Kết qủa là hai mẹ con đã bị gây khó dễ và tài khoản của cô đã bị khóa lại.
Tuy vậy, một cuộc biểu tình lớn khác được dự trù vào ngày 06/06 tới, một ngày biểu tượng vì chính quyền địa phương chọn ngày này để khai trương một hội chợ triển lãm nhằm quảng bá các kế hoạch phát triển đầy tham vọng của tỉnh Vân Nam.
RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét