Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Giải pháp cho vấn đề trạm biến áp



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Trong thế giới công nghệ cao hiện nay, chắc chắn mọi sự đều thay đổi và ngành điện buộc phải thay đổi theo, nếu không muốn trở nên lỗi thời và bị bỏ lại phía sau. Các kỹ sư luôn chịu áp lực, phải tiết kiệm tiền, cải tiến các thiết kế và xây dựng các hệ thống hiệu quả hơn. Một mặt phải nỗ lực hết mình, nhưng điều quan trọng là ngành điện phải biết tận dụng mọi lợi thế mà công nghệ đem lại, thậm chí cả những công nghệ tân kỳ nhất.
Công nghệ tân tiến
Nhiều công nghệ tân tiến có thể bị coi là ý tưởng ngông cuồng, kỳ quặc hay thậm chí là trên mây. Công nghệ tân tiến có nhiều hình thức. Một số vốn là công nghệ cũ nhưng đi theo hướng mới, số khác là các công nghệ đỉnh cao và một số ít tuy còn nằm trên bàn vẽ nhưng có thể sẵn sàng đảo lộn mọi sự bất cứ lúc nào.

Bằng cách kết hợp máy cắt điện, dao cách ly,
và máy biến dòng trong một thiết bị duy nhất,
Siemens thu hẹp được mặt bằng cần thiết
Hãy xem xét một số tiến bộ về công nghệ năng lượng tái tạo nêu trong các bản tin gần đây. Trên thị trường có bán các tấm lợp mái nhà có các đặc tính quang điện (photovoltaic - PV), khiến chúng trở thành các tấm pin mặt trời cỡ nhỏ. Các hãng phát triển sản phẩm đang thử nghiệm trên thực địa loại quần áo có các đặc tính quang điện, để cấp điện cho các thiết bị mà nhiều người mang theo cả ngày. Nghiên cứu về lớp phun lớp PV đang được tiến hành, khiến bất kỳ bề mặt nào nếu quay đúng hướng cũng đều trở thành nguồn điện.
Chính quá trình trên đang phát huy tác dụng đối với sự phát triển công nghệ ngành điện, trong đó trạm biến áp là tâm điểm của sự phát triển này từ nhiều năm nay. Trước đây, nhưng chưa tới mức quá lâu, thiết kế chống sét oxit kim loại còn được xem là kỳ quặc, cực đoan và khó tin. Quan điểm cho rằng có thể giảm mức cách điện bằng việc sử dụng một thiết bị bên trong chứa các vật trông tựa như khoanh giò vào hồi đó là không thể tin nổi và đáng lo ngại, nhưng giờ đây chẳng còn ai nghi ngờ về tính thực tiễn của loại thiết bị này. Thay đổi để tiến lên là động lực để công nghệ phát triển , giúp trạm biến áp vận hành tốt hơn.
Vấn đề kích thước
Vật liệu cách điện tốt hơn cho phép đề xuất các mẫu thiết kế trạm biến áp nhỏ gọn, được thế giới chấp nhận ngày một nhiều hơn, khi mà các công ty điện lực đang đối mặt với thách thức phải cung cấp công suất trạm biến áp ở khu vực đô thị trong điều kiện mặt bằng bố trí hạn hẹp. Bằng cách kết hợp công nghệ tiên tiến với vật liệu có đặc tính tốt hơn, các nhà chế tạo hiện đang chào bán các thiết bị nhỏ gọn. Thiết kế trạm biến áp cách điện bằng không khí (air-insulated substation - AIS) nhờ đó được cải thiện, nhỏ gọn hơn bao giờ hết.
Các thiết kế AIS cải tiến này sử dụng một số công nghệ như: Máy biến dòng đo lường quang học (optical instrument transformer), dao cách ly thanh cái kiểu khung trượt (pantograph), giảm khoảng cách giữa các pha nhờ sử dụng chống sét oxit kim loại kiểu cải tiến giảm mức cách điện. Các thiết kế AIS cũng sử dụng các kiểu máy cắt điện SF6 cách tân. Máy cắt điện cách ly (kiêm chức năng của dao cách ly) của ABB và máy cắt điện Simobreaker của Siemens sử dụng công nghệ hỗn hợp bằng cách kết hợp các năng lực của dao cách ly và của máy cắt điện. Máy cắt Simover của Siemens - còn có tên gọi khác là máy cắt điện xoay - có máy biến dòng, dao cách ly kiểu xoay và máy cắt điện, tất cả được tích hợp làm một.

Kết hợp công nghệ cách điện bằng khí (GIS) với công nghệ cách điện bằng không khí (AIS) cho phép thu hẹp rất nhiều mặt bằng cần thiết cho trạm biến áp
Cũng có một số thiết kế trạm biến áp kiểu hỗn hợp (hybrid), kết hợp công nghệ GIS (trạm biến áp cách điện bằng khí) với công nghệ AIS, nhờ đó thu hẹp hơn nữa mặt bằng chiếm chỗ của trạm biến áp. Các thiết kế này là sự kết hợp của các loại thiết bị đặt trong không khí ngoài trời và các thiết bị đóng cắt cách điện bằng khí SF6 đặt trong vỏ bọc. Trạm hỗn hợp này là phương án thay thế kinh tế hơn so với trạm GIS thuần túy, áp dụng cho những mặt bằng có phần nhỏ hẹp so với yêu cầu của trạm cách điện bằng không khí (AIS) nhưng đủ rộng đối với trạm biến áp kết hợp. Người thiết kế trạm biến áp ngày nay có nhiều lựa chọn và nhiều công cụ hơn nhiều so với trước đây.
Trạm biến áp siêu dẫn
Một sức mạnh khác có tiềm năng thay đổi cấu hình trạm biến áp là công nghệ siêu dẫn nhiệt độ cao (high-temperature superconducting - HTS). HTS đã được sử dụng từ nhiều năm nay, nhưng mới chỉ giới hạn ở các dự án thí điểm, để thử nghiệm các ứng dụng trên lưới điện. Các ứng dụng này bao gồm: Tích trữ năng lượng trường từ siêu dẫn (superconducting magnetic energy storage - SMES), cáp HTS và thiết bị hạn chế dòng sự cố HTS, hiện đã được lắp đặt trên hệ thống điện của nhiều công ty điện lực.
Một trong số các dự án thí điểm gần đây nhất của Bộ Năng lượng Mỹ được áp dụng trên lưới điện của công ty điện lực Southern California Edison– (SCE). SCE sẽ lắp đặt một máy biến áp trung áp HTS tại trạm biến áp Irvine, bang California (Mỹ). Máy biến áp HTS có thông số danh định 69/12,47 kV, 28 MVA và sẽ tích hợp khả năng giới hạn dòng sự cố. Đây là dự án hợp tác giữa Bộ Năng lượng Mỹ và ngành công nghiệp. Bộ Năng lượng đang tài trợ cho dự án. Phía ngành công nghiệp bao gồm Waukesha Electrical Systems, Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge và SuperPower Inc.
Các ý tưởng thiết kế HTS đã được thử nghiệm và chứng minh là đáng tin cậy, nhưng một trong số các vướng mắc trong việc triển khai là vấn đề giá thành. Cho đến nay, mỗi công trình lắp đặt luôn phải có hệ thống hỗ trợ kỹ thuật nhiệt độ siêu thấp (cryogenic), nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu hợp nhất nhiều hệ thống làm lạnh ở nhiệt độ siêu thấp? Có nhiều đề xuất xây dựng một trạm biến áp siêu dẫn sử dụng đủ các loại thiết bị HTS khác nhau nhưng với một hệ thống duy nhất làm lạnh ở nhiệt độ siêu thấp phục vụ toàn bộ trạm biến áp.
Các nhà nghiên cứu cho rằng trạm biến áp siêu dẫn sẽ hiệu quả hơn vì nó hầu như không có tổn hao. Trạm biến áp HTS sẽ tin cậy hơn, ít yêu cầu bảo trì với kiểu thiết kế đặt trong vỏ bọc. Trạm cũng yêu cầu mặt bằng ít hơn - giảm tới 70 % - và độ an toàn cũng cao hơn. Điều này chắc chắn phù hợp với định nghĩa của ý tưởng sáng tạo được xây dựng với công nghệ tân tiến, nhưng sẽ còn phải mất thời gian thuyết phục những người hoài nghi.
Trạm biến áp với giao thức Internet
Không chỉ có các công trình ngoài trời rơi vào tầm ngắm công nghệ. Cách đây vài năm, công ty điện lực Seattle City Light (SCL - bang Washington) xây dựng lại hệ thống điều khiển trạm biến áp theo phương pháp tiếp cận mới. SCL thay thế hệ thống giám sát điều khiển và thu thập dữ liệu (Supervisory Control and Data Acquisition - SCADA) kiểu tập trung dựa trên các thiết bị đầu cuối từ xa (remote terminal unit - RTU) bằng hệ thống truyền thông dựa trên giao thức Internet (Internet protocol - IP). Hệ thống mới này thu thập được nhiều thông tin hơn và linh hoạt hơn các hệ thống SCADA truyền thống.

Các kết cấu compozite đang tạo ra sự khác biệt trong thiết kế trạm biến áp
Hệ thống của SCL này sử dụng một máy chủ trạm biến áp bao gồm một máy tính trạm biến áp SEL 3354 của công ty Schweitzer Engineering Laboratories (bang Washington) chạy trên phần mềm ứng dụng Substation và Substation Explorer của công ty SUBNET Solutions (Canađa). Hệ thống này cũng sử dụng các khóa chuyển đổi (switch) của công ty GarrettCom (bang California) được kết nối với các thiết bị điện tử thông minh (intelligent electronic devices - IED) bằng cách giao tiếp với các thiết bị trạm biến áp.
Công nghệ điều khiển trạm biến áp dựa trên IP tích hợp sẽ đứng vững và tăng trưởng về số lượng ứng dụng. Gần đây, Cisco (bang California, Mỹ) và Alstom (Pháp) công bố thành lập nhóm cộng tác với nhiệm vụ tích hợp mạng IP này với các thiết bị trạm biến áp và các hệ thống điều khiển. Nhóm của họ kết hợp các bộ định tuyến (router) và khóa chuyển đổi (switch) chịu được các quá điện áp lưới điện của công ty Cisco với các thiết bị điện của công ty Alstom như dao cách ly, rơle bảo vệ, tụ điện và hệ thống điều khiển số đảm bảo sự hoạt động của tất cả các thiết bị này. Alstom hiện đang tích hợp nền tương thích với IPv6 của Cisco vào các thiết bị trạm biến áp của họ nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc chuyển đổi từ các giao thức truyền thông SCADA nối tiếp sang truyền thông lưới điện thông minh đích thực bằng IP.
Với việc chuyển đổi này, điều gì sẽ xảy ra khi đường truyền Internet trên mặt đất bị mất? Tất nhiên là dịch vụ này không còn tồn tại, mọi việc có thể bị gián đoạn, nhưng một công nghệ khác của thế kỷ 21 lại đang vào cuộc. Kết nối Internet qua vệ tinh nhân tạo độc lập với các đường truyền trên mặt đất. Vệ tinh nhân tạo cho phép các công ty điện lực bao quát toàn bộ hệ thống của họ trong một mạng duy nhất, đây là một lợi thế rất lớn khi tiến hành rà soát, sửa đổi và nâng cấp.
Tiến thêm một bước nữa, vệ tinh nhân tạo có thể sử dụng cho nhiều dịch vụ khác như camera an ninh, dịch vụ điện thoại sử dụng tiếng nói qua IP và truyền fax. Tất cả đều có thể thực hiện cùng lúc, hiệu quả hơn.

Hàng rào điện ngăn không cho động vật lại gần các thiết bị mang điện
Thiết bị bán dẫn
Các linh kiện điện tử công suất đã được sử dụng rộng rãi trong ngành điện từ nhiều năm nay. Các hệ thống điện cao áp một chiều (high voltage direct current - HVDC) và các hệ thống truyền tải điện xoay chiều linh hoạt (flexible ac transmission systems - FACTS) không còn mới lạ nữa. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành nhằm áp dụng công nghệ bán dẫn công suất cho máy cắt điện và máy biến áp bán dẫn.
Nhiều người cho rằng tính năng của các linh kiện bán dẫn hiện nay còn quá thấp, chưa đủ để chế tạo máy cắt điện và máy biến áp bán dẫn, thế nhưng điều này đang xảy ra. Việc phát triển máy cắt điện một chiều loại bán dẫn đang có nhiều tiến triển. ABB đang nghiên cứu thiết kế loại máy cắt tác động kép (hybrid) sử dụng linh kiện bán dẫn cùng với dao cách ly cơ khí, dùng cho lưới điện HVDC đang được đề xuất ở châu Âu.
Máy biến áp bán dẫn cũng đang được nghiên cứu khắp nơi trên thế giới. Máy biến áp bán dẫn không phải là máy biến áp kiểu khô có lõi từ; nó là bộ biến đổi điện áp không có sắt, thép hay đồng như vẫn thấy trong các thiết bị truyền thống loại này. Theo ý kiến của nhiều người tham gia nghiên cứu máy biến áp bán dẫn thì đây là thiết bị định tuyến (router) kỹ thuật số dùng cho lưới điện. Nghe có vẻ khá xa vời, nhưng ý tưởng lại hợp lý.
Ở Nhật Bản, tổ chức phi lợi nhuận Digital Grid Consortium đã được thành lập để phát triển máy biến áp bán dẫn này. Nhóm này bao gồm ORIX Corp, NEC Corp. và National Instruments. Có tin đồn một số nhà sản xuất thiết bị điện Nhật Bản có kế hoạch sẽ tham gia nhóm này.
Theo báo cáo của nhóm, thiết bị này sẽ thay thế các thiết kế sử dụng các cuộn dây hiện nay bằng các bộ biến đổi bán dẫn điện xoay chiều-sang-điện một chiều-sang-điện xoay chiều (AC-to-DC-to-AC). Máy này hoàn toàn chế tạo được với công nghệ hiện nay, nhưng do giới hạn về chi phí nên mới chỉ dừng ở giai đoạn nghiên cứu, chưa sang giai đoạn dự án thí điểm, trong khi chờ đợi các đột phá về công nghệ bán dẫn cải thiện được tính kinh tế của thiết bị.
Các đề xuất mới
Ai cũng biết chim, rắn, sóc không biết đọc. Nên cho dù có trương lên bao nhiêu biển báo “Điện áp cao nguy hiểm” thì những loài vật này vẫn cứ tiếp tục làm chạm chập thanh cái và các thiết bị mang điện, gây ra sự cố mất điện. Một số ứng dụng công nghệ cao giờ đã có sẵn trên thị trường giúp giải quyết vấn đề này.
Cột và cấu trúc bằng vật liệu compozite đang tìm đường tiến vào trạm biến áp. Đành rằng chậm chạp, nhưng sự thực là có. Công ty Shakespeare Composite Structures (bang South Carolina, Mỹ) phát triển các trụ đỡ thanh cái và đỡ dao cách ly trong trạm biến áp. Theo công ty Shakespeare Composite Structures, các động vật gây phiền toái này có thể nhảy lên các trụ đỡ bằng sợi thủy tinh, nhưng khả năng gây ngắn mạch chạm đất và sự cố thấp hơn nhiều. Công nghệ sợi thủy tinh và compozite đã xuất hiện cách đây 50 năm nhưng vẫn được coi là tân tiến, có điều là thời gian để các công nghệ này tiến vào được trạm biến áp lại quá dài.
Công ty TransGard (bang Pennsylvania, Mỹ) đưa ra giải pháp sáng tạo cho vấn đề này. TransGard đã phát triển một phương pháp rất thú vị để ngăn chặn các động vật bò, trườn, len lỏi vào trạm bằng cách vây quanh bằng hàng rào mang điện làm từ các tấm bảng chuyên dụng. Các tấm bảng được lắp đặt xung quanh các thiết bị mà công ty điện lực muốn bảo vệ. Công ty Rochester Gas & Electric lắp đặt hệ thống này ở tất cả các trạm biến áp của họ, kết quả là trong nhiều năm nay, chỉ xảy ra một sự cố mất điện do động vật gây ra (xem trên T&D World, chuyên mục Electric Utility Operations, số tháng 8 năm 2012).
Đối với loài chim, vấn đề có phức tạp hơn một chút nhưng đã có nhiều sản phẩm bán trên thị trường. Cụ thể như công ty Bird-B-Gone (bang California, Mỹ) chào bán các hệ thống phun sương hóa chất đuổi chim và giàn chông nhựa ngăn chim đậu. Nhưng có một sản phẩm công nghệ tuyệt vời: Đó là hệ thống sử dụng công nghệ âm thanh, phát ra tiếng chim kêu báo hiệu nguy cấp và tiếng chim săn mồi của trên 22 loài khác nhau vào những thời điểm và trong các khoảng thời gian được lựa chọn ngẫu nhiên. Với sự đa dạng này, chim không cảm thấy nghe đi nghe lại cùng một thứ. Ngược lại, âm thanh khiến chúng lo ngại và tìm đến nơi chúng cảm thấy an toàn hơn.
Kết nối trạm biến áp
Các thiết bị điện tử thông minh (IED), các bộ vi xử lý đủ loại và các thiết bị công nghệ cao khác đã được chế tạo để hoạt động với các công nghệ quang học, không dây và Ethernet trong trạm biến áp ngày nay. Các thiết bị này có khả năng dồn các dữ liệu từ rất nhiều cảm biến vào các liên kết truyền thông kỹ thuật số và sử dụng các dữ liệu này ở cấp trạm biến áp.

Thiết bị FACTS cỡ nhỏ (tụ bù) lắp đặt trong trạm biến áp giúp cải thiện chất lượng điện năng
Nhiều công ty điện lực cảm thấy khó khăn trong việc kết nối các thiết bị trong và ngoài trạm biến áp chỉ vì các phương pháp kết nối. Trước đây, chủ yếu sử dụng công nghệ nối cứng (hardwiring), nhưng cáp sợi quang đang làm thay đổi các quan niệm truyền thống. Cáp sợi quang cũng là phương pháp hiệu quả hơn về chi phí để kết nối các thiết bị điện tử thông minh, cảm biến và thiết bị giám sát, so với cáp đồng điều khiển.
Nối cứng mạch điều khiển tốn rất nhiều sức lao động, đòi hỏi kỹ thuật viên phải đấu nối từng sợi dây điều khiển một với hệ thống. Phải mất nhiều trăm giờ để lập sơ đồ kết nối, lắp đặt cáp, đi dây các thiết bị, thử nghiệm các mạch điện và ghi nhận các sửa đổi trên bản vẽ hoàn công. Cách làm này phù hợp với điều kiện trước đây khi lao động còn dồi dào, nhưng trong môi trường ngày nay, nguồn lực hạn hẹp và cần được sử dụng một cách khôn ngoan.
Khóa chuyển đổi (switch) Ethernet hoạt động như cổng liên kết ngược (up link) cho phép truyền với tốc độ cao, tăng tốc độ truyền dữ liệu cần thiết cho việc liên kết các cơ cấu điều khiển, bảo vệ và thiết bị với nhau. Đường dẫn dữ liệu có thể có nhiều loại khác nhau – chẳng hạn như các đường dẫn điều khiển và kiểm tra, đường giám sát dữ liệu và truyền dữ liệu chung – có thể lưu trữ hay dọn dẹp khi cần thiết, do hệ thống thực hiện.
Các thiết bị bảo vệ và điều khiển đa chức năng sử dụng logic mềm, kết hợp với cáp sợi quang cho phép đơn giản hóa và tăng tốc toàn bộ quá trình, và đòi hỏi ít nhân công hơn nhiều. Ngoài ra, sử dụng cáp sợi quang còn có nhiều lợi ích vốn có của nó. Sợi quang miễn nhiễm với nhiễu điện từ, nhờ vậy có thể bố trí các thiết bị điện tử thông minh (IED) và các cảm biến ở khoảng cách rất xa, kết hợp nhiều cảm biến qua một sợi quang học duy nhất và việc lắp đặt cũng dễ dàng hơn.
Cùng thay đổi
Trong thế giới công nghệ cao hiện nay, chắc chắn mọi sự đều thay đổi và ngành điện buộc phải thay đổi theo, nếu không muốn trở nên lỗi thời và bị bỏ lại phía sau. Các kỹ sư luôn chịu áp lực, phải tiết kiệm tiền, cải tiến các thiết kế và xây dựng các hệ thống hiệu quả hơn. Một mặt phải nỗ lực hết mình, nhưng điều quan trọng là ngành điện phải biết tận dụng mọi lợi thế mà công nghệ đem lại, thậm chí cả những công nghệ tân kỳ nhất.
Công nghệ liên tục được định hình, phát triển và tiến lên, dẫn đến tính năng và chất lượng của thiết bị ngày một cải thiện. Các nhà chế tạo liên tục đưa vào áp dụng các ứng dụng mới về điều khiển số và các hệ thống truyền thông. Trạm biến áp hiện giờ được coi là hiện đại, nhưng rồi sẽ đến lúc các kỹ sư và kỹ thuật viên của tương lai sẽ ngạc nhiên tự hỏi làm thế nào mà ngành điện hồi đó lại có thể để đáp ứng nhu cầu điện năng với các thiết bị lỗi thời như vậy.
Các tiến bộ công nghệ đang tạo cảm hứng tư duy sáng tạo các trạm biến áp thế hệ tiếp theo. Trước đây, cái hạn chế các kỹ sư trạm biến áp là thiếu công cụ, nhưng giờ đây tình hình đã khác. Cái hạn chế chúng ta nhiều hơn hiện nay là liệu chúng ta có sẵn sàng chấp nhận hay không. Ngành điện giờ đây không phải chỉ có một túi công cụ mà là cả một tủ công cụ để tùy ý sử dụng.
KHCNĐ

Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Nhật Bản để xây nhà máy điện hạt nhân



PDF.InEmail
Phuchoiacquy - Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ vừa đạt được thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự. Theo thỏa thuận, Tập đoàn công nghiệp Mitsubishi và Tập đoàn Itochu Nhật Bản liên doanh với công ty GDF Suez của Pháp sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ 2 tại thành phố Sinop, bên bờ biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng số vốn đầu tư của dự án nhà máy điện hạt nhân này trị giá 22 tỷ USD.

Lò phản ứng số 3 nhà mày điện hạt nhân Ohi, Nhật Bản (Ảnh: Kyodo).
Thỏa thuận trên đạt được nhân chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đây là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du kéo dài một tuần qua của ông Abe tới Nga, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nhật Bản Abe nói: “Chúng tôi sẽ dành ưu tiên cho một dự án năng lượng hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đã có những thỏa thuận đã ký với nhau trong lĩnh vực năng lượng. Tôi vui mừng được công bố rằng, thỏa thuận nhà máy điện hạt nhân Sinop đang diễn ra hết sức thuận lợi và tôi tin là chúng tôi sẽ đạt mục tiêu sản xuất điện hạt nhân an toàn tại Thổ Nhĩ Kỳ.”
Trước đó, ngày 2/5, Nhật Bản đã ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Đây là thỏa thuận hạt nhân mới nhất mà Tokyo ký kết kể từ khi xảy ra thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima do động đất và sóng thần gây ra hồi tháng 3/2011.
Trong chuyến thăm chính thức Saudi Arabia trước đó, Thủ tướng Abe và Thái tử Salman bin Abdulaziz Al Saud đã bắt đầu thảo luận về việc thúc đẩy đàm phán một thỏa thuận hạt nhân song phương. Nhật Bản mong muốn tăng cường xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân như là một biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận hạt nhân với 11 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Anh và Cộng đồng Nguyên tử châu Âu.
VOV

Iran mời Ấn Độ khai thác dầu khí theo cơ chế mới


Phuchoiacquy - Theo TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm Iran ba ngày để tham dự hội nghị Ủy ban chung Ấn Độ-Iran tại Tehran, ngày 4/5, Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid đã thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Ali Akbar Salehi các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.

Ảnh minh họa
Theo cơ chế phân chia sản phẩm mới này, công ty Ấn Độ được phép thăm dò, sản xuất và tự do vận chuyển sản phẩm tới bất cứ nơi nào họ muốn.
Tin trực tuyến của báo The Times of India cho biết do nền kinh tế bị tê liệt trước các biện pháp cấm vận của Mỹ và châu Âu, Iran đã đưa ra một cơ chế chia sẻ sản phẩm mới về khai thác dầu mỏ nhằm “giữ chân” Ấn Độ - nước nhập dầu mỏ lớn thứ ba của Iran.
Theo cơ chế phân chia sản phẩm mới này, công ty Ấn Độ được phép thăm dò, sản xuất và tự do vận chuyển sản phẩm tới bất cứ nơi nào họ muốn.
Các công ty nhà nước của Ấn Độ, do ONGC dẫn đầu, đang thăm dò khí tại lô Farsi của Iran theo hợp đồng dịch vụ, nếu chuyển sang cơ chế chia sẻ sản phẩm mới thì New Delhi có thể được nhận gần 13.000 tỷ feet khối khí.
Ấn Độ đã nhập khoảng 13,3 triệu tấn dầu thô của Iran trong năm tài chính 2012-2013, giảm 18,1 triệu tấn so với tài khóa trước bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Tehran khiến Ấn Độ khó nhập khẩu dầu mỏ từ quốc gia vùng Vịnh này.
Hiện New Delhi đang thanh toán tiền nhập khẩu dầu cho Tehran bằng đồng rupee tại một ngân hàng ở Ấn Độ sau khi Mỹ và châu Âu phong tỏa các kênh thanh toán của Iran bằng đồng USD và euro.
Cũng tại cuộc họp trên, Ngoại trưởng Khurshid thông báo trên nguyên tắc Chính phủ Ấn Độ đã đồng ý tham gia dự án nâng cấp hải cảng chiến lược quan trọng Chahbahar của Iran.
Thứ trưởng bộ Hàng hải Ấn Độ sẽ tới Tehran để tiến hành các cuộc thương lượng về chi phí và các khía cạnh liên quan khác.
Phía Iran nhấn mạnh rằng dự án này quan trọng không chỉ đối với Iran và Afghanistan, mà toàn bộ khu vực Trung Á. Hai bên đã nhất trí tiến tới một thỏa thuận quá cảnh ba bên gồm Ấn Độ-Iran-Afghanistan, đồng thời thảo luận cách thức tăng cường các mối quan hệ thương mại và tiếp xúc giữa con người và con người, theo đó cần tự do hóa cơ chế thị thực.
nangluongvietnam

Điện mặt trời Việt Nam cần đi nhanh hơn?


Phuchoiacquy - Để đưa ánh sáng điện đến 100% vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa thì điện mặt trời có vai trò không thể thiếu được.
Ảnh minh họa
Tiềm năng dồi dào
Với những ưu thế như nguồn cung dồi dào vô tận, “vô giá” (không mất tiền mua) và sạch (không phát thải khí nhà kính), điện mặt trời đang trên đà phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước, đặc biệt các nước công nghiệp phát triển như Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Nhật…
Việt Nam trải dài từ vĩ độ 23 độ 23’ Bắc đến 8 độ 27’ Bắc, là một đất nước ở vùng nhiệt đới có tiềm năng đáng kể về năng lượng mặt trời. Trên bản đồ bức xạ mặt trời của thế giới, Việt Nam là một trong những nước nằm trong giải phân bố nhiều nhất ánh nắng mặt trời trong năm.
Theo tài liệu khảo sát lượng bức xạ mặt trời cả nước, các tỉnh ở phía Bắc (từ Thừa Thiên – Huế trở ra) bình quân trong năm có chừng 1800 - 2100 giờ nắng. Trong đó, các vùng Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La, Lào Cai) và vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) được xem là những vùng có nắng nhiều.
Các tỉnh ở phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào), bình quân có khoảng 2000 - 2600 giờ nắng, lượng bức xạ mặt trời tăng 20% so với các tỉnh phía Bắc. Ở vùng này, mặt trời chiếu gần như quanh năm, kể cả vào mùa mưa. Do đó, đối với các địa phương ở Nam Trung bộ và Nam bộ, nguồn bức xạ mặt trời là một nguồn tài nguyên to lớn để khai thác sử dụng.
Một đặc điểm địa lý khác đối với nước ta là bờ biển dài hơn 3.000 km với nhiều hòn đảo có dân sinh sống hoặc có các đơn vị quân đội đồn trú thường xuyên nhưng khó đưa điện lưới đến được. Vì vậy, sử dụng năng lượng mặt trời nói chung và điện mặt trời nói riêng là biện pháp tối ưu nhằm đáp ứng nhu cầu của các vùng dân cư, có ý nghĩa lớn không chỉ về mặt kinh tế mà cả về an ninh quốc phòng.
Hạ tầng cơ sở ban đầu
Rõ ràng, tiềm năng điện mặt trời của nước ta dồi dào. Nhu cầu khai thác nguồn điện năng này, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa lại rất lớn.
Từ khoảng ba bốn thập niên trước, nhiều nước trên thế giới bắt tay phát triển nguồn điện mặt trời, một số trung tâm nghiên cứu và đại học ở Việt Nam cũng đã nắm bắt xu hướng đó và đầu những năm 1990 đã bắt đầu xây dựng một số cơ sở hạ tầng.
Bước đi đầu tiên có ý nghĩa là việc đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm bán dẫn của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (với 5 triệu USD) và phòng thí nghiệm Nano của Khu công nghệ cao ở TP. Hồ Chí Minh (với với 11 triệu USD).
Cũng trong khoảng thời gian đó, các tổ chức nghiên cứu triển khai liên quan điện mặt trời cũng ra đời ở một vài viện nghiên cứu và trường đại học khác, như ở Phòng thí nghiệm SolarLab thuộc Viện Khoa học Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở các Trung tâm Năng lượng Tái tạo của Đại học Bách khoa Hà nội hoặc ở Viện Năng lượng Việt Nam (thuộc Bộ Công thương).
Tuy vậy, trong giai đoạn đầu, nguồn đầu tư cho nghiên cứu và khai thác sử dụng điện mặt trời có tính nhỏ lẻ, chủ yếu từ các tổ chức quốc tế và nhà nước.
Đến những năm gần đây, một số công ty tư nhân bắt đầu chú ý đầu tư hơn vào lĩnh vực mới này, tập trung vào công nghệ sản xuất pin quang điện PV.
Trong số đó phải kể đến Công ty cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ thành lập năm 2007 ở TP. Hồ Chí Minh. Công ty này đã cung cấp các tấm pin năng lượng mặt trời công suất từ 50 kWp đến 175 kWp đạt tiêu chuẩn châu Âu cho các nhà máy sản xuất pin mặt trời ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, đồng thời triển khai thiết kế lắp các công trình, dự án hệ thống điện mặt trời cho các địa phương.
Nhưng cơ sở hạ tầng lớn nhất nước ta hiện nay chính là nhà máy pin năng lượng mặt trời với vốn đầu tư 1 tỷ USD thuộc Tập đoàn First Solar (Mỹ) mới khởi công tại TP. Hồ Chí Minh vào đầu năm 2011. Nhà máy này có kế hoạch sản xuất các mô-đun năng lượng mặt trời phim màng mỏng với tổng công suất trên 250 MW và có thể được mở rộng hơn trong tương lai.
Các cơ sở sản xuất và triển khai điện mặt trời kể trên cùng với các cơ sở khác nằm rải rác các vùng là nền tảng đầu tiên để Việt Nam có được một nền công nghiệp điện mặt trời trong tương tương lai sắp tới. Nhưng để xây dựng một nền công nghiệp như vậy, nước ta cần đầu tư để sớm có các nhà máy có sản lượng chế tạo pin mặt trời với công suất cao hơn và mở ra hướng mới sử dụng công nghệ khác, đó là công nghiệp nhiệt điện mặt trời hay công nghệ điện mặt trời hội tụ CSP (concentrating solar power plant).
Ánh sáng đến vùng sâu, vùng xa
Song hành với xây dựng hạ tầng cơ sở là từng bước đưa ánh sáng của điện mặt trời thắp sáng một số nơi trên các vùng khác nhau của đất nước.
Trong thời kỳ đầu Solarlab đã áp dụng công nghệ lai ghép các nguồn năng lượng tái tạo (Madicub) sử dụng trong xe cứu thương, tàu thuỷ và khu biệt thự. Cũng Solarlab đã lắp đặt hệ điện mặt trời nối lưới SIPV.
Tiếp theo, điện mặt trời đã được chú ý đưa ra vùng xa thành phố. Chẳng hạn, từ những năm 1990, Phân viện Vật lý TP Hồ Chí Minh bắt đầu đưa điện mặt trời đến một số nhà văn hoá, bệnh viện…thuộc các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, và đặc biệt đã cung cấp điện cho 50% số hộ dân sống trên đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ thuộc TP. Hồ Chí Minh.
Hoặc, một dự án trọng điểm SELCO, với sự hợp tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với trên 600 hệ thống đang trong quá trình hoạt động. Công suất của các tấm pin PV nằm trong dải từ 500 Wp đến 1500 Wp đã được lắp đặt ở các tỉnh thuộc miền nam cho các hộ gia đình, bệnh viện, trường học và làng xã.
Tổng công suất pin mặt trời lắp đặt tại Việt Nam lên đến 4 MW vào năm 2010. Dù con số công suất này còn rất nhỏ bé so với cả các nguồn điện năng tái tạo khác, nhưng điện mặt trời cũng đã bắt đầu góp phần lan tỏa ánh sáng đến với một số vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và đặc biệt ở các hải đảo. Có khoảng 4.000 hộ gia đình hưởng lợi từ hệ thống điện mặt trời quy mô gia đình và 12.000 người trên khắp vùng miền cả nước đang nhận được điện từ hệ thống pin PV.
Riêng đối với các hải đảo, một số hệ điện mặt trời đã được lắp đặt.
Với sự nỗ lực của các đơn vị nghiên cứu triển khai trong nước, hệ pin mặt trời trên quần đảo Trường Sa với 4.093 tấm pin mặt trời loại 220 Wp đã được lắp đặt.
Hoặc, dự án lắp giàn pin mặt trời cung cấp điện cho một số hộ gia đình và các trạm biên phòng ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã hoàn thành tháng 11/2002.
Một số hệ pin mặt trời khác đã được triển khai với sự tài trợ quốc tế, như: hệ điện mặt trời kết hợp diesel gồm có 166 tấm pin mặt trời công suất 28 kW và 2 máy phát có tổng công suất 20 kW tại đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) do chính phủ Thụy Điển tài trợ; hệ điện mặt trời công suất 5 kWp tại đảo Hòn Chuối (Cà Mau) trong khuôn khổ dự án Solar Campus v.v…
Tuy vậy, ở nhiều bản làng vùng núi cao, giao thông cách trở, không ít hải đảo nhỏ xa xôi, nguồn điện vẫn chưa đến được hoặc không thường xuyên, trong lúc chủ trương điện khí hóa 100% toàn bộ lãnh thổ Việt Nam vào năm 2025 không còn quá xa nữa.
Chủ trương và biện pháp tích cực
Tóm lại, trong xu thế chung của thế giới, điện mặt trời đã được triển khai ở Việt Nam hơn hai mươi năm nay.
Trên đất nước đã xuất hiện những trung tâm nghiên cứu và triển khai với một số lượng chuyên gia có kinh nghiệm, một số nhà máy sản xuất pin mặt trời với công suất lớn khác nhau. Dù chưa nhiều, nhưng đó là những tiền đề cho một chương trình phát triển điện mặt trời rộng lớn hơn trong tương lai sắp tới.
Điện mặt trời đã đến được với nhiều buôn làng, vùng sâu vùng xa và hải đảo xa xôi, những nơi cách xa với nguồn điện lưới quốc gia và cũng không dễ dàng cho sự triển khai của các tháp điện gió.
Nhưng, nhìn chung, cho đến nay các dự án điện mặt trời trên cả ba vùng đất nước đang còn rất nhỏ lẻ và tốc độ phát triển điện mặt trời ở nước ta vẫn còn khá chậm, nếu so sánh với một số nước trong khu vực xung quanh.
Điều này cũng là dễ hiểu, khi công nghệ điện mặt trời vẫn còn mới và giá thành đầu tư hay giá điện mặt trời con khá cao so với các nguồn điện tái tạo khác như thủy điện, điện gió.
Tuy vậy, trong tương lai không xa, nguồn nhiên liệu cho nhiệt điện sẽ cạn kiệt, nguồn thủy điện cũng không còn nhiều để khai thác, lúc đó điện mặt trời sẽ cần phát triển để tham gia cùng với điện hạt nhân, điện gió nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của sự phát triển đất nước.
Đặc biệt, trong chương trình điện khí hóa 100% vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa thì điện mặt trời (kết hợp với các nguồn điện diesel, thủy điện nhỏ, điện gió…) có vai trò lớn.
Vì vậy, một quy hoạch cụ thể về phát triển điện mặt trời cần sớm hoàn chỉnh và triển khai (chưa được cụ thể hóa trong Quy hoạch điện VII hay “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030” đã được chính phủ phê duyệt), đồng thời một chính sách kích cầu và hỗ trợ cho đầu tư, xây dựng và biện pháp bù giá điện mạnh cho người tiêu dùng cần sớm được hoàn chỉnh và ban hành.
Thiếu khẩn trương thực thi những chủ trương, biện pháp tích cực, đồng bộ và thiết thực, điện mặt trời nước ta vẫn đi chậm trước nhu cầu phát triển của đất nước và sẽ không tiến kịp nhịp độ phát triển với trên thế giới, và thậm chí cả các nước trong khu vực.
Hoàng Hà - Vietnamnet

Ký kết đảm bảo an ninh cho điện hạt nhân Ninh Thuận


Phuchoiacquy - Chiều 3/5, Công an tỉnh Ninh Thuận và Ban quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đã thỏa thuận, ký kết và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn các dự án thành phần do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư thuộc Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.


Mô hình Nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam
Hai bên thảo luận, thống nhất thông qua Quy chế qui định nội dung, biện pháp phối hợp đảm bảo an ninh và an toàn đối với các hoạt động của Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong công tác bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, phòng ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn cơ quan.
Công an tỉnh Ninh Thuận, Ban quản lý dự án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao, có kế hoạch phối hợp chặt chẽ bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Hai bên tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh, trật tự và an toàn cho các hoạt động tại các dự án thành phần do EVN làm chủ đầu tư thuộc Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật ngành điện và bảo vệ an ninh chính trị nội bộ trong Ban quản lý dự án; tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn; phối hợp đảm bảo an ninh, bảo vệ an toàn đội ngũ công chức, các chuyên gia nước ngoài, các đoàn khách đến làm việc tại Ban quản lý dự án.
Quy chế cũng quy định rõ về nguyên tắc, nội dung nhiệm vụ của Ban quản lý dự án, nhiệm vụ của Công an tỉnh Ninh Thuận. Thời gian thực hiện quy chế kể từ ngày 3/5/2013 đến khi 2 đơn vị thống nhất sơ kết và xây dựng ký kết quy chế mới.
Tại lễ ký kết, các đại biểu đã nghe báo cáo, tham gia thảo luận tình hình thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận; tình hình thực hiện công tác đảm bảo an ninh Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
NLVN