Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Cuộc tranh cãi khí đốt Nga - EU vẫn chưa đến hồi kết


Phuchoiacquy - Theo tin từ hãng Interfax, trong cuộc họp đầu tiên với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu - EU (ngày 21/12), kể từ khi tái đắc cử Tổng thống hồi tháng Năm, ông Vladimir Putin đã có bài phát biểu đề cập đến những tranh chấp năng lượng giữa Nga và EU. Tổng thống Putin đã nêu rõ quan điểm về việc Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 9/2012 mở cuộc điều tra về những vi phạm luật cạnh tranh đối với Tập đoàn Gazprom. Tổng thống Nga cho rằng, hành động này thể hiện sự phân biệt đối xử của EU đối với các doanh nghiệp Nga.

Mọi mâu thuẫn muốn giải quyết đều cần có thời gian, việc hai bên cùng ngồi lại với nhau để trình bày và lắng nghe quan điểm của nhau cũng là một sự hợp tác tạo tiền đề tốt cho nhiều hoạt động khác trong tương lai.
Cụ thể, Tổng thống Vladimir Putin đã cáo buộc EC ép Gazprom phải chịu một phần gánh nặng (như trợ cấp) cho những quốc gia kinh tế yếu kém ở Đông Âu.
“Châu Âu muốn duy trì một số ảnh hưởng chính trị, song lại muốn chúng tôi trả giá cho điều đó” - Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh.
Theo các nhà phân tích, việc EU điều tra chống độc quyền đối với Tập đoàn Gazprom đã đẩy tranh cãi giữa Nga - EU trở nên phức tạp hơn. EC xem xét 3 cáo buộc chính đối với Tập đoàn Gazprom (bao gồm: lạm dụng vị thế thống trị trên các thị trường cung ứng khí đốt tại Trung và Đông Âu bằng cách chia cắt thị trường và cản trở "dòng khí đốt tự do tới châu Âu", thiết lập các rào cản đối với việc đa dạng hóa cung ứng năng lượng tới EU và áp đặt giá khí đốt tăng cao đối với người tiêu dùng).
Bên cạnh đó, EC cũng xem xét tình hình tại các nước Trung và Đông Âu, nơi Gazprom cung cấp ít nhất 2/3 lượng khí đốt - vì cho rằng, tập đoàn này đang cản trở cạnh tranh tại Bulgaria, CH Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan và Slovakia.
Theo luật pháp châu Âu, việc vi phạm các tiêu chuẩn cạnh tranh có thể bị phạt tới 10% doanh thu hằng năm của tập đoàn (trong trường hợp của Gazprom là trên 10 tỷ euro).

Hệ thống đường ống "Dòng chảy phương Nam" (xanh) và Nabucco (đỏ). Dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo cho nước Nga một lợi thế rất lớn trong cuộc chiến năng lượng. Đồ họa: BBC
Hiện tại, lượng khí đốt của Gazprom chiếm 25% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Nga gần như chi phối hầu như toàn bộ các hệ thống ống dẫn dầu khí của thế giới và phân bố rộng khắp, xuyên suốt lãnh thổ châu Âu, với hệ thống đường ống dẫn dầu dài khoảng 150.000 km.
Dòng chảy North Stream và South Stream đi vào hoạt động ổn định sẽ tạo cho nước Nga một lợi thế vô cùng lớn trong cuộc chiến năng lượng. Tuy nhiên, dự án này vẫn đang còn nhiều tranh cãi, bởi South Stream, hệ thống dòng chảy đi qua Biển Đen. Nhưng điều quan trọng hơn là dự án này của Nga nếu được thực hiện sẽ cạnh tranh với dự án đường dẫn khí Nabucco do EU hậu thuẫn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU lần này đã có những tranh cãi lớn, mặc dù hai bên đã nỗ lực thu hẹp khoảng cách. Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso và Chủ tịch EU Herman Van Rompuy từng nói, mọi mâu thuẫn muốn giải quyết đều cần có thời gian, việc hai bên cùng ngồi lại với nhau để trình bày và lắng nghe quan điểm của nhau cũng là một sự hợp tác tạo tiền đề tốt cho nhiều hoạt động khác trong tương lai.
NLVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét