Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Đập Xayaburi chính thức được khởi công


Theo tin từ Bloomberg, con đập đầu tiên trong chuỗi đập thủy điện dòng chính hạ nguồn Mê Kông sẽ chính thức được khởi công sau lễ động thổ vào ngày mai, 7/11/2012.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Viraphonh Viravong, thứ trưởng Bộ Năng lượng và Khai thác mỏ của Lào cho biết Dự án thủy điện Xayaburi đã được điều chỉnh thiết kế để giảm thiểu tác động.
Điều đáng nói là cho đến nay, các quốc gia thuộc Ủy hội Mê Kông (MRC) chưa đạt được thỏa thuận chung nào về việc xây dựng đập Xayaburi, theo tinh thần của Hiệp định Mê Kông năm 1995.
Bình luận về điều này, bà Pianporn Deetes thuộc Tổ chức Sông ngòi Quốc tế nói: Động thái của Lào thiết lập một tiền lệ nguy hiểm cho tương lai của khu vực Mê Kông. Nếu Lào được phép tiến hành xây đập mà không gặp cản trở nào thì trong tương lai tất cả các chính phủ thành viên (MRC) sẽ đơn phương triển khai các dự án trên sông Mê Kông. Lúc ấy Hiệp định Mê Kông chẳng khác nào một mảnh giấy vô dụng”.
Thiennhien

Xăng E5 ế vì giá cao


Hiện xăng E5 rẻ hơn xăng A92 100 đồng/lít. Các chuyên gia cho rằng xăng E5 cần rẻ hơn 1.000 đồng/lít thì mới bán được.
Theo dự thảo lộ trình bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học do Bộ Công Thương công bố từ cuối năm 2014, xăng sinh học E5 bắt buộc được sử dụng trên thị trường. Thế nhưng đến nay doanh nghiệp (DN) bán xăng E5 vẫn loay hoay tìm chỗ đứng, còn người tiêu dùng thì thờ ơ.
Ngưng sn xut vì quá ế 
“Huyện có khoảng 450 ha sắn người dân trồng để phục vụ cho nhà máy sản xuất ethanol. Vì nhà máy ngưng hoạt động mà chúng tôi phải đi vận động bà con nhổ sắn, xắt nhỏ, phơi khô đem bán” - ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam), cho biết.
Đại Lộc là nơi có nhà máy sản xuất ethanol đầu tiên tại Việt Nam do Công ty CP Đồng Xanh đầu tư. Lúc trước, khi nhà máy xuất hiện đã hứa hẹn mở ra “cuộc sống mới” cho nông dân. Còn nay, một cán bộ huyện Đại Lộc cho hay: “Nhà máy dừng sản xuất từ tháng 7 chưa biết khi nào hoạt động lại. Nhiều lần liên lạc với họ để làm việc nhưng lãnh đạo cứ báo đi nước ngoài miết. Nguyên nhân ngừng sản xuất nghe đâu do thiết bị phải bảo hành và khó vay vốn ngân hàng”.
Vào năm 2010, ngay khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nhiên liệu sinh học nhằm đón đầu cơ hội đưa xăng E5 ra thị trường, Nhà máy Đồng Xanh đã được thiết kế công suất tới 125 triệu lít/năm. Việc ngừng sản xuất ethanol đã khiến nhiều nông dân khó khăn do nhà máy này là nơi tiêu thụ sắn cho các tỉnh Gia Lai, Kon Tum… và cả nước bạn Lào.

Giá thành c
a xăng E5 vn chưa hp dn được người tiêu dùng. nh: HTD
Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho biết Nhà máy Dung Quất cũng đang thử sản xuất ethanol. “Do đang chạy thử nên chưa phải đối mặt với những khó khăn như Nhà máy Đồng Xanh. Tuy nhiên, với tình hình thị trường như hiện nay chắc chắn khi vận hành chính thức vào năm sau sẽ khó khăn, có thể gặp trường hợp tương tự” - ông Giang nói.
Còn ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đơn vị đầu tư ba nhà máy sản xuất ethanol tại Quảng Ngãi, Bình Phước và Phú Thọ, cũng cho rằng do sức tiêu thụ xăng E5 của thị trường trong nước chưa tới 5% tổng sản lượng nên số còn lại PVN phải xuất khẩu nhưng lại bị DN nước ngoài ép giá.
Ít người biết
Hiện trên thị trường chỉ có ba đơn vị là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Saigon Petro và Petec đăng ký pha chế rồi bán xăng E5. Tuy nhiên, chỉ có PV Oil là đẩy mạnh hệ thống bán lẻ xăng E5, thậm chí còn liên kết với một số doanh nghiệp xăng dầu bán lẻ khác để đẩy mạnh mặt hàng này.
Trưởng chi nhánh một cây xăng có bán xăng E5 tại TP.HCM cho biết có thời gian tạm ngưng bán xăng E5 vì sức tiêu thụ thấp. “Thời gian đầu bán xăng E5, có rất nhiều người thích. Nhưng sau đó có một vài hiểu lầm và họ hạn chế mua. Phải nói là các chương trình quảng bá về xăng E5 còn quá ít. Nhân viên của chúng tôi phải giải thích rất nhiều về E5 nhưng chỉ rất ít người bỏ thói quen cũ để chuyển qua xài E5. Tôi nghĩ những chương trình quảng bá về E5 cần phải nhiều hơn nữa” - vị này nói.
Chín tháng vừa qua, PV Oil hăng hái nhất cũng chỉ bán được 15.000 m3 xăng E5, tiêu thụ tương đương 750 m3 ethanol trong tổng sản lượng 200.000 tấn. Còn lại xuất khẩu với giá 15.000-18.000 đồng/lít. “Như vậy coi như lỗ hoặc hòa vốn. Có ai mua đâu mà bán, càng làm càng lỗ thì bỏ tiền ra làm gì?” - một lãnh đạo PetroVietnam băn khoăn.
Theo ông Phùng Đình Thực, nguyên nhân xăng E5 ế là do quy chế bắt buộc sử dụng chưa áp dụng. Người nào muốn dùng thì mua, không muốn thì thôi. Chưa hết, khi xảy ra sự cố cháy xe, có phát biểu nói một trong những nguyên nhân gây cháy là methanol, cách phát âm dễ gây nhầm lẫn nên nhiều người tưởng là ethanol và quay sang nghi ngại xăng E5.
Tuy nhiên, đại diện một DN sản xuất ethanol tỏ ra băn khoăn về đề xuất này. “Trước khi áp dụng quy chế bắt buộc cần có phản hồi tích cực từ thị trường. Khi nào người tiêu dùng phản hồi rằng dùng xăng E5 có lợi hơn xăng thường thì người sản xuất mới yên tâm. Còn bất kỳ động tác nào ép buộc, cưỡng bức để người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác và buộc phải chọn thì cần cẩn trọng” - ông nói.
Khó bán do chưa “đánh” vào giá
Một số chuyên gia ngành xăng dầu cho rằng trước khi dự thảo được áp dụng chính thức thì cần bàn thêm về lộ trình cũng như giá bán.
Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn, nói thêm để xăng E5 gắn liền với cuộc sống người dân trước tiên cần quảng cáo, phát triển những xe máy động cơ chạy được xăng E5 ổn định mà không có trục trặc kỹ thuật nào. Thứ hai, xăng E5 phải rẻ hơn xăng thường. Rẻ hơn 100 đồng/lít có thể nhiều người chưa mua nhưng nếu rẻ hơn 1.000 đồng/lít thì chắc chắn sẽ khiến người dân suy nghĩ lại. Ngoài ra, Bộ Khoa học Công nghệ nên vào cuộc, tiếp tục chứng minh cho người tiêu dùng thấy xăng E5 không có hại cho động cơ.
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nếu chỉ giảm 100 đồng thì không nghĩa lý gì cả, nên khuyến khích thông qua cơ chế về giá, đánh vào lợi ích kinh tế. Việc hạn chế nhập xăng từ nước ngoài và sử dụng nguồn nhiên liệu trong nước là điều tốt, tuy nhiên không thể áp đặt với người tiêu dùng sử dụng một mặt hàng nào đó.
Về việc hỗ trợ xăng E5 ra thị trường, một chuyên gia xăng dầu cho rằng Nhà nước không nên dùng biện pháp hành chính, chỉ nên hỗ trợ bằng thuế. Ví dụ, nếu như với A92, thuế bảo vệ môi trường là 1.000 đồng/lít thì xăng E5 (do 95% là xăng A92) có thể đánh phí thấp hơn, chỉ 500 đồng/lít chẳng hạn. Làm được điều đó thì tự DN và người tiêu dùng sẽ tìm đến.
Gia đình tôi thường xuyên dùng xăng E5 cho xe máy và cảm thấy rất ổn. Tuy nhiên, hiện có rất ít cây xăng bán xăng sinh học. Chưa kể, mỗi cây xăng chỉ có một trụ bơm bán xăng E5. Nếu lỡ đúng lúc nhân viên nào đi ăn sáng thì tôi chẳng thể mua. Tôi nghĩ cần nhân rộng các cửa hàng xăng E5 càng sớm càng tốt để tiện lợi cho người mua.
Ông LÊ VÂN, một người tiêu dùng ở quận 10, TP.HCM
Phapluattp

Canada sẽ gặp bất lợi gì nếu từ chối việc Trung Quốc mua công ty dầu khí Nexen?


Ngày 2/11, Canada gia hạn thêm 30 ngày để xem xét vụ chuyển nhượng Nexen cho tập đoàn dầu khí CNOOC (Trung Quốc). Giới phân tích nhận định bất kỳ quyết định nào từ chối cho CNOOC tiếp quản Nexen có thể khiến mối quan hệ Canada - Trung Quốc trở nên lạnh nhạt hơn và Ottawa cũng sẽ phải đối mặt với "sự ghẻ lạnh" của các nhà đầu tư nước ngoài.


Văn phòng công ty Nexen, trung tâm Calgary, bang Alberta
Dự án của tập đoàn CNOOC mua lại Nexen, ngay từ khi được công bố vào tháng 7/2012, đã gây ra nhiều tranh luận tại Canada. Dự án mua Nexen được coi là đầu tư ra nước ngoài lớn nhất trong lịch sử của Trung Quốc với tổng giá trị mua lại Nexen lên đến 15,1 tỷ USD.
Mặc dù, Nexen chỉ là công ty dầu khí đứng thứ 10 về mặt doanh số, thế nhưng công ty này lại có cổ phần tại các mỏ cát dầu của tỉnh bang Alberta, khu vực đứng thứ ba thế giới về trữ lượng dầu mỏ. Đa số người Canada cho rằng, Canada không thể để lọt vào tay nước ngoài các cổ phiếu “chiến lược” này.
Sau một giai đoạn thẩm định 45 ngày đầu tiên, hồi giữa tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Công nghiệp Canada Christian Paradis ngày 2/11 đã tuyên bố gia hạn 30 ngày cho việc xem xét hồ sơ này. Về mặt chính thức, để có hiệu lực, quyết định gia hạn thêm 30 ngày này còn phải được tập đoàn CNOOC chấp nhận.
Quyết định triển hạn việc xem xét dự án Trung Quốc mua lại công ty Nexen xảy ra một tuần sau khi Chính phủ Canada bác bỏ dự án của công ty Malaysia Petronas mua lại công ty Canada Progress Energy, trị giá gần 5,2 tỷ USD.
Từ khi thỏa thuận tiếp quản Nexen được đề xuất, CNOOC đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của ngành công nghiệp dầu khí ở Calgary và Thủ hiến Alberta. Hơn 70% cổ đông của Nexen cũng đã bỏ phiếu chấp thuận sự tiếp quản của CNOOC với giá 15,1 tỷ USD. Tuy nhiên, dư luận trong giới doanh nhân Canada đã kịch liệt phản đối, cho rằng việc các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tăng đầu tư nhằm nắm quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng của Canada và tạo ra một sân chơi cạnh tranh không công bằng. Họ không muốn đất nước để lọt vào tay nước ngoài các cổ phiếu chiến lược, trong lúc CNOOC là một công ty mà Canada không có quyền kiểm soát. Một số ý kiến còn tin rằng thỏa thuận này có thể ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Canada. Các ý kiến trái ngược đã khiến Chính phủ của Thủ tướng Harper gặp nhiều khó khăn để đưa ra một quyết định. Khi nhiều người Canada phản đối kế hoạch đó đã khiến Chính phủ Bảo thủ tuyên bố gia hạn thêm 30 ngày để xem xét kỹ lưỡng hơn về thỏa thuận này.
Trong một nỗ lực nhằm giảm bớt lo ngại của Ottawa, CNOOC đã cam kết giữ trụ sở chính tại Calgary, tìm cách niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Toronto và đặt một số tài sản trị giá 8 tỷ USD dưới sự kiểm soát của các nhà quản lý Nexen ở Canada. CNOOC cũng hứa sẽ thực hiện nghiêm túc các chương trình trách nhiệm xã hội của Nexen tại Canada và trên thế giới.
John Manley, cựu Bộ trưởng Công nghiệp Canada, hiện là thành viên của Hội đồng Giám đốc điều hành Canada, dẫn đầu nhóm vận động hành lang hiện có ảnh hưởng lớn nhất tại Canada, cho biết Bắc Kinh đã "khá nhẫn nhịn" để giành được thỏa thuận Nexen và Ottawa nên quan tâm đến điều này. Mối quan hệ Canada - Trung Quốc đang được cải thiện và thúc đẩy sau các chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Harper, Ngoại trưởng John Baird và nhiều bộ trưởng khác. Và nếu thỏa thuận Nexen được thông qua, mối quan hệ có thể sẽ tiến thêm một bước nữa. Ngược lại, các nỗ lực trước đây có thể sẽ bị uổng phí trong lúc Ottawa muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, sau Mỹ. Ông nói: "Các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ rất bất mãn và chỉ trích mạnh mẽ nếu Canada từ chối thỏa thuận và điều này có thể khiến quan hệ Trung Quốc - Canada trở nên lạnh nhạt hơn".
Theo ông Manley, việc Ottawa từ chối thỏa thuận Nexen sẽ làm mất lòng tin không chỉ đối với các nhà đầu tư Trung Quốc mà còn đối với các nhà đầu tư khác trên toàn thế giới. Trước Nexen, chính phủ Bảo thủ Canada đã khước từ 2 thỏa thuận đầu tư nước ngoài, bao gồm đề nghị mua lại một phần Công ty hàng không vũ trụ MacDonald Dettwiler of Richmond có trụ sở tại British Colombia của một công ty Mỹ trong năm 2008 và đề xuất mua lại công ty Potash Corp có trụ sở ở Saskatchewan năm 2010 của Tập đoàn khai thác mỏ và dầu khí đa quốc gia Australia - BHP Billiton. Gần đây nhất là thỏa thuận tiếp quản công ty năng lượng Progress Energy Resources Corp của Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas. Ông nói: "Việc khước từ liên tục như vậy sẽ khiến cho các nhà đầu tư thêm nghi ngờ và tỏ ra lo ngại đối với cam kết mở cửa thị trường của Canada và điều đó sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước".
Manley nhấn mạnh rằng Canada rất cần các nguồn vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước, không chỉ riêng đối với dầu cát của Alberta mà còn đối với các nguồn lực ở các vùng miền khác trên toàn quốc. Theo ước tính của ngành công nghiệp nước này, Canada sẽ cần khoảng 650 tỷ USD đầu tư vào các dự án năng lượng trong thập niên tới.
Theo PTT

Israel xây nhà máy điện từ rác lớn nhất Trung Đông


Israel đang tiến hành xây dựng một nhà máy sản xuất điện từ rác thải có công suất xử lý gấp đôi lượng chất thải mà thủ đô Tel Aviv thải ra mỗi ngày. Theo Bộ Môi trường Israel, khi đi vào hoạt động (năm 2016), đây sẽ là nhà máy điện chạy bằng rác thải lớn nhất khu vực Trung Đông và là một trong những nhà máy lớn nhất thế giới.
Nhà máy có khả năng xử lý hơn 1.000 tấn chất thải mỗi ngày, bao gồm một hệ thống xử lý chất thải hữu cơ theo phương pháp phân hủy yếm khí để sản xuất nguồn điện "sạch" và phân mùn từ các phụ phẩm.
Dự án này nằm trong chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo của chính phủ Israel.
Theo đó, việc tái chế chất thải trên quy mô lớn sẽ làm giảm lượng rác chôn lấp, giảm ô nhiễm môi trường so với các phương pháp truyền thống cũng như giảm diện tích đất dành cho việc chôn lấp rác thải.
Bộ trưởng Môi trường Israel Gilad Erdan cho biết, nước này đang nhanh chóng tiếp cận các chuẩn tái chế rác thải của các nước phát triển.
Tại nhiều nơi trên thế giới, tái chế rác thải đã trở thành một ngành kinh tế mới không chỉ tạo ra nhiều việc làm mới mà còn cho phép sản xuất nguồn năng lượng sạch và giảm sự lệ thuộc vào dầu mỏ.
Việc triển khai dự án trên là một cuộc "cách mạng" trong lĩnh vực tái chế rác thải và có thể tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới.
Dự kiến đến năm 2014, sẽ có 1,5 triệu người tham gia dự án này thông qua việc phân loại rác thải tại nguồn.
TTXVN

Cuộc cách mạng năng lượng lặng lẽ ở Lào


Nói đến vấn đề năng lượng của Lào, có lẽ ấn tượng đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến là thủy điện và kế hoạch xây đập Xayabouri trên sông Mekong đầy tranh cãi… Nhưng trong thực tế, có một cuộc cách mạng năng lượng đang lặng lẽ diễn ra ở quốc gia láng giềng này…
Lào còn xa mới là một nước giàu nhưng công cuộc điện khí hóa ở quốc gia nhỏ bé này đã đưa điện tới hơn 70% dân số và đến năm 2020, con số này dự kiến sẽ tăng lên đến 90%. Trong khi đó, ở những nước khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara cùng cảnh nghèo như Lào, tỷ lệ điện khí hóa trung bình chỉ đạt 30%. Thành tựu này còn đáng được ghi nhận hơn khi đặt trong bối cảnh một đất nước còn đầy khó khăn, với mật độ dân số thấp, trải khắp các vùng, miền (chỉ khoảng 23 người/km2) và tốc độ đô thị hóa rất thấp (chỉ khoảng 33%).
Những thành tựu đạt được trong công cuộc điện khí hóa của Lào không chỉ dựa vào thủy điện mà còn nhờ một loạt các sáng kiến phát triển các loại năng lượng mới.
Ngay trong báo cáo có tiêu đề Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Lào, công bố hồi tháng 10/2011 của Bộ Năng lượng và Mỏ đã khẳng định, mặc dù Lào thiếu các nguồn năng lượng truyền thống như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên và chỉ sở hữu một trữ lượng than khiêm tốn nhưng lại có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo phong phú, trong đó có năng lượng sinh khối, thủy điện và năng lượng mặt trời. Ngoài ra, ở một số nơi, còn có tiềm năng về năng lượng gió và năng lượng địa nhiệt.
Bức xạ mặt trời ở Lào trung bình ở khoảng từ 3,6-5,5kWh/m2 với ánh nắng mặt trời chiếu khoảng từ 1.800-2.000 giờ mỗi năm. Với tiềm năng năng lượng mặt trời như vậy, nếu công nghệ quang điện được sử dụng (với hiệu quả tổng thể khoảng 10%), nó có thể tạo ra sản lượng điện/km2/năm bằng 13 triệu tấn dầu quy đổi. Tính đến năm 2011, đã có hơn 20.000 hộ gia đình Lào được tiếp cận điện năng từ hệ thống nhà năng lượng mặt trời do các công ty lớn trong nước như Sunlabob lắp đặt hoặc nhận được nguồn đầu tư từ Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, theo ông Hatsady Sysoulath - Giám đốc Viện Nghiên cứu thúc đẩy năng lượng tái tạo thuộc Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, hiện tại, sử dụng năng lượng mặt trời ở Lào mới chỉ khoảng 1MW.

Nh
ng tm quang năng mt tri như thế này đã v vi các bn làng vùng xa,
vùng sâu trên đ
t nước Triu Voi.
Bên cạnh đó, tiềm năng năng lượng sinh khối ở Lào cũng rất lớn với nguồn sinh khối từ các loại cây trồng năng lượng và chất thải hữu cơ, như là những cây có dầu như cọ, jatropha (cọc rào), hướng dương, đậu xanh và dừa; cây có đường và cây có tinh bột như mía, sắn, ngô.
Hiện ở tỉnh Savanakhet đã có một nhà máy đường sử dụng bã mía làm nguyên liệu sản xuất điện và đã hòa mạng lưới điện quốc gia từ cuối năm 2011. Đây là nhà máy đầu tiên ở Lào sử dụng bã thải để sản xuất điện và thân thiện với môi trường. Nhà máy này sẽ cung cấp 3MW điện cho lưới điện quốc gia trong năm đầu tiên và 6MW trong năm thứ hai và tăng dần lên vào các năm sau đó tùy thuộc vào công suất phát. Ngoài ra, vào giữa năm nay, với sự đầu tư của đối tác Thái Lan, Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Lao Indochina cũng đã chạy thử nghiệm hệ thống sản xuất biogas từ nước thải tinh bột sắn và dự định sử dụng nguồn khí sinh học này để phát điện trong tương lai gần.
Trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học, Lào đang tiến hành đổi mới nhằm sản xuất được 4 triệu lít nhiên liệu sinh học vào năm 2015 và đến năm 2025 sẽ đáp ứng được 10% nhu cầu nhiên liệu với một loạt điều chỉnh chính sách, luật định khuyến khích đầu tư và công nghệ xanh. Chính phủ đang xúc tiến, hỗ trợ một loạt nhà máy nhiên liệu sinh học, như dự án nhiên liệu sinh học từ cây cọ dầu của Công ty Lao Agro Tech, dự án nhiên liệu sinh học từ cây jatropha của Công ty Kolao (Hàn Quốc). Hiện dầu diesel sinh học ở dạng BD5 (5% diesel sinh học và 95% diesel dầu mỏ truyền thống) đã được bán rộng rãi trong nước với giá thấp hơn diesel truyền thống 3% và dự kiến đến hết năm nay sản xuất và tiêu thụ diesel sinh học ở Lào sẽ đạt khoảng 2 triệu lít BD5. Trong tương lai gần, Lào có kế hoạch bán giá loại nhiên liệu thân thiện với môi trường này rẻ hơn 5-10% so với diesel truyền thống và thậm chí dự kiến còn xuất khẩu sang thị trường ASEAN vào năm 2025.
Với một đất nước chỉ có số dân 6,3 triệu người, nhưng lại là nơi có núi non hùng vĩ như Lào, phát triển xanh chắc chắn không còn là một lựa chọn mà là một sự cần thiết. Giờ đây, Lào đang mở cửa cho các hướng tiếp cận sạch, các loại hình công nghệ mớivà các nguồn đầu tư mới. Những doanh nghiệp và tổ chức có ý định đầu tư lắp đặt công nghệ xanh trên lãnh thổ Lào chắc chắn sẽ nhận được thiện chí và khả năng hợp tác từ các doanh nghiệp địa phương và sự ủng hộ từ phía chính quyền.
Chính phủ Lào đã cho thấy tầm nhìn xa của mình trong việc nhận thức rõ công nghệ xanh là con đường phát triển quan trọng. Lào đang trên đường thực hiện mục tiêu đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng 30% nhu cầu năng lượng quốc gia và phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, sạch, carbon thấp. Nếu đạt mục tiêu đề ra, Lào sẽ trở thành một trong những nước chậm phát triển nhất được tiếp cận đầy đủ cơ chế mua bán khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS), cho phép nước này tham gia vào thị trường mua bán tín dụng giảm phát thải carbon (CERs) vốn có giá trị gấp 3 lần giá trị của thị trường carbon tự nguyện (VERs), đồng thời đem lại nguồn tài chính đáng kể cho các dự án năng lượng tái tạo của Lào trong những thập kỷ tới.
Thiennhien

Nga xây trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân tại Đà Lạt


Tin từ Đài Tiếng nói nước Nga ngày 29/10/2012, Nga sẽ xây dựng Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân ở Đà Lạt và Hà Nội của Việt Nam.

Theo đó, trên địa bàn Đà Lạt sẽ bố trí lò phản ứng nghiên cứu công suất 15 MW với toàn bộ phụ kiện. Còn cơ sở tại Hà Nội sẽ bao gồm một trung tâm máy tính, tổ hợp phòng thí nghiệm, các hệ thống và thiết bị đảm bảo cho hoạt động an toàn.
Thiết kế đã tính toán tới điều kiện khí hậu và địa chất phức tạp của hai mặt bằng được lựa chọn bởi hầu hết lãnh thổ Việt Nam nằm trong khu vực có hoạt động địa chấn thường xuyên – tin từ Trang tin điện tử ngành điện (EVN News) ngày 30/10/2012.

Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận dự kiến sẽ khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành, phát điện vào năm 2020 (Ảnh: ninhthuan.gov.vn)
Liên quan đến dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng với sự tham gia của Nga, ông Sergey Boyarkin, Giám đốc Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga (Rosatom), đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam cho biết, hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam sẽ theo đúng lịch trình. Dự kiến năm 2014 nhà máy điện Ninh Thuận sẽ được xây dựng và năm 2020 đưa vào sử dụng.
Thiennhien

IAEA sẽ hợp tác giúp đỡ Việt Nam về điện hạt nhân



Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Nguyễn Thiệp ngày 29/10 vừa qua đã trình thư ủy nhiệm lên ông Yukiya Amano, Tổng Giám đốc IAEA. Tại buổi tiếp sau lễ trình thư ủy nhiệm, Tổng Giám đốc IAEA Amano bày tỏ ấn tượng về những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam thời gian qua trong lĩnh vực ứng dụng phát triển năng lượng hạt nhân cũng như hợp tác chặt chẽ với IAEA trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị khung pháp lý và đào tạo nhân lực để đảm bảo các yêu cầu chặt chẽ khi đi vào triển khai điện hạt nhân.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1
Tổng Giám đốc Amano khẳng định IAEA sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là vấn đề an toàn và an ninh hạt nhân với những kinh nghiệm quốc tế quý báu rút ra sau sự cố Fukushima, giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Thiệp đánh giá cao những hỗ trợ kỹ thuật của IAEA dành cho Việt Nam trong nhiều năm qua trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, hóa chất… đặc biệt trong ứng dựng phát triển năng lượng hạt nhân, bày tỏ cảm ơn chân thành tình cảm và sự ủng hộ của cá nhân ông Tổng Giám đốc đối với Việt Nam.
Đại sứ khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với vai trò quan trọng của IAEA trong việc điều phối các nỗ lực thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, tăng cường an toàn và an ninh hạt nhân, chống phổ biến, tiến tới giải trừ hoàn toàn và triệt để vũ khí hạt nhân cũng như sự hỗ trợ nhiều mặt của IAEA cho các nước thành viên tổ chức này trong việc phát triển năng lượng hạt nhân.
Đại sứ Nguyễn Thiệp mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ hiệu quả và thiết thực của IAEA để thực hiện chương trình điện hạt nhân quốc gia của Việt Nam, nhất là về an toàn và an ninh hạt nhân, phù hợp với tiêu chuẩn và yêu cầu quốc tế.
Vietnam+