Hiển thị các bài đăng có nhãn phục hồi ắc quy. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn phục hồi ắc quy. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Công nghệ muối nóng chảy lưu trữ năng lượng mặt trời



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Một cơ sở SolarReserve ở Mỹ đã phát triển dự án phát điện tại California, sử dụng công nghệ muối nóng chảy để lưu trữ nhiệt, tạo ra điện suốt ngày đêm. Điều đáng nói đây là chu trình sạch, vừa tiết kiệm nhiên liệu vừa không gây ô nhiễm.

Một "cánh đồng gương" thu nhiệt rọi vào tháp nóng chảy muối
Có một tòa tháp năng lượng mặt trời, được hàng ngàn gương tự động dõi vào hội tụ nhiệt. Nhưng nó không đun nóng nước thành hơi để phát điện ngay.
Hệ thống SolarReserve sử dụng nhiệt để làm nóng chảy muối. Các phần tử nitrat natri và nitrat kali không độc hại lưu trữ nhiệt rất lâu, rất hiệu quả và không gây ô nhiễm.
Trong một chu trình, ánh sáng mặt trời làm nóng muối nóng chảy giữ nhiệt đến 537,8 độ C. Nó được dẫn qua bể chứa nhiệt duy trì 98 phần trăm hiệu suất nhiệt. Lò hơi ở đây sinh ra hơi nước, phun vào turbin, quay máy phát điện. Có thể chạy lò hơi cả khi mặt trời “đi ngủ” đã lâu, vì nhiệt vẫn được giữ trong bể chứa nhiệt muối. Nhiệt thải ra gọi là “đuôi hơi” được tận dụng trở lại lò nước muối để tiếp tục duy trì giữ nhiệt.
SolarReserve thu thập và lưu trữ đủ năng lượng nhiệt mỗi ngày, để hoạt động hết công suất kể cả 8 tiếng sau khi mặt trời lặn.
Công nghệ muối nóng chảy đã được chứng minh trong các dự án năng lượng mặt trời trong sa mạc Mojave. Nó có khả năng sản xuất 10 MW điện. Hệ thống muối nóng chảy cho phép các nhà máy lưu trữ nhiệt trong các bể lớn.
Tại California, dự án tháp SolarReserve sản xuất 150 MW năng lượng mặt trời, công việc xây lắp trong một thời gian kỷ lục 13 tháng. Nó được đặt cách 48 km về phía tây bắc vùng Blythe, miền đông Quận Riverside.
Dự án này cung cấp khoảng 450.000 MWh điện hàng năm. Nguồn năng lượng này đủ để 68.000 gia đình tiêu thụ trong giờ cao điểm.
Điều này có thể hiểu, vào giờ thấp điểm, không cần lấy nhiều nhiệt đun lò hơi. Đêm khuya, cần bao nhiêu sẽ “đun” bấy nhiêu để sinh điện. Hiệu quả kinh tế cao.
Tài liệu không thấy nói thời gian hoàn vốn là bao nhiêu năm, cũng như diện tích “cánh đồng gương” chiếm bao nhiêu ha.

Giản đồ 1 chu trình phát điện
Một liên doanh ở Tây Ban Nha tại nhà máy Gemasolar cũng đã sản xuất điện kiểu này. Các bể muối bao gồm 60% kali nitrat và 40% natri nitrat. Hỗn hợp này có khả năng giữ nhiệt dài sau đó mà không độc hại đối với môi trường. Gemasolar dự kiến ​​sẽ sản xuất khoảng 110.000 MWh mỗi năm, đủ cung cấp cho 25.000 hộ gia đình.
Nguồn: phys.org

Cảnh giác với hành vi “nhuộm xanh” thủy điện



PDF.InEmail
Phuchoiacquy – Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International River – IR) vừa cho ra mắt bản hướng dẫn mang tên “Fight Back Against Greenwash” (tạm dịch: Chống lại hành vi “nhuộm xanh*”), như một công cụ giúp nhận diện và ứng phó với những gian lận có thể xảy ra khi đánh giá tác động môi trường, xã hội từ các dự án thủy điện.
Ngay từ khi mới ra đời, Bộ quy tắc Đánh giá Thủy điện bền vững (HSAP) do Hiệp hội Thủy điện Quốc tế xây dựng đã gây không ít tranh cãi. Những quan ngại về Bộ quy tắc không chỉ nằm ở những hạn chế của nó, mà người ta còn lo ngại rằng các nhà xây dựng đập thủy điện có thể lợi dụng nó để “nhuộm xanh” dự án của mình.
Theo nhận định từ Bản Hướng dẫn, là một công cụ đánh giá nhanh, HSAP chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết.
Theo đó, thiếu sự tham gia của cộng đồng bị ảnh hưởng và các tổ chức xã hội dân sự khi thực hiện đánh giá là một trong nhiều lỗ hổng của HSAP. Trong khi tính minh bạch, sự tham gia lại là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của quy hoạch năng lượng, theo khuyến cáo của Ủy ban Đập Thế giới.
Hơn nữa, HSAP lại được thiết lập bởi chính bản thân IHA nên có nguy cơ thiên vị và xung đột về quyền lợi.
Đặc biệt, HSAP không đánh giá tác động tích lũy lên đa dạng sinh học và sinh thái; tác động của đập lên toàn bộ lưu vực sông và nguồn nước bao gồm cả các tác động trong mối quan hệ với các dự án khác trên cùng lưu vực sông cũng bị bỏ qua. HSAP cũng không yêu cầu đánh giá dòng chảy môi trường và kế hoạch quản lý.

Ảnh minh họa
Trên thực tế, việc đánh giá dường như không mang lại nhiều ý nghĩa bởi vì khi một dự án thủy điện bị đánh giá thấp, các nhà xây dựng đập cũng không bị yêu cầu phải cải tiến chính sách hoặc cải thiện hoạt động của mình.
Thêm nữa, có lẽ các nhà xây dựng đập chỉ thực hiện đánh giá cho các đập mà họ biết rằng sẽ nhận được điểm cao hoặc với các con đập không gây tranh cãi.
Trong một số trường hợp, thậm chí các nhà xây dựng đập có thể sử dụng bộ công cụ HSAP để “nhuộm xanh” các con đập gây tác động tiêu cực. Trong trường hợp này, việc các tổ chức xã hội buộc nhà xây dựng đập có trách nhiệm giải trình là vô cùng quan trọng.
Bản hướng dẫn Chống lại hành vi “nhuộm xanh” ra đời vì lẽ đó nhằm hướng dẫn người dân, các tổ chức xã hội dân sự, các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đập và các nhà hoạt động biết cách “đọc” bản đánh giá, nhận diện được hành vi “nhuộm xanh” và buộc các nhà xây dựng đập có trách nhiệm giải trình.
Greenwash – một thuật ngữ tiếng Anh để nói về sự đánh bóng thương hiệu bằng mác thân thiện môi trường. Nó ám chỉ loại hàng hoá hay dịch vụ mang mác thân thiện với môi trường những thực chất không mang lại hiệu quả môi trường. Các loại hàng hóa, dịch vụ này và thường có giá cao hơn bình thường do phải cộng thêm một số phụ phí bảo vệ môi trường.
Theo Bạch Dương/ Diễn đàn Đầu tư

Khả năng cạnh tranh của năng lượng gió (Kỳ 1)



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Trong mối quan hệ giữa sản xuất điện với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, những gì diễn ra trong xu thế phát triển toàn cầu đã minh chứng rằng cách làm chủ quan, nóng vội và thiếu cân nhắc trong đánh giá tác động môi trường đều phải trả giá quá đắt cho những thảm họa khôn lường của những năm sau. Đi tìm sự hài hòa giữa phát triển điện năng với tăng trưởng kinh tế  và bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách. Nó không chỉ đặt ra ở tầm quốc gia, khu vực mà mang ý nghĩa hợp tác toàn cầu.
GVC.TS. PHẠM THỊ THU HÀTrường Đại học Bách khoa Hà Nội

Tại thời điểm hiện nay, phong điện có nhiều lợi thế cạnh tranh,
với các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hay thủy điện...
Tổng quan về nguồn điện hiện nay tại Việt Nam
Tổng công suất đặt các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia tính đến hết năm 2011 là 24.559MW (bao gồm 23.559MW công suất các nhà máy điện và 1.000MW nhập khẩu từ Trung Quốc), trong đó thủy điện chiếm tỷ trọng cao nhất (41,2%), nhiệt điện khí chiếm tỷ trọng thấp nhất (1,9%) trong 23.559 MW tổng công suất các nhà máy điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN sở hữu 100% vốn, hoặc giữ cổ phần chi phối các nhà máy điện, có tổng công suất là 14.026 MW, chiếm 57,1%; các nguồn điện BOT nước ngoài là 2.265 MW, chiếm khoảng 9,2%, và các nguồn IPP trong nước (do các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước, các nhà đầu tư tư nhân nhỏ lẻ khác) là 7.269 MW, chiếm tỷ trọng 33,7%. Cụ thể, phân loại nguồn điện loại hình và theo chủ sở hữu như hình sau:
Phân loại nguồn điện theo loại hình sản xuất

Nguồn: Viện Năng lượng
• Vùng Đông Bắc có NLMT thấp nhất.
• Tây Bắc và Bắc Trung bộ: khá.
• Từ Đà Nẵng trở vào: NLMT có tiềm năng rất tốt.
Nói chung NLMT ở Việt Nam có tiềm năng tốt và có khả năng khai thác ứng dụng hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay suất vốn đầu tư còn khá cao, khoảng 4 triệu - 5 triệu USD cho 1MW công suất đặt, trong khi đó các nhà máy điện truyền thống sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hoặc thủy điện lớn chỉ khoảng 0,8 đến 1,4 triệu USD cho 1MW công suất đặt.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước thập kỷ thứ hai của thế kỷ này, các nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời chưa có đủ sức cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.
Tổng quan về phong điện ở Việt Nam
Theo các kết quả đánh giá tiềm năng gió của Ngân hàng Thế giới (2001) thông qua một nghiên cứu được thực hiện cho bốn quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được xác định là quốc gia có tiềm năng gió lớn nhất so với các nước láng giềng trong khu vực như: Lào, Campuchia và Thái Lan. Tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam được ước tính vào khoảng 513,360 MW, cao hơn gấp sáu lần so với tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020.
Trong đó, những khu vực hứa hẹn nhất cho phát triển điện gió chủ yếu nằm ở các vùng ven biển và cao nguyên miền nam Trung bộ và miền Nam của Việt Nam.
Cũng theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, ước lượng khoảng 8,6% tổng 3 diện tích lãnh thổ Việt Nam có tiềm năng gió với mức từ “cao” đến “rất cao”, phù hợp cho việc triển khai tuabin gió cỡ lớn (với tốc độ gió trên 7 m/s).
Trong giai đoạn 2005 - 2030, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng 4 lần. Nhu cầu điện của Việt Nam tăng 10%/năm, đến năm 2025. Do đó, Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy tầm quan trọng của Năng lượng tái tạo và lập Tổng sơ đồ phát triển năng lượng tái tạo dài hạn. Ngoài ra, phát triển Năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn mang lại nhiều lợi ích như, kích thích phát triển nông thôn và tạo các cơ hội việc làm, cải thiện đường xá nông thôn, giảm nhiệt điện, do đó giảm chi phí môi trường từ các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trong trường hợp phát triển điện gió, Việt Nam có tiềm năng gió cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tổng tiềm năng năng lượng gió là 1.750MW. Tốc độ gió trung bình ở khu vực có gió tốt là 6m/s ở độ cao 60m.
Tiềm năng gió cao hơn ở miền Trung và miền Nam của đất nước (đặc biệt ở Tây Nguyên, hải đảo và các khu vực ven biển), tương ứng khoảng 880MW và 855MW. Ở miền Bắc, tiềm năng khoảng 50MW. Hiện nay, có một trang trại điện gió với tổng công suất 30 MW đang vận hành và một trang trại điện gió công suất 90 MW đang xây dựng.
Chính phủ và nhân dân bày tỏ sự ủng hộ phát triển điện gió, đặc biệt năng lượng gió sẽ đáp ứng nhu cầu điện đang tăng nhanh. Khung thể chế cho phát triển năng lượng tái tạo đang được xây dựng. Mục tiêu của phát triển điện gió ở Việt Nam là 5% trong tổng sản lượng điện vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.
Một nội dung chính của cơ chế khuyến khích được phê duyệt để thúc đẩy phát triển điện gió là giá điện quy định (FIT). FIT bằng 7,8 US cent/kWh. Trong đó, EVN có nghĩa vụ mua điện từ các dự án điện gió ở mức giá 6,8USc/kWh. Bù giá từ ngân sách Nhà nước cho chủ đầu tư dự án điện gió là 0,1UScent/ kWh (từ Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam). Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ này cũng bao gồm giảm và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, phí sử dụng đất, VAT và phí môi trường.
Tóm lại, những bước đầu tiên và những khuyến khích đã được thực hiện đối với phát triển điện gió trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên, có nhiều việc cần phải làm trước khi năng lượng gió đóng vai trò quan trọng trong phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam trong tương lai. Đã có ý chí chính trị, nhưng cần nhiều hơn những biện pháp cụ thể trong các năm tới cho phát triển điện gió ở Việt Nam.
Tại thời điểm hiện nay, phong điện có nhiều lợi thế cạnh tranh, với các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay thủy điện lớn hơn nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời. Ước tính suất chi phí đầu tư khoảng 2 đến 2,5 triệu USD cho 1MW công suất đặt… hiện nay, công suất đặt của điện gió là 30MW, tương đương dưới 1% so với tổng công suất của hệ thống điện Việt Nam.
Kỳ 2: Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của điện gió
NangluongVietnam.

Pakistan và chính sách tiết kiệm điện 'độc nhất vô nhị'



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Pakistan hiện đang thi hành chính sách “độc nhất vô nhị” trong cuộc chiến thiếu điện năng trầm trọng bằng cách tắt máy điều hòa trong các cơ quan nhà nước và cấm nhân viên đi bít tất. Giải pháp “bất thường” của chính phủ Pakistan nhằm giúp tiết kiệm nguồn điện năng eo hẹp trong bối cảnh nhiều khu vực tại quốc gia này vẫn chìm trong bóng tối vì cắt điện.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu điện là do các nhà máy điện đã quá lỗi thời,
công suất bị sụt giảm mạnh cùng với việc chính phủ không đủ khả năng trả tiền mua điện.
Giới công chức tại Pakistan đều nhận được một biên bản thông báo về mẫu trang phục mới, bắt đầu có hiệu lực từ tuần trước. Theo đó, mọi nhân viên văn phòng sẽ đi xăng đan hoặc giày lười đi làm nhưng không được đi bít tất.
“Tất cả thiết bị điều hòa trong văn phòng công sở sẽ không được sử dụng cho tới khi tình hình cung cấp điện năng được cải thiện. Quy định trang phục bắt buộc gồm áo trắng hay sáng màu (cộc tay hoặc dài tay) cùng quần dài sáng màu, hoặc trang phục truyền thống shalwar kameez với áo gi-lê và giày lười, hoặc xăng đan không kèm bít tất. Công chức sẽ có 7 ngày để chuẩn bị trang phục và thực hiện theo quy định mới”, một quan chức chính phủ Pakistan nói.
Giải pháp “bất thường” của chính phủ Pakistan nhằm giúp tiết kiệm nguồn điện năng eo hẹp trong bối cảnh nhiều khu vực tại quốc gia này vẫn chìm trong bóng tối vì cắt điện.
Theo thống kê, các công ty điện tại Pakistan mới chỉ cung cấp 2/3 tổng điện năng yêu cầu. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu điện là do các nhà máy điện đã quá lỗi thời, công suất bị sụt giảm mạnh cùng với việc chính phủ không đủ khả năng trả tiền mua điện cho các công ty.
Phần lớn các nhà máy điện tại Pakistan đều được xây dựng vào những năm 1960 và tình trạng hạn hán cũng đang đe dọa tới nguồn cung cấp nước phục vụ hoạt động tại nhà máy.

Tại khu vực phía tây bắc sát biên giới với Afghanistan,
tình hình còn tồi tệ hơn khi nguồn điện cung cấp chỉ từ 5 - 6 giờ/ngày.
Bộ trưởng Nước và Điện Pakistan - Musadik Malik cho rằng chính sự thờ ơ trong việc phối hợp hợp tác của Bộ Dầu mỏ và Tài chính đã khiến tình trạng thiếu điện có cơ hội hoành hành.
Tình trạng mất điện trên diện rộng kéo dài suốt 20 giờ đồng hồ từng được ghi nhận tại thành phố Faisalabad và Gujranwala, thậm chí thủ đô Islamabad cũng không là ngoại lệ.
Tại thành phố Peshawar, việc cắt điện thường xuyên kéo dài tới 14 giờ đồng hồ. Đặc biệt, khu vực phía tây bắc sát biên giới với Afghanistan, tình hình còn tồi tệ hơn khi nguồn điện cung cấp chỉ từ 5 - 6 giờ/ngày.
Thậm chí, tình trạng cắt điện liên miên đã hủy hoại cả nền công nghiệp của thành phố Punjab. Còn tại Lahore - thành phố lớn thứ 2 tại Pakistan, người dân chịu cảnh sống dưới cái nắng thiêu đốt 40 độ C trong khi nguồn cung cấp điện bị cắt từ 12 - 14 giờ/ngày.
Trang phục công sở mới của Pakistan yêu cầu các công chức không đi bít tất
Trong buổi họp báo tại thành phố Lahore hôm 20/5, bộ trưởng Malik và Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên và Dầu mỏ - Sohail Wajahat Siddiqui khẳng định “chưa có giải pháp cho cuộc khủng hoảng điện hiện nay”. Tờ Daily Times dẫn lời các bộ trưởng cho biết: “Dựa trên bối cảnh hiện tại, chúng tôi sẽ thực hiện chính sách tăng giá điện và gas trên mọi lĩnh vực”.
Nguồn: Infonet

Ngân hàng Thế giới trở lại với các dự án thủy điện lớn



PDF.InEmail
Phuchoiacquy – Ngân hàng Thế giới (WB) đang quay trở lại với chính sách mà Ngân hàng này đã từ bỏ cách đây một thập kỷ trong nỗ lực thúc đẩy các dự án thủy điện quy mô lớn trên khắp thế giới và xem đây như một giải pháp quan trọng để hóa giải mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và kiểm soát lượng phát thải các-bon.
Vốn vay cho phát triển thủy điện của WB đang tăng đều đặn trong những năm gần đây và xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp diễn trong bối cảnh bùng nổ toàn cầu về thủy điện.
Các dự án thủy điện quan trọng ở Congo, Zambia, Nepal và một số khu vực khác được biết là một phần hoạt động gây quỹ của Ngân hàng từ các quốc gia giàu có.
Các dự án này từng bị tẩy chay vào những năm 1990, một phần vì chúng có thể ảnh hướng tới cộng đồng và hệ sinh thái. Nhưng giờ đây, chúng lại có hy vọng khi WB nhìn nhận các dự án thủy điện lớn là giải pháp quan trọng giúp châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á… giảm nghèo mà vẫn kiểm soát được lượng phát thải các-bon.
Tuy nhiên thực tế, đây vẫn còn là quan điểm gây tranh cãi bởi mặc dù những đập thủy điện lớn sản xuất ra điện sạch và rẻ hơn nhưng trong quá trình xây dựng khó tránh khỏi phải di chuyển những ngôi làng trong vùng hồ thủy điện, đồng thời hủy hoại sinh kế của người dân.

Thủy điện sản xuất ra nguồn điện sạch, giá rẻ nhưng cũng đem đếnnhiều tác động xã hội và môi trường (Ảnh: Alliancecomm)
Trước đó, năm 2009, Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo đánh giá về thủy điện. Báo cáo một mặt thừa nhận những rủi ro lớn về môi trường và xã hội của các đập lớn, song mặt khác khẳng định tiềm năng thủy điện to lớn chưa được khai thác ở châu Phi và châu Á có thể giúp cấp điện cho hàng trăm triệu người thiếu điện.
Tin rằng năng lượng chính là chìa khóa đưa các nước thoát nghèo, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB, đang nỗ lực theo đuổi chính sách thúc đẩy các dự án thủy điện quy mô lớn mà Ngân hàng đã từ bỏ cách đây một thập kỷ bất chấp những hồ nghi cho rằng các dự án lớn này có lợi cho phía chủ đầu tư thủy điện hơn là các cộng đồng nghèo địa phương.
DĐĐT/Timesdispatch.com

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Mặc dù Trung Quốc tỏ ra khó chịu về mối quan hệ năng lượng đang ngày càng bền chặt giữa Ấn Độ và Việt Nam, New Delhi vẫn đang lên kế hoạch ‘bơm’ thêm 145,94 triệu USD vào lĩnh vực khai thác khí đốt ở Biển Đông.

Một dàn khoan Ấn Độ liên doanh với Việt Nam trên Biển Đông. (Ảnh: India TV)
Mặc dù phía Trung Quốc liên tục tỏ thái độ khó chịu với sự hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, nhưng điều đó không ngăn cản được New Delhi bắt tay chặt hơn và động thái này của Ấn Độ được cho là đã thể hiện những ý nghĩa chiến lược. Nội các của Liên minh Ấn Độ sẽ xem xét đề nghị này.
Với khoản đầu tư trên, Ấn Độ đang muốn nâng cao cổ phẩn của OVL, công ty con chuyên hoạt động ở nước ngoài của Tập đoàn Dầu và Khí đốt tự nhiên ONGC, trong liên minh khai thác khí đốt tại lô 6.1 thuộc bể Nam Côn Sơn, ngoài khơi bờ biển phía nam của Việt Nam. Hiện tại, OVL sở hữu 45% cổ phần, trong khi BP (British Petroleum) có 35% và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu 20% cổ phiếu còn lại.
Khi BP rút khỏi liên doanh để thu tiền bù đắp cho những tổn thất phát sinh trong vụ tràn dầu tại Vịnh Mexico, OVL đã xem xét mua lại số cổ phần này. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang sẵn sàng chào đón những công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là ở những vùng biển thuộc chủ quyền ở Biển Đông.
Ngoài hai mỏ khí ngoài khơi, liên doanh cũng đang tiến hành một dự án năng lượng và đường ống dẫn.
Theo tờ Hindustan Times (Ấn Độ), trước đây, Trung Quốc đã phản đối sự tham gia hợp tác của OVL với Việt Nam trong việc khai thác lô số 127 và 128 ở Biển Đông ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Việt Nam đã kiên quyết khẳng định chủ quyền đối với hai lô này, bởi chúng hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Một quan chức Ấn Độ có liên quan đến kế hoạch này cho biết: "Lô khí đốt này không nằm trong khu vực tranh chấp, dự án sẽ đem lại cho chúng tôi doanh thu tốt”.
Phạm Khánh (Infonet)

Triển khai thực hiện lộ trình bắt buộc sử dụng xăng E5



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - “Các đơn vị sản xuất, phân phối nhiên liệu sinh học (xăng E5) phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học vào nhiên liệu truyền thống và gửi về Bộ Công Thương trước ngày 5/6 tới”.
Đó là kết luận của Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học và xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học vào nhiên liệu truyền thống diễn ra vào ngày 16/5.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phú Cường, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương trình bày báo cáo tình hình thực hiện đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025. Đến nay cả nước có 7 doanh nghiệp đầu tư sản xuất ethanol nhiên liệu với công xuất thiết kế trên 600 triệu lít ethanol/năm. Tuy nhiên do khó khăn về vốn đầu tư cùng với tình hình tiêu thụ sản phẩm nhiên liệu sinh học trên thực tế rất chậm nên các dự án hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, ngoài sự tham gia tích cực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Saigon Petro, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác chưa chủ động tích cực đầu tư phát triển mạng lưới phân phối khiến tốc độ phát triển mạng lưới phân phối chậm chạp, không đáp ứng được tốc độ phát triển của các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học.
Thực tế triển hai cho thấy, hiện cả nước mới có PVN đầu tư 5 cơ sở pha chế xăng E5 tại Đình Vũ, Nhà Bè, Liên Chiểu, Vũng Tàu và 4 kho đầu mối phục vụ kinh doanh xăng E5. Hệ thống phân phối xăng E5 trên toàn quốc đã có 175 cửa hàng thuộc hệ thống của PV Oil/Petec (PVN), Saigon Petro thuộc 34 tỉnh/thành phố lớn.
Trong khi đó, doanh nghiệp chiếm thị phần kinh doanh xăng dầu lớn nhất cả nước (50%) là Petrolimex vẫn chưa có kế hoạch đầu tư. Lý giải về sự chậm chễ này, đại diện Petrolimex cho biết tập đoàn đã quy hoạch lại toàn bộ kho xăng dầu để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình của Chính phủ với việc bắt buộc áp dụng tiêu thụ xăng E5. Tuy nhiên, do gặp khó khăn lớn về tài chính khi kinh doanh xăng dầu bị lỗ trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho các hệ thống phân phối sản phẩm E5 trên phạm vi toàn quốc là rất lớn, Petrolimex vẫn tiếp tục phải cân nhắc phương án đầu tư hiệu quả nhất để triển khai.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là đơn vị tiên phong
trong việc phát triển nhiên liệu sinh học.
Ông Nguyễn Phú Cường lo lắng vì đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo Quyết định 53 của Thủ tướng.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định: Bộ Công Thương và các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học phải quyết tâm thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về thực hiện lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Không có lý do gì để mà cứ gặp khó khăn lại đề nghị điều chỉnh lộ trình bởi vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, hiệu quả đầu tư, đời sống người trồng sắn... đều phụ thuộc cả vào việc thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu này,
Bộ Công Thương đề nghị các bộ liên quan thực hiện tốt và đầy đủ trách nhiệm được giao, tăng cường phối hợp chặt chẽ, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn để thực hiện đúng lộ trình. Về phía các doanh nghiệp, PVN, Petrolimex và 11 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu phải “ngồi lại” thảo luận trực tiếp với nhau để cùng tháo gỡ vướng mắc.
Các đơn vị cũng cần khẩn trương lập kế hoạch cụ thể, chi tiết thực hiện Lộ trình phối trộn này và gửi về Bộ Công Thương trước ngày 5/6 tới đây.
Petrotimes

Trung Quốc xây đập thủy điện cao nhất nước



PDF.InEmail
Phuchioacquy - Bộ Môi trường Trung Quốc ngày 15/5 đã “bật đèn xanh” cho việc xây dựng một đập thủy điện cao nhất nước, mặc dù báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thừa nhận con đập có thể gây tác động tiêu cực tới hệ thực vật và một số loài cá hiếm.
Đập thủy điện cao đến 314m nói trên sẽ được xây dựng trên sông Đại Độ (Dadu) thuộc tỉnh Tứ Xuyên, miền Nam Trung Quốc. Quá trình thi công công trình này kéo dài 10 năm, do một chi nhánh của Tập đoàn Năng lượng Quốc doanh Quốc Điện (Guodian) tiến hành, trị giá 24,7 tỷ NDT (tương đương 3,1 tỷ euro).

Một góc đập Tam Hiệp (Ảnh: Carlos Barria/Reuters)
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nhiên liệu phi hóa thạch trong tổng sản lượng năng lượng tiêu thụ từ 9,4% năm 2011 lên 15% vào năm 2020, và thủy điện được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng nhất trong số đó.
Chính quyền Bắc Kinh trong năm nay cũng tuyên bố phấn đấu đạt tổng công suất thủy điện từ nay đến năm 2015 vào khoảng 290 Gigawatt, so với cuối năm 2010 là 220 Gigawatt. Bắc Kinh cũng loan báo việc xây dựng đập thủy điện trên dòng Nộ Giang ở tỉnh Vân Nam.
Trước đó, đập thủy điện lớn nhất thế giới Tam Hiệp đã gây ra nhiều tranh cãi trên thế giới do các tác hại về sinh thái cũng như đối với cư dân. Có 1,8 triệu người dân đã bị di dời, 15 thành phố và 116 ngôi làng bị chìm ngập dưới lòng hồ, chưa kể các tác động tiêu cực lên 75 triệu người sống ở vùng hạ lưu sông.
Theo TTXVN

"Nga sẽ xây nhà máy điện hạt nhân an toàn nhất cho Việt Nam"



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Theo Tiếng nói nước Nga, tại cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, người đứng đầu Tập đoàn Rosatom (đơn vị trực tiếp tư vấn, xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận) - Sergey Kiriyenko khẳng định, Nga sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam an toàn nhất và tiên tiến nhất.

Ông Sergey Kiriyenko
Trước đó, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Chúng tôi đồng ý với nhau rằng sẽ tích cực hợp tác trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, để dự án phát triển theo đúng lịch trình đã định, với việc sử dụng công nghệ tiên tiến nhất bảo đảm an toàn mức cao nhất cho nhà máy".
Thủ tướng Medvedev cũng bày tỏ hy vọng Việt Nam và Nga có thể hợp tác không chỉ trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, mà còn trong việc hình thành cơ sở hạ tầng tương ứng.
Mới đây, để chuẩn bị nhân lực cho việc thi công nhà máy điện hạt nhân, Tổng công ty Sông Đà, đã đưa đoàn kỹ sư và công nhân của Tổng công ty sang thực tập trên công trường nhà máy điện hạt nhân Rostov, thuộc thành phố Volgadonsk, LB Nga.
Đợt thực tập thuộc chương trình hợp tác đào tạo giữa Tổng công ty Sông Đà và Công ty CP NIAEP, là kết quả của Biên bản thỏa thuận khung được ký giữa Tổng công ty Sông Đà với Công ty CP Niaep thuộc Tập đoàn Rosatom Liên bang Nga ngày 25/4/2012.
Nhà máy điện hạt nhân Rostov là một trong những dự án năng lượng lớn của miền nam nước Nga, có công nghệ tiên tiến, được thiết kế 4 tổ máy với công suất là 4.000MW.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ xây dựng 13 tổ máy điện hạt nhân.
Dự kiến đến năm 2020, sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành với công suất 1.000 MW, tổ máy 2 vận hành vào năm 2021.
Đồng thời, khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và tiến hành công tác chuẩn bị địa điểm cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo.
Kế hoạch là đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW và sẽ tăng lên 15.000 MW vào năm 2030 (chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện).
NangluongVietnam

Marốc khởi công nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới



PDF.InEmail
Phuchoiacquy – Theo Tạp chí “Maghreb”, Vua Marốc Môhamét VI ngày 14/5 đã đặt viên gạch đầu tiên khởi công giai đoạn một xây dựng Tổ hợp năng lượng Mặt trời Noor tại tỉnh Ouarzazate với công suất ban đầu 160 MW.

Vua Morocco Mohammed VI bên mô hình nhà máy
điện Mặt trời tương lai (Ảnh: solarserver.com/VietnamPlus)
Sau 28 tháng xây dựng trên diện tích 3.000 ha, nhà máy điện Mặt trời tương lai này sẽ đi vào hoạt động và có thể đạt công suất tối đa 500 MW.
Chủ dự án là công ty Acwa Power của Arập Xêút, trong đó có vốn góp của bốn công ty Tây Ban Nha là Sener, Acciona, TSK và Aries. Chính phủ Đức cũng cam kết đóng góp 115 triệu euro.
Về phần mình, Ngân hàng phát triển châu Phi (BAD) tài trợ cho giai đoạn một của dự án này với khoảng 168 triệu euro. Đây là dự án thứ ba được BAD tài trợ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Marốc, sau nhà máy điện Mặt trời tại Ain Beni Matha (Ain Beni Mathar) và Chương trình khép kín năng lượng gió, nước và điện khí hóa nông thôn (PIEHER).
Là dự án lớn nhất và duy nhất thuộc loại này trên thế giới, tổ hợp năng lượng Mặt trời Noor được giới chuyên gia coi là biểu tượng của những nỗ lực của Chính phủ Marốc nhằm đáp ứng nhu cầu về điện trong tương lai phù hợp với chính sách phát triển bền vững.
Dự án này cũng góp phần đa dạng hóa nguồn sản xuất năng lượng (chủ yếu dựa trên năng lượng hóa thạch) của Marốc – nước phụ thuộc tới gần 97% vào nước ngoài để đáp ứng nhu cầu về năng lượng.
Ngoài ra, Noor cũng là dự án năng lượng Mặt trời đầu tiên ở châu Phi sử dụng “công nghệ năng lượng Mặt trời tập trung” và là giai đoạn quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh của Marốc.
Trong giai đoạn đầu, dự án Noor cho phép giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (khoảng 240.000 tấn khí điôxít cácbon/năm và trong 25 năm). Theo công ty tư vấn Ernst and Young, Marốc là nước thứ hai trên thế giới có sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài về phát triển dự án trong lĩnh vực năng lượng Mặt trời tập trung.
Theo TTXVN

Tổng quan lợi ích và ảnh hưởng của công trình thủy điện (Kỳ 2)



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, thủy điện cũng có nhiều bất lợi, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái như: giảm thiểu đa dạng sinh học và hiệu quả kinh tế đảo ngược từ việc cải tạo môi trường tự nhiên… Vấn đề là phải làm sao khi đưa ra quyết định xây dựng công trình thủy điện, chúng ta phải cố gắng phát huy tối đa các lợi ích của công trình và giảm thiểu các tác hại của chúng... Điều này có thể thực hiện được nếu chúng ta vận dụng một cách khoa học bài toán đa mục tiêu trong đánh giá hiệu quả dự án đầu tư thủy điện.
GVC.TS. PHẠM THỊ THU HÀTrường Đại học Bách khoa Hà Nội
Tác động bất lợi của thủy điện
Nhấn chìm rừng đầu nguồn
Theo các chuyên gia, để tạo 1MW công suất thủy điện, phải mất đi từ 10 - 30 ha rừng, và để có 1.000 ha hồ chứa nước cũng cần san phẳng, giải phóng từ 1.000 - 2.000 ha đất ở phía thượng nguồn.
Thủy điện An Khê - Ka Nak (ảnh Internet)
Như chúng ta đã biết, những chức năng sinh thái quan trọng nhất của rừng là điều hoà khí hậu, giữ và điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất. Rừng được xem là nhân tố tự nhiên quan trọng, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường sống của cả hành tinh. Việc phá rừng trong những thập kỉ gần đây đã gây ra những hậu quả sinh thái nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Biểu hiện rõ rệt nhất là sự gia tăng của nhiệt độ trái đất, hoạt động của bão lụt, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh… Bên cạnh đó, diện tích rừng ngày càng thu hẹp, dẫn đến đa dạng sinh học (ĐDSH ) rừng ngày càng bị suy giảm, các giống loài động, thực vật quí hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng đã và đang là nguyên nhân chính thức dẫn đến sự tàn phá của thiên tai ngày càng khốc liệt.
Đối với các sản phẩm hàng hóa thông thường, có thể dễ dàng xác định giá trị thông qua thị trường. Tuy nhiên, đối với các công trình lớn, có nhiều ý nghĩa kinh tế, xã hội và môi trường như công trình thủy điện, việc xác định giá trị của nó thường gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, nhiều tài sản môi trường là tài sản công cộng và đây là một đặc tính gây khó khăn cho việc vận dụng yếu tố thị trường để đánh giá các tài sản đó.
Để đo lường tổng giá trị kinh tế, các nhà kinh tế học bắt đầu bằng việc phân biệt giữa giá trị sử dụng và giá trị không sử dụng. Theo định nghĩa, giá trị sử dụng hình thành từ việc thực sự sử dụng môi trường. Việc xác định giá trị không sử dụng gặp nhiều vấn đề hơn. Nó thể hiện các giá trị phi phương tiện nằm trong bản chất thật của sự vật, nhưng nó không liên quan đến việc sử dụng thực tế hoặc thậm chí việc chọn lựa sử dụng sự vật này.
Như vậy, tổng giá trị kinh tế có được (hoặc mất đi nếu phá hoại một công trình môi trường) được hình thành từ giá trị sử dụng thực tế cộng với giá trị nhiệm ý cộng với giá trị tồn tại.
Giá trị sử dụng, bao gồm giá trị sử dụng trực tiếp và gián tiếp. Giá trị sử dụng trực tiếp được hiểu là giá trị hàng hoá, dịch vụ môi trường phục vụ trực tiếp cho con người, hoặc hoạt động kinh tế mà có thể nhìn thấy, cảm nhận được và thông thường có giá trên thị trường.
Giá trị sử dụng trực tiếp bao gồm: Giá trị tiêu thụ, được đánh giá dựa trên các sản phẩm được sử dụng hàng ngày trong cuộc sống của con người như: củi đun, động thực vật rừng và các sản phẩm khác sử dụng tại địa phương. Nhiều sản phẩm này không được trao đổi trên thị trường nên hầu như chúng không đóng góp gì vào GDP nhưng nếu không có những tài nguyên này thì cuộc sống của người dân sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Giá trị sản xuất: Là giá bán các sản phẩm thu được từ thiên nhiên trên thị trường trong và ngoài nước như: củi, gỗ, cây làm thuốc, hoa quả, thịt và da động vật... Giá trị sản xuất của các nguồn tài nguyên thiên nhiên là rất lớn, ngay cả những nước công nghiệp.
Giá trị sử dụng gián tiếp: Được hiểu là những giá trị mà ta có thể nhìn thấy, cảm nhận được, nó ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và liên quan đến chức năng của hệ sinh thái hay môi trường trong việc hậu thuẫn cho các hoạt động kinh tế xã hội, cũng như khả năng ngăn chặn các thiệt hại gây ra cho môi trường. Thông thường đối với giá trị loại này khó xác định giá trên thị trường và nhiều khi chúng là vô giá.
Giá trị không sử dụng: Thể hiện các giá trị phi phương tiện nằm trong bản chất thật của sự vật nhưng nó không liên quan đến việc sử dụng thực tế, hoặc thậm chí việc chọn lựa sử dụng sự vật này. Giá trị không sử dụng về cơ bản có hai loại: Giá trị tồn tại và giá trị lưu truyền.
Giá trị tồn tại: Liên quan đến việc xem xét về nhận thức của các nguồn tài nguyên dưới bất cứ hình thức nào. Trong thực tế giá trị này của hoạt động môi trường khó qui đổi ra tiền tệ do đó giá trị này được đánh giá dựa trên khả năng sẵn sàng chi trả của các cá nhân cho nguồn tài nguyên sau khi họ đã hiểu rất kỹ về nguồn tài nguyên đó.
Giá trị lưu truyền: Đây là giá trị dịch vụ môi trường được xem xét không chỉ cho thế hệ trước mắt mà còn cho các thế hệ mai sau. Do đó, việc đánh giá loại giá trị này không thể dựa trên cơ sở giá của thị trường mà còn phải dự đoán khả năng sử dụng chúng cho tương lai. Để đánh giá loại giá trị này, người ta phải lập các phương pháp dự báo.
Dòng chảy cạn kiệt
Về phía hạ lưu, do dòng chảy cạn kiệt, nhiều vùng bị xâm thực, nước biển dâng cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống.
Thay đổi dòng chảy
Việc xây dựng đập làm thay đổi dòng chảy đến các cửa sông, được coi là nguyên nhân làm sụt giảm nghiêm trọng nguồn cá. Cũng theo các nhà sinh học, khoảng 20% loài sinh vật nước ngọt trên bờ vực tuyệt chủng do tác động của những con đập ngăn các dòng sông.
Tác động trước tiên của các dự án thủy điện đó là làm biến đổi số lượng và chế độ dòng chảy của sông, ảnh hưởng không tốt đến hệ sinh thái thủy sinh trong sông ở hạ lưu các công trình.
Bên cạnh đó, nhiều công trình thuỷ điện dùng đường ống áp lực để dẫn nước từ hồ chứa đến nhà máy thuỷ điện, để tạo nguồn nước lớn, nâng cao hiệu quả phát điện, nên đoạn sông từ đập đến nhà máy không có nước trở thành một đoạn sông chết, có chiều dài từ vài km đến hàng chục km ngay sau tuyến đập chính. Ví dụ, sau tuyến đập của hồ sông Ba Hạ đoạn sông chết dài 8km, của hồ Đồng Nai 3 dài 4km, hồ thuỷ điện Nậm Chiến dài hơn 16km và nhiều hồ thuỷ điện nhỏ khác.
Ngăn dòng trầm tích
Ngoài gây sụt giảm sinh vật, đập chặn còn ngăn dòng trầm tích chảy xuống hạ lưu, khiến nhiều bờ sông suy yếu và sụt đáy sông.
Hạn chế cấp nước cho các mục tiêu khác
Trong mùa cạn, do chủ yếu chú ý đến sản lượng điện, nhiều hồ chứa thuỷ điện tăng cường việc tích nước để dự trữ phát điện, nên lượng nước xả xuống hạ lưu không đáng kể, đôi khi ngừng hoàn toàn. Từ đó, gây ảnh hưởng bất lợi đến việc cung cấp nước cho các mục đích sử dụng khác ở hạ du như: cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, giao thông, thuỷ sản... đồng thời làm biến đổi chế độ dòng chảy và suy thoái hệ sinh thái thủy sinh.
Thay đổi xấu chất lượng nước
Ngoài ra, việc sử dụng nước của thuỷ điện làm biến đổi rất nhiều chất lượng nước trong thời gian đầu tích nước vào lòng hồ do quá trình phân huỷ thực vật trong lòng hồ. Do thay đổi chế độ dòng chảy nên lượng các chất hữu cơ trong nước của các công trình thuỷ điện bị giảm, sự đa dạng và số lượng các loài cá và các loài thuỷ sinh bị thay đổi rõ rệt, đặc biệt là những loại di trú theo mùa, hoặc làm mất đi các bãi đẻ trong mùa sinh sản.
Một trong những nguyên nhân gây lũ lụt
Ngoài lý do thiên nhiên là mưa nhiều tạo nên lũ lụt, đôi lúc tác động của con người lại là nguyên nhân chính.
Gần đây, thông tin cho rằng, cứ xây hồ thủy điện là gây lũ lụt là hoàn toàn oan cho các dự án thủy điện. Dưới góc độ kĩ thuật, quản lí vận hành, hồ thủy điện chống lũ được nhiều hơn là gây nên lũ lụt. Có thể khẳng định, thủy điện không phải là nguyên nhân gây lũ lụt, mà quy hoạch sai, vận hành sai các công trình thủy điện mới là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt. Đó là chưa kể đến “công lao” của thủy điện trong khả năng điều tiết giảm thiểu nguy cơ lũ lụt.
Ở Việt Nam, lượng điện do thủy điện mang lại chiếm tỷ trọng khá lớn, nhu cầu dùng điện còn gia tăng trong khi phát triển các nguồn điện khác còn nhiều khó khăn do vốn, do trình độ kĩ thuật chưa cho phép… Thời gian qua, một số hồ thủy điện đã có những ảnh hưởng nhất định về môi trường như: gia tăng tình hình lũ ở hạ du, làm một số thác nước bị cạn kiệt, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
Trong các đợt lũ lớn xảy ra, đặc biệt ở miền Trung, Tây Nguyên, dư luận rộ lên nguyên nhân lũ lớn, do hồ thủy điện (HTĐ). Về chuyên môn đơn thuần, đầu tiên phải nói là thời tiết ngày càng phức tạp, tình hình rừng đầu nguồn bị chặt phá nên nước về nhiều, tiếp đó là có thể có nơi nào đó, do vận hành lũ của các hồ thủy điện chưa chính xác, dẫn đến lũ lớn (lớn hơn trường hợp nếu không có hồ thủy điện). Trước khi có những ý kiến cụ thể công và tội của công trình thủy điện có thể đưa ra một số luận giải như sau. Trước khi có hồ chứa nước Hòa Bình (trên Sông Đà), cứ tháng 5 tháng 6 hàng năm, các tỉnh phía hạ du, đặc biệt Hà Nội đã phải lo chống lũ. Khi có hồ chứa nước thủy điện Hòa Bình thì tình lũ lụt phía hạ du gần như được loại trừ. Sắp tới, khi hồ thủy điện Sơn La, Na Hang hoàn thành thì chắc không ai còn nghĩ tới chuyện lũ lụt ở Sông Hồng nữa.
Lũ do hồ thủy điện chỉ xảy ra khi nào, độ lớn bao nhiêu, biện pháp không chế (điều tiết) lũ ra sao…? cần được xem xét một cách thận trọng và có căn cứ khoa học để đúc kết ra các bài học cho tương lai lâu dài.
Vai trò chống lũ hay nguyên nhân gây ra lũ của hồ thủy điện
Tất cả các hồ thủy điện đều có chức năng tạo nên cột nước cao, giữ nước trong hồ (càng nhiều càng tốt khi điều kiện kinh tế, kĩ thuật cho phép) để phát điện. Lưu lượng qua tràn (đã được điều tiết tại hồ) rõ ràng phải nhỏ hơn lưu lượng nước đến, tức là giảm mức độ ngập lụt chứ không phải là làm trầm trọng thêm lũ lụt.
Quy trình vận hành hồ chứa liên quan mật thiết đến kết cấu tràn xả lũ, chỉ có hai loại hình kết cấu là: i) loại hình tràn xả lũ tự do (tràn hở) và ii) tràn xả lũ có cửa (tràn xả sâu). Hồ thủy điện có tràn hở đều có chức năng giảm lưu lượng và làm chậm lũ khi có lũ về, vì hồ bao giờ cũng trước tiên tự động tích trong hồ một lượng nước nhất định, sau đó mới xả về hạ lưu. Tuy nhiên, chỉ có các hồ chứa thủy điện loại nhỏ người ta mới dùng kết cấu tràn kiểu này. Vậy, hồ thủy điện có dạng tràn hở hoàn toàn không có lỗi gây úng lụt hạ lưu bất cứ khi mưa to hay nhỏ.
Khả năng gây lũ ở hạ lưu chỉ có thể gây nên trường hợp hồ thủy điện có tràn dạng xả sâu mà thôi. Dạng tràn xả sâu mới có khả năng đảm nhiệm được hai nhiệm vụ chính là: xả nước với lưu lượng lớn đảm bảo an toàn cho đập khi có lũ và xả nước trước khi lũ về tạo nên dung tích phòng lũ để cắt lũ.
Công trình điển hình là HTĐ Hòa Bình (khoảng 2 tỷ m3) và hồ Tam Hiệp (Hồ Bắc, Trung Quốc) đạt 38 tỷ m3 nước.
Chỉ khi có lũ lớn bất thường như khái niệm vừa nêu thì HTĐ mới có lỗi gây ra lũ. Lưu lượng lũ cần phải xả theo tần xuất tính toán là rất lớn, mức hàng trăm, hàng ngàn năm mới xuất hiện một lần - tùy theo cấp công trình. Công trình xả nước này được thiết kế với lưu lượng lớn gấp 5 - 10 lần lưu lượng trung bình nhiều năm của dòng tự nhiên. Như vậy, nhà quản lý công trình khi cần thiết nếu xả với lưu lượng lớn như vậy, về pháp lý không sai nhưng sẽ gây ngập lụt vô cùng nghiêm trọng cho hạ du.
Về nguyên tắc, xây dựng hồ chứa (cả thủy lợi lẫn thủy điện), nếu đúng quy trình vận hành, thì lưu lượng lũ hạ lưu các hồ đều được giảm lưu lượng lũ (đỉnh lũ thấp), thời gian lũ kéo dài hơn, càng nhiều hồ chứa thì đỉnh lũ càng thấp. Vậy, muốn tránh tối đa trường hợp HTĐ gây nên tội úng ngập hạ lưu thì cần tính toán thủy văn thủy lực cho HTĐ cần chính xác để có quy trình vận hành HTĐ đúng nhất, luôn tuân thủ nguyên tắc điều tiết nước, đảm bảo lưu lượng xả lũ qua hồ phải nhỏ hơn tổng lưu lượng vào hồ. Muốn vậy, áp dụng những biện pháp dự báo thủy văn dự báo lũ để tốt nhất, có các trạm đo thủy văn ở tất cả các nhánh sông lớn chảy vào hồ, có thiết bị đo lưu lượng nước xả tràn… việc làm này giúp HTĐ có quy trình vận hành tốt và có bằng chứng pháp lý bảo vệ HTĐ.
Vì tài nguyên nước là của chung nên khi cấp giấy phép xây dựng và vận hành một dự án thủy điện, nhà nước phải cân nhắc tính toán đến các lợi ích khác, thiết thực nhất là khả năng điều tiết lũ của hồ chứa. Như vậy, ngay từ đầu cần xác định rõ ràng bao nhiêu dung tích của hồ chứa sẽ được dùng để điều tiết lũ. Tóm lại, nguyên tắc chung, hồ thủy điện (HTĐ) đều có đóng góp rất lớn về mặt giảm lũ, chống lũ, hay nói cách khác, mỗi khi lập dự án hồ đều có nhiệm vụ điều tiết nước, giảm lũ hạ lưu mùa mưa và tăng mực nước mùa kiệt. Càng có nhiều hồ chứa trên một dòng sông thì khả năng giảm lũ càng lớn. Trường hợp HTĐ gây nên lũ, chỉ xảy ra khi lập quy trình hoặc vận hành sai quy trình mà thôi.
Việc làm quan trọng nhất cho giảm nguy cơ sinh lũ lụt vẫn là bảo vệ rừng đầu nguồn, đánh giá sự thay đổi thời tiết để kịp thời tìm ra đối sách hợp lý, luôn bổ sung, sửa chữa, nâng cao các kết cấu chống lũ lụt hiện có.
Một vài ví dụ cụ thể về ảnh hưởng xấu thủy điện
Theo một đề án nghiên cứu của cơ quan chuyên ngành, hồ thủy điện Hoà Bình làm ngập 6.609 héc ta, tương đương với dung tích điều tiết 5 tỉ m3 nước, bình quân ngập 1,3 héc ta/1 triệu m3; hồ Thác Bà ngập 16.629 héc ta, ứng với dung tích điều tiết 1,8 tỉ m3, trung bình ngập 9,2 héc ta/1 triệu m3.
Tổng diện tích ngập lụt quy về đất nông nghiệp của các hồ chứa trên sông Đà, sông Lô tham gia chống lũ cho đồng bằng sông Hồng là 47.534 héc ta. Tổng số dân phải di chuyển 174.607 người, với tổng chi phí đền bù khoảng 622 triệu đô la Mỹ.
Ngoài ra, tác động của các hồ chứa còn làm giảm độ phì nhiêu đối với vùng đồng bằng do lượng phù sa bị giữ lại trong lòng hồ; ước tính hàng năm của hồ chứa ở Việt Nam giữ lại trong lòng hồ khoảng 60-70 triệu m3 phù sa, trong đó có 1.610 tấn mùn, 1.260 tấn sun phát đạm, 292 tấn lân, 780 tấn kali.
Một số hồ thuỷ điện đã làm suy giảm, cạn kiệt dòng chảy ở lưu vực sông bị chuyển nước sang lưu vực khác như: hồ thuỷ điện An Khê - Kanak chuyển nước sông Ba sang sông Kone, thủy điện thượng Kon Tum chuyển nước từ nhánh sông Dak Bla thuộc lưu vực sông Sêsan sang lưu vực sông Trà Khúc.
Một số công trình thuỷ điện khác như: Dak Mi 4, Phước Hoà, Nậm Chiến... đều chuyển gần như toàn bộ lượng nước sau khi phát điện sang lưu vực khác. Việc xây dựng các hồ trữ làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên .
Ví dụ sau khi Nhà máy thủy điện Sơn La được xây dựng và đưa vào hoạt động thì cảnh quan thiên nhiên ở khu vực này thay đổi rõ rêt. Diện tích rừng bị ngập khoảng 2.500 - 3.100 ha (chiếm khoảng 7,02 - 11,2% tổng diện tích đất ngập) sẽ làm thay đổi đáng kể cảnh quan thiên nhiên khu vực này.
Việc thay đổi dòng chảy của sông dẫn tới sự thay đổi môi trường sống của cá. Theo chương trình Bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước lưu vực sông Mê Kông, số lượng loài cá tra dầu và cá heo Irrawaddy quý hiếm đã giảm đáng kể do việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mê Kông làm thay đổi dòng chảy dẫn đến thay đổi môi trường sống của cá.
Các đập thủy điện có thể gây thay đổi lớn trong chất lượng và khối lượng của nguồn nước uống và sinh hoạt. Theo thạc sĩ Nguyễn Vũ Huy, Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam, hệ thống sông Đồng Nai có tổng trữ lượng nước dưới đất 22 triệu m3/ngày (trữ lượng tĩnh: 10 triệu m3/ngày, trữ lượng động 12 triệu m3/ngày).
Làm cạn nước ngọt ở hạ lưu. Theo UBND thành phố Đà Nẵng, việc xây dựng Nhà máy thuỷ điện Đắk Mi4 tại Quảng Nam đã cắt dòng Đắk Mi - chiếm 1/3 lưu vực dòng Vu Gia, nhưng chiếm 50% lưu lượng nước của dòng sông lớn này - nhưng không trả về dòng cũ mà đổ về sông Thu Bồn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ lưu sông Vu Gia. Dòng sông này cung cấp nước cho gần 10.000 ha nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt cho 1,7 triệu dân thành phố Đà Nẵng và 2 huyện Đại Lộc và Điện Bàn của Quảng Nam.
Bên cạnh đó, sự cạn kiệt của dòng Vu Gia cũng gây những tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái của khu vực. Một số tài liệu gần đây cho biết, thủy điện vẫn có khả năng sinh khí nhà kính, đặc biệt là mê tan. Việc sinh khí mê tan là do các thực vật, tảo lắng trong các bể chứa, phân rã trong môi trường yếm khí dưới lòng hồ. Khí mê tan được thải vào khí quyển khi nước được xả ra từ các bể chứa và quay các turbin.
Các nhà môi trường, đã nhấn mạnh về các mối lo ngại của họ về việc các đập thủy điện cỡ lớn có thể gây phân đoạn hệ thống sinh thái của môi trường xung quanh.
Nói như vậy, không đồng nghĩa với việc không đầu tư xây dựng các nhà máy thuỷ điện để cung cấp nguồn năng lượng cho quốc gia phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao vừa xây dựng các nhà máy thuỷ điện nhưng hạn chế thấp nhất việc xâm hại rừng, cần phải đưa vào trong các tính toán hiệu quả thủy điện những chi phí cơ hội ở những phương án khác.
Rừng đầu nguồn bị xâm hại nghiêm trọng mới chính là một trong những nguyên nhân quan trọng gây lũ lụt chứ không phải tại các hồ thủy điện (HTĐ).
Một khía cạnh khác
Xây dựng các hồ thủy điện lớn với mục tiêu tích nước sản xuất điện, trong những giờ thấp điểm chỉ xả lưu lượng tối thiểu dẫn đến dòng chảy không đảm bảo đủ để đẩy mặn tại các tỉnh ven sông biển của đồng bằng sông Cửu Long. Điều này càng đặc biệt tệ hại trong bối cảnh biến đối khí hậu và mức nước biển ngày càng dâng cao!
Sự ổn định hai bờ sông cùng sinh thái hạ du bị huỷ hoại nghiêm trọng vì sự dao động mực nước trong ngày quá lớn do chế độ vận hành kiễu điều tiết ngày đêm và xảy ra hàng ngày.
Do vậy, quy trình vận hành kiểu điều tiết ngày đêm sẽ gây thiệt hại to lớn cho người dân ở vùng hạ lưu sông.
Chi phí đầu tư lớn
Chi phí ban đầu cho một hệ thống thuỷ điện thường lớn hơn so với các nhà máy nhiệt điện đốt nhiên liệu hoá thạch, và thời gian xây dựng kéo dài.
Suất chi phí đầu tư cho thủy điện thường lớn gấp 1,2 đến 1,5 lần so với nhà máy nhiệt điện. Chi phí này không chỉ đầu tư vào chính công trình mà có một phần đáng kể giành cho việc giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư ổn định của người dân. Trong điều kiện ngày hôm nay, khi mà yêu cầu về phát triển bền vững ngày càng khắt khe, yêu cầu về chất lượng cuộc sống ngày càng cao sẽ càng làm gia tăng suất chi phí đầu tư vào công trình thủy điện.
Bài viết đã hệ thống hóa khá toàn diện các lợi ích to lớn cũng như thiệt hại có thể có từ việc xây dựng các công trình thủy điện. Vấn đề là phải làm sao khi đưa ra quyết định xây dựng công trình thủy điện, chúng ta phải cố gắng phát huy tối đa các lợi ích của công trình và giảm thiểu các tác hại của chúng... Điều này có thể thực hiện được nếu chúng ta vận dụng một cách khoa học bài toán đa mục tiêu trong đánh giá hiệu quả dự án đầu tư thủy điện.
NangluongVietnam